Phiên giao dịch sáng cuối tuần 16/2 vẫn trong kịch bản cũ khi VN-Index đuối sức về cuối phiên do áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, sự luân chuyển nhịp nhàng của dòng tiền sôi động qua các nhóm ngành đã giúp thị trường tiếp tục tiến bước, chỉ số VN-Index vững vàng trên vùng kháng cự mạnh 1.200 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn hoạt động tích cực giúp thị trường duy trì đà tăng điểm. Mặc dù nhóm cổ phiếu trụ cột nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên bùng nổ hôm qua đã phần nào cản trở thị trường, nhưng các mã lớn khác, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản như GVR, VIC, VHM, đã trỗi dậy tiếp sức thị trường và VN-Index trở lại vùng giá cao nhất trong ngày và cũng là mức giá đóng cửa cao nhất từ cuối tháng 9/2023 đến nay.
Bên cạnh đó, điểm tích cực khác chính là thanh khoản sôi động bởi tâm lý kỳ vọng hiệu ứng tháng Giêng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong phiên hôm nay tiếp tục vượt mức 20.000 tỷ đồng, trong đó riêng HOSE đạt hơn 18.250 tỷ đồng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 288 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng 7,2 điểm (+0,6%), lên 1.209,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 822,64 triệu đơn vị, giá trị 18.252,7 tỷ đồng, cùng giảm nhẹ hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên khai xuân ngày 15/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,76 triệu đơn vị, giá trị 747,4 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là động lực chính khi đóng cửa tăng gần 7,5 điểm, với sự ghi nhận 17 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, GVR tiếp tục tỏa sáng khi lấy lại sắc tím với mức tăng 6,8%, kết phiên đứng tại mức giá trần 26.650 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất trong gần 2 năm và nếu chỉ tính trong 7 phiên giao dịch của tháng 2 thì mã này đã tăng tới 19%. Đồng thời, thanh khoản cũng ấn tượng với gần 7,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp theo là cặp đôi lớn VIC và VNM đóng góp trên dưới 1,3 điểm cho chỉ số chung, lần lượt đóng cửa tăng 3,6% và 3,3% với khối lượng khớp lệnh tương ứng xấp xỉ 5 triệu đơn vị và 11,11 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, FPT đã lấy lại sắc xanh sau phiên điều chỉnh nhẹ ngày khai xuân, tiếp tục xác lập mức giá kỷ lục mới. Đóng cửa, FPT tăng hơn 1% lên đỉnh mới 105.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Ngược lại, HDB và STB vẫn là mã giảm mạnh nhất khi để mất 1,5%, lần lượt đóng cửa tại mức giá 23.300 đồng/CP và 30.800 đồng/CP.
Ngoài cặp đôi trên, nhiều cổ phiếu khác dòng bank cũng không thoát khỏi sự điều chỉnh do áp lực bán gia tăng như BID, MBB, VCB, VPB, EIB, OCB, LPB.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu nông – lâm – ngư là nhóm giảm mạnh nhất thị trường, trong đó SSC giảm sát sàn khi mất 6,7%, HAG giảm 5,2%, HNG giảm nhẹ.
Trong khi đó, nhựa và hóa chất là nhóm tăng mạnh nhất nhờ GVR, SFG, TPC đều tăng trần; ngoài ra DPR tăng gần 3%, TRC tăng 4,35%, TDP tăng 3,82%, HII và HRC tăng 3,5%, PHR tăng 2,4%...
Điểm sáng vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản khi giữ vững vị trí top 5 nhóm ngành tăng tốt nhất thị trường. Trong đó, NVL tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 35,47 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 1,1% lên 17.700 đồng/CP; còn cặp GVR và FIR vẫn giữ đà tăng trần.
Một số mã bật sáng trong phiên chiều phải kể đến BCG. Sau thời gian giằng co của phiên sáng, BCG đã tăng tốc và có thời điểm chỉ còn cách giá trần 1 bước giá. Đóng cửa, BCG tăng 4,7% lên mức 8.610 đồng/CP với thanh khoản trong top 20 mã dẫn đầu thị trường, đạt 13,9 triệu đơn vị. Ngoài ra, HQC cũng nới rộng khi tăng 3,1%, đóng cửa tại mức 4.310 đồng/CP và khớp lệnh 13,61 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán lình xình và đóng cửa nhích nhẹ. Trong đó, cặp đôi VND và VIX đều tăng chưa tới 1%, với khối lượng khớp lệnh trong top 5 thị trường, tương ứng đạt 32 triệu đơn vị và 21,9 triệu đơn vị; còn SSI giảm 0,3% và khớp 18 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường hạ độ cao và có thời điểm đảo chiều giảm nhưng may mắn đã thoát hiểm thành công về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,13%), lên 233,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66 triệu đơn vị, giá trị 1.239,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,91 triệu đơn vị, giá trị 29,37 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 là tâm điểm của thị trường khi đóng cửa tăng 1,77% gồm 16 mã tăng và 7 mã giảm, với thanh khoản chiếm tỷ trọng lớn, tương ứng hơn 66% về khối lượng và 82,5% về giá trị.
Trong đó, các mã bất động sản thuộc top tăng tốt nhất gồm HLD tăng 3,2%, TIG tăng 2,5%, CEO tăng 1,9% với thanh khoản giữ nhiệt sôi động đạt 10,83 triệu đơn vị khớp lệnh… Ngược lại, các mã giảm có L18 giảm 1,2%, TNG và VCS cùng giảm 1%...
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn đứng giá tham chiếu 17.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vươn lên dẫn đầu thị trường, đạt 11,78 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nhỏ NRC vẫn giữ sắc tím khi đóng cửa đứng tại mức giá 5.000 đồng/CP, tăng 8,7% với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 5 thị trường, đạt gần 4,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng quay xe thành công trong phút cuối dù gần như toàn bộ thời gian lình xình dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 90,06 điểm với 182 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,94 triệu đơn vị, giá trị 433,04 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,92 triệu đơn vị, giá trị 24,35 tỷ đồng, trong đó SHG thỏa thuận hơn 6,6 triệu đơn vị, giá trị gần 22,5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều đóng cửa khởi sắc. Trong đó, BCR tăng 3,3% và khớp lệnh 6,93 triệu đơn vị, BSR tăng nhẹ 0,5% và khớp 2,72 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nhỏ PVX lấy lại sắc tím với khối lượng giao dịch đạt 1,95 triệu đơn vị. Các mã khác như SBS, ABB, VHG, QNS, VAB đều khởi sắc và giao dịch trên 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2403 đáo hạn gần nhất ngày 21/3 tăng 5,6 điểm (+0,5%), lên 1.232 điểm, khớp lệnh hơn 130.610 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.970 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CSTB2322 vẫn có thanh khoản tốt nhất khi khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa tiếp tục giảm 6,1% xuống 770 đồng/cq. Theo sau là CVPB2309 với 1,97 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,4% xuống 250 đồng/cq.