Cửa hàng xăng dầu 77 (Công ty TNHH xăng dầu 77) tại đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) có 3 trụ bơm xăng RON95 đều tắt đèn, nhân viên thông báo hết loại xăng này lúc 18h30 ngày 9-3 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chiến sự Nga - Ukraine chỉ là một tác nhân làm cho giá dầu thế giới tăng nhanh và cao hơn.
Các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý cần tính đến các sắc thuế khác nữa bên cạnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để hài hòa lợi ích cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp (DN).
Dự báo xăng vượt 30.000 đồng/lít
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết trong ngày 9-3, DN này bị các cây xăng "gí", đòi mua hàng, nếu không bán các cây xăng nói sẽ đóng cửa, cây xăng sẽ bị phạt.
"Hiện thị trường đang rối loạn, các DN đầu mối như chúng tôi cũng đang chịu hết nổi vì lỗ quá rồi, bây giờ giả sử mỗi ngày bán ra 1.000m3 thì chúng tôi lỗ đến 5 - 7 tỉ đồng/ngày. Thường nếu lỗ ít còn cố gắng san sẻ để các cây xăng đủ hàng, bây giờ kiểu này thì chết luôn", vị này nói.
Đây là thực trạng chung của các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu bởi giá nhiên liệu trên thế giới tăng quá cao, giá xăng dầu trong nước chưa theo kịp và dự báo mức giá tăng mới trong ngày 11-3 có thể tăng "sốc".
Phân tích về thị trường xăng dầu hiện nay, lãnh đạo Saigon Petro cho rằng việc Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga đã khiến thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh theo hướng khan hiếm nguồn cung, tác động trực tiếp tới châu Âu, sau đó lan sang các khu vực khác trên thế giới, kéo giá lên cao.
Theo vị này, thông thường các đợt biến động trước, khi giá dầu thô tăng cao chưa tác động trực tiếp đến xăng dầu thành phẩm, song hiện nay giá xăng dầu chịu tác động ngay lập tức bởi giá dầu thô.
"Hai năm qua dịch bệnh nên các nhà máy lọc dầu giảm sản xuất, nguồn dự trữ sản phẩm giảm, trong khi hiện nay nhu cầu xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao do phục hồi sản xuất, cộng với các biến động chính trị khiến giá của xăng dầu thành phẩm tăng lên cao ngất ngưởng và chưa có dấu hiệu dừng", vị này nói.
Hiện phụ phí nhập khẩu dầu cũng tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung, trước đây chỉ duy trì 1 - 2 USD/thùng, hiện đã lên ở mức 6 - 10 USD/thùng.
Trong khi đó, đại diện một DN nhập khẩu xăng dầu ở TP.HCM cho hay khi chưa cấm vận, giá dầu thô đã lên gần 140 USD/thùng, do đó bây giờ cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga sẽ kéo theo giá dầu còn tăng cao, "lên mức 200 - 300 USD/thùng là thấy trước mắt".
Cần tính toán giải pháp thuế
Đánh giá tác động của giá xăng dầu tăng cao, phát biểu tại tọa đàm Kiểm soát lạm phát - thúc đẩy và phục hồi kinh tế do tạp chí Hải Quan tổ chức chiều 9-3, ông Nguyễn Bá Khang, phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay của Việt Nam chịu áp lực khá lớn.
Lý do vì giá xăng dầu của Việt Nam được điều hành theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Chỉ hai tuần trở lại đây, giá thế giới tăng quá mạnh. Việc xăng dầu tăng giá khiến giá các mặt hàng như thép, phân bón... cũng tăng đột biến.
Làm thế nào để giá xăng dầu trong nước không tăng đột biến? Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng bên cạnh giải pháp xem xét mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ quan quản lý cần tính đến cả các chính sách thuế khác nữa. "Xăng dầu là máu của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành, từ vận tải, khai thác thủy sản, than... So với giá xăng dầu của Việt Nam, giá xăng dầu ở Mỹ chỉ 26.000 đồng/lít.
Nhưng cơ quan quản lý cần phải đánh giá xem giá xăng dầu của Việt Nam phù hợp như thế nào với điều kiện cụ thể của nền kinh tế để vừa có lợi cho DN kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất - kinh doanh", ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Xuân Định (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho rằng giá dầu thế giới trong hai tuần qua tăng đột biến và bất thường, điều này cho thấy dự báo ngắn hạn về giá dầu vô cùng khó khăn. Phần lớn các cơ quan, tổ chức kinh tế trên thế giới chỉ dự báo giá dầu trung và dài hạn.
Do đó, có lẽ công tác điều hành của Chính phủ nên đặt ra các kịch bản giá xăng dầu thế giới lên 130-150 USD/thùng, thậm chí cao hơn thì Chính phủ sẽ có những phản ứng chính sách hiệu quả hơn.
Nhiều nước giảm thuế để kìm giá xăng dầu
Theo Bộ Tài chính, về kinh nghiệm quốc tế, trước diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao gần đây, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, một số nước đã giảm thuế xăng dầu.
Đơn cử, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu cho xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong 6 tháng từ 12-11-2021 đến hết tháng 4 năm nay.
Thái Lan giảm một nửa tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ 5,99 baht/lít xuống còn 3 baht/lít trong 3 tháng đến ngày 20-5. Ba Lan và Ấn Độ cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu...
Lại khan hàng, hết xăng
Chiều 9-3, cửa hàng xăng dầu 77 (Công ty TNHH Xăng dầu 77) tại đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) chỉ bán xăng RON92, 3 trụ bơm xăng RON95 đều tắt đèn. Nhân viên tại đây cho biết hiện hết xăng RON95 khiến nhiều xe máy, xe hơi đến đổ xăng đều phải quay đầu tìm cây xăng khác.
Trong khi đó, một cây xăng tư nhân tại quận Bình Thạnh phải treo biển "hết xăng còn dầu", nhiều người dắt bộ đến rồi lại phải dắt bộ về. Tương tự, một cây xăng khác trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) cũng treo biển "hết xăng còn dầu" trong chiều 9-3.
Kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường tương ứng mức giảm với xăng là 2.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu hỏa là 500 đồng/lít, dầu mazut là 1.000 đồng/kg, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
Theo bộ, giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày 9-3 đã lên mức hơn 130 USD/thùng và vẫn đang diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142 - 158 USD/thùng (ngày 7-3).
Đáng chú ý bộ nhận định giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng 27-44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022.
N.HIỂN
TTO - Giá xăng dầu thành phẩm trong nước trong kỳ điều hành ngày 11-3 tới đây có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại so với đầu năm 2022. Bộ Công thương kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, tức 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu.
Xem thêm: mth.3630940001302202-ig-mal-iahp-man-teiv-gnat-cut-peit-uad-gnax-aig/nv.ertiout