Rạng sáng ngày 10/3, giá dầu WTI đứng ở mức 108,7 USD/thùng, giảm hơn 15 USD, tương đương 12%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Đầu tuần này, dầu WTI từng đạt mức 130 USD/thùng, cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Giá dầu thế giới giảm sâu. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Trong khi đó, dầu Brent giảm 16,8 USD, tương đương 13% xuống 111,1 USD/thùng, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020. Trước đó, hôm 7/3, giá dầu Brent đạt 139 USD, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Dù giảm nhiệt, nhưng so với một tháng qua, giá dầu thế giới vẫn tăng tương đối cao, trên dưới 23%.
Thị trường đi xuống nhờ thông tin về tiến triển trong việc Mỹ khuyến khích các nước tăng sản xuất dầu. Mới đây, Iraq tuyên bố có thể tăng sản lượng nếu OPEC+ yêu cầu, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát tín hiệu cho biết Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẵn sàng hỗ trợ OPEC+ tăng sản lượng.
Theo John Kilduff, nhà phân tích của Again Capital, mức giá 130 USD/thùng khiến thị trường dầu mỏ đắm trong tâm lý lo sợ gián đoạn nguồn cung từ Nga. Việc OPEC không có động thái và tình hình tại Ukraine leo thang chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Tuy nhiên hiện mọi thứ đã được đảo ngược ở một mức độ nào đó.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế Mỹ (IEA) đã phải giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ để bù đắp cho việc gián đoạn nguồn cung. Cơ quan này cho biết đây chỉ là phản ứng ban đầu và có thể xả dầu thêm nếu cần thiết.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận đinh: "Thế giới đang làm việc cùng nhau để giải quyết tình trạng giá dầu tăng vọt và điều đó đã đặt giá dầu thô lên đỉnh trong ngắn hạn"
Trong diễn biến gần đây, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào thị trường Mỹ.
Không chỉ Mỹ, Anh là quốc gia tiếp theo có hạn chế riêng đối với hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời cho biết sẽ loại bỏ dần hàng hóa nhập khẩu của nước này vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu mới đây cũng công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Phản ứng trước thông tin giá dầu giảm, các chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Á hầu hết tăng điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đầu phiên giao dịch sáng nay có lúc đã tăng hơn gần 4%.
Sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc đại lục tăng lần lượt 1,94% và 2,79%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng trên dưới 2%.
VTV.vn - Giá dầu tăng mạnh do những đồn đoán rằng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn nữa do các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7624253101302202-hnam-cod-oal-uad-aig/et-hnik/nv.vtv