Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 654 điểm, tương đương 2%, và đóng cửa ở 33.286 điểm. Hỗ trợ đắc lực nhất cho chỉ số bluechip này là các cổ phiếu Salesforce, Nike và JPMorgan.
Chỉ số S&P 500 tăng 2,6% lên 4.278 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng vọt lên 3,6%. Đây là phiên tích cực nhất của Nasdaq kể từ tháng 11/2020, được hỗ trợ mạnh bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo CNBC, sau phiên hồi phục 9/3, Dow Jones đã thoát khỏi vùng điều chỉnh và Nasdaq ra khỏi vùng thị trường gấu. Đây cũng là phiên tăng đầu tiên của các chỉ số chứng khoán Mỹ sau chuỗi 4 phiên giảm liên tục.
Giá dầu xuống dốc sau chuỗi ngày tăng nóng
Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế sụt 13,2% còn 111 USD/thùng, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 21/4/2020. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng lao dốc 12,5% còn 108,7 USD, ghi nhận phiên tiêu cực nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Theo Reuters, giá dầu đi xuống trong bối cảnh một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuyên bố ủng hộ tăng sản lượng, qua đó hỗ trợ thị trường đang bị xáo trộn vì cuộc xung đột Nga – Ukraine.
"Chúng tôi ủng hộ việc nâng sản lượng và sẽ khuyến khích toàn khối OPEC xem xét tăng quy mô sản xuất", ông Yousef Al Otaiba, Đại sứ UAE tại Mỹ nói ngày 9/3. UAE và nước hàng xóm Arab Saudi là hai trong số ít các quốc gia thuộc OPEC có năng lực sản xuất dư thừa và có thể tăng sản lượng.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp dầu khí nâng sản lượng nếu có thể.
"Trong lúc khủng hoảng này, chúng ta cần tăng nguồn cung. Ngay lúc này, chúng ta cần tăng cường sản xuất dầu và khí đốt để đáp ứng nhu cầu", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói tại một sự kiện của ngành dầu khí tại Houston, Texas ngày 9/3.
Nguồn cung tăng thêm từ OPEC chỉ có thể giúp bù đắp một phần lượng dầu thiếu hụt do các hành động cấm vận và cô lập Nga gần đây.
Reuters dẫn lời ông Bob Yawger, Giám đốc giao dịch hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho nhận định: "Mức sản lượng tăng thêm tiềm năng chẳng thấm vào đâu. UAE có thể bơm thêm khoảng 800.000 thùng mỗi ngày, tức là chỉ bằng khoảng 1/7 số thiếu hụt vì Nga".
Trước thông báo của UAE, giá dầu đã giảm một phần do Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IAE) tuyên bố các kho dự trữ dầu thô chiến lược có thể được dùng đến nhiều hơn.
"Nếu có nhu cầu, nếu các chính phủ thành viên của chúng ta ra quyết định, chúng ta có thể đưa thêm dầu ra thị trường", Tổng Giám đốc IAE Fatih Birol nói.
Đầu tuần này, giá dầu thô Brent có lúc vọt lên mức 139 USD/thùng. Thống kê bên dưới cho thấy khi giá dầu điều chỉnh trong phiên 9/3, các cổ phiếu năng lượng cũng đồng loạt đi xuống, tác động tiêu cực tới thị trường.
Chứng khoán Mỹ điều chỉnh theo giá hàng hóa, cổ phiếu ngân hàng thăng hoa
Theo CNBC, giá nhiều loại hàng hóa khác như bạc, đồng và bạch kim cũng giảm trong ngày 9/3. Hợp đồng tương lai lúa mì sụt gần 11%. Tuy vậy, giá palladi vẫn tiếp đà đi lên.
CNBC dẫn lời bà Kathy Bostjancic, Giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Oxford Economics nhận định: "Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động theo thay đổi trên thị trường hàng hóa, cụ thể là dầu. Hoạt động giao dịch sẽ lên xuống thất thường, chỉ số chứng khoán tăng khi giá hàng hóa giảm. Nhưng nhìn chung, kịch bản giá dầu và các loại hàng hóa phi năng lượng duy trì ở mức cao có thể phủ bóng đen lên triển vọng hoạt động kinh tế và thị trường chứng khoán".
Cổ phiếu công nghệ là động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/3, như thể hiện trong biểu đồ trên. Netflix và Microsoft đi lên lần lượt 5% và 4,6%. Meta Platforms và Alphabet đi lên tương ứng 4,3% và 5%.
Cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến tích cực với Bank of America tăng 6,4%, Wells Fargo thêm 5,8%, JPMorgan Chase và Goldman Sachs đi lên tương ứng 4% và 3,8%.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng, đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm, khi nhà đầu tư rút tiền ra khỏi tài sản an toàn. Lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 5 điểm cơ bản lên 1,93%. Các ngân hàng thường được lợi trong môi trưởng lợi suất cao.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng tràn ngập sắc xanh trong phiên 9/3. Thống kê bên dưới cho thấy các chỉ số chứng khoán của Anh, Pháp, Đức còn tăng mạnh hơn chỉ số của Mỹ.
Ngày 10/3, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo CPI tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 40 năm trở lại đây.