Xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng đầu năm 2022 tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đơn hàng tăng, giá tốt nhưng chi phí vận chuyển, bốc xếp… tăng cao khiến các nhà xuất khẩu thu về lợi nhuận không đáng bao nhiêu.
Các nước tăng mua gạo Việt
Nhiều nhà xuất khẩu nhận định thị trường xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm nay thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do: Xung đột vũ trang Nga - Ukraine khiến cho người dân nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực. Bên cạnh đó nhiều thị trường nhập khẩu gạo hồi phục, nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy đang được kết nối lại.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục khai thác khá hiệu quả những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU. Chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt các nhà nhập khẩu, cộng với gạo thơm được miễn thuế 30.000 tấn nên tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn cho gạo Việt.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay mới đây công ty đã xuất lô gạo hơn 11.000 tấn sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, công ty còn xuất khẩu nhiều lô hàng gạo thơm tới thị trường châu Âu, Trung Đông.
Tương tự, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 4.500 tấn gạo trị giá hơn 3 triệu USD trong đầu năm nay. Trong đó gồm có gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và các quốc gia láng giềng châu Á.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3-2022, khi vụ đông xuân cho thu hoạch rộ. Gạo Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng tốt nhờ tỉ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện. Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Đáng chú ý, để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp không chỉ mạnh dạn đầu tư hệ thống kho chứa, nhà máy hiện đại, mà còn liên kết với các địa phương, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, chuyên xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.
Thị trường xuất khẩu gạo đang khá thuận lợi cho các công ty Việt Nam.
Ảnh: QH
Xuất khẩu gạo tăng cao Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 2-2022, tổng khối lượng gạo xuất khẩu nước ta đạt 906.000 tấn, trị giá 437 triệu USD. Con số này tăng 39% về số lượng và tăng 22% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay đạt 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm ngoái. |
Chi phí đầu vào tăng cao ăn hết lợi nhuận
Tuy thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng các công ty gạo lại đang đau đầu với chi phí tăng cao. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho hay giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang tăng mạnh trong đó có gạo. Nhu cầu mua gạo tăng, thị trường xuất khẩu tốt lên nhưng thời gian tới xuất khẩu gạo gặp khó khăn do giá cao.
“Người mua sẽ tính toán về giá, nếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam chi phí vận chuyển cao thì họ sẽ chuyển sang mua gạo ở những thị trường có vị trí gần hơn” - ông Long nói.
Vị lãnh đạo Công ty Gạo Việt dẫn chứng cước tàu biển từ Việt Nam sang châu Âu tăng rất cao, cuối năm 2021 mới 5.000-6.000 USD/container thì hiện nay đã tăng lên 8.000 USD. Đó là chưa kể tình trạng thiếu container, số lượng hàng ít, một số tàu thậm chí hủy chuyến. Vì vậy, giá gạo đến tay người tiêu dùng châu Âu lại quá cao, họ sẽ phải cân nhắc tiêu dùng.
“Hơn nữa, với mức giá gạo xuất khẩu hiện nay thì nhiều công ty cũng chẳng có lợi nhuận là bao vì chi phí sản xuất, chế biến… cũng tăng cao. Ngoài ra, người nông dân cũng không hưởng lợi vì giá lúa hiện nay có tăng nhưng chi phí sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp… đều tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây” - ông Long nói.
Nhiều nhà xuất khẩu gạo khác cũng cho biết dù thị trường đang khởi sắc nhưng chi phí logistics tăng quá cao khiến DN không hưởng lợi và có thể làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh có nhiều biến động trên thị trường và nhiều chí phí tăng cao như hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị các nhà xuất khẩu gạo cần cân nhắc về phương thức giao hàng khi ký hợp đồng giá FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) hoặc giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên mua hàng).
Ví dụ đối với xuất khẩu theo giá CIF, các công ty Việt khi đàm phán ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với các hãng tàu biển hoặc đại lý của các hãng tàu biển phải có điều kiện về cước phí. Trong đó, nhà xuất khẩu có thể đưa ra điều kiện hãng tàu không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào khác ngoài các khoản ghi trong hợp đồng.
Gạo có cơ hội thay thế lúa mì, bắp Báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank công bố mới đây nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến một số nhóm ngành kinh tế ở Việt Nam. Trong đó, đối với nhóm ngành lương thực, chiến tranh leo thang sẽ làm ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu khi Nga và Ukraine lần lượt là các quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ tư thế giới. Hiện nay, hai quốc gia này chiếm khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mì và 19% sản lượng bắp. Vì vậy, chiến tranh sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao. Ở thị trường Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá tăng theo giá lương thực thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên vì gạo có thể trở thành một trong những sản phẩm thay thế cho lúa mì hay bắp. |