Sáng 10-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2021.
Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện SAGRI cho biết tổng số mặt bằng nhà, đất do Tổng Công ty đang quản lý, sử dụng là 42 mặt bằng, trong đó SAGRI đã có văn bản trong hai năm 2020 và 2021 đề xuất UBND TP bàn giao lại 18 mặt bằng nhà, đất. Đến nay, đã có 2/18 mặt bằng nhà, đất đã có quyết định thu hồi tại khu đất Xa lộ Hà Nội (phường An Phú, TP Thủ Đức) và khu đất đường Lâm Văn Bền (quận 7).
Trước vấn đề này, các ĐBQH và HĐND TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả sử dụng của các mặt bằng nhà, vướng mắc chỗ nào mà đến nay chỉ mới có 2/18 mặt bằng được trả lại cho UBND TP. Các đại biểu cho rằng, sự chậm trễ này cũng gây lãng phí, bởi SAGRI không sử dụng nhưng cũng phải trả tiền thuê đất.
Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc SAGRI, giải trình tại buổi giám sát. Ảnh: TÁ LÂM
Giải trình vấn đề này, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc SAGRI, cho rằng đây không chỉ là vấn đề của đơn vị ông mà là vấn đề mà nhiều tổng công ty cũng đang gặp vướng liên quan đến mặt bằng đất đai. “Vì sao lại vướng? Cần phải xem lại gốc của vấn đề - đó là cơ chế” – ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Hòa, hiện nay, SAGRI không sử dụng những mặt bằng này nhưng cũng phải nộp tiền thuê đất hàng năm rất lớn. “Đất đai quý lắm chứ. Tổng Công ty có được mặt bằng mừng lắm và có những mặt bằng rất đẹp nằm ở quận 7 nhưng chúng tôi phải trả lại vì hai lý do” – ông Hòa nói.
Hai lý do mà ông Hòa nói, thứ nhất do quy hoạch sử dụng đất ở những khu đất này không còn phù hợp với ngành nghề kinh doanh của SAGRI nữa. “Các khu đất này đã quy hoạch cho các mục đích công cộng như xây trường học, cây xanh, dân cư, công viên…, vậy nông nghiệp thì làm gì đây, làm siêu thị cũng không xong” – ông Hòa lý giải nguyên nhân phải trả lại mặt bằng.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH về việc tại sao trong thời gian trả lại, SAGRI không sử dụng mặt bằng đó để tránh lãng phí, Tổng Giám đốc Phạm Thiết Hòa cho rằng muốn sử dụng thì phải xây dựng, sửa chữa và xin giấy phép nhưng “quy hoạch là công viên, trường học… không đúng ngành nghề kinh doanh của Tổng Công ty thì không thể xin giấy phép, không thể sửa chữa”.
Lý do thứ hai là có những mặt bằng hợp đồng thuê đất đã hết hạn, “quá date” nên cũng không thể sử dụng được.
“Vừa rồi có Nghị định 27/2021 về cho giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng quy định không có hợp đồng thì không được miễn giảm tiền thuê đất, trong khi chúng tôi vẫn đóng số tiền này đều đều” – ông Hòa nói.
Nói rõ hơn về 18 mặt bằng muốn trả lại, ông Hòa cho biết ngoài hai mặt bằng đã có quyết định thu hồi thì những mặt bằng còn lại đã trình lên Chủ tịch UBND TP và đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xử lý.
“TP.HCM đang thiếu đất mà chúng ta lại để đất như thế không kinh doanh được” – ông Hòa chia sẻ và mong muốn trả lại các mặt bằng này càng sớm càng tốt để SAGRI không phải đóng tiền thuê đất và Nhà nước có thêm quỹ đất để tạo nguồn ngân sách.
Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch HĐTV SAGRI, cũng cho rằng 20 mặt bằng đang sử dụng cho các trang trại, nhà máy, nhà xưởng, văn phòng và đều sử dụng hiệu quả. Chỉ có khoảng 50 ha là đất sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa như mong muốn, như trồng trọt và nuôi trồng thủy sản có thời điểm lỗ vốn. Do vậy, hiện nay đang tổ chức lại sản xuất.
“Cũng có thời gian trước đây, chúng ta đầu tư để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng cũng không như ý muốn. Mô hình của mình có khi thua một anh nông dân sản xuất giỏi. Ví dụ như ông Hải Thanh dù không nhiều mặt bằng nhưng xuất khẩu hàng triệu USD cá kiểng” – ông Hổ nói và cho rằng cần phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực, cơ sở vật chất và công nghệ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãng phí nguồn lực đất đai do SAGRI quản lý.
Do vậy, bà Tuyết đề nghị SAGRI nhận định, đánh giá nguyên nhân và kiến nghị rõ các giải pháp để khắc phục vấn đề này. SAGRI phải đeo bám, xử lý sớm vướng mắc trong việc giao trả lại các mặt bằng nhà đất không sử dụng. Còn về phía Đoàn ĐBQH TP.HCM, bà Tuyết cho biết sẽ kiến nghị UBND TP xem xét về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho SAGRI. |