Đảo chiều quan điểm
Theo AP, ba quốc gia mà Tổng thống Joe Biden và một số người tiền nhiệm từng ruồng bỏ, bao gồm Venezuela, Arab Saudi và Iran, giờ đây đều đang trở thành mục tiêu tiếp cận của Washington khi giá nhiên liệu thế giới lên đỉnh do chiến sự Ukraine.
Tuy nhiên, không thể chắc chắn rằng các chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ giúp đưa thêm dầu thô ra thị trường đủ nhanh để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung.
Cũng khó để khẳng định Nhà Trắng có thể hàn gắn mối quan hệ với các quốc gia mà họ từng xa lánh, đặc biệt là Arab Saudi, đất nước đang có liên minh với Nga.
Đối với chính quyền Tổng thống Biden, khi bắt tay với ba gã khổng lồ dầu mỏ nêu trên, giá dầu và khí đốt sẽ ổn định hơn, đồng thời chính phủ các nước này sẽ có thể rời xa vòng tay Nga và Trung Quốc. Đó là những kết quả lạc quan nhất.
Tệ nhất, ông Biden có nguy cơ trở thành mục tiêu của sự lên án vì tiếp cận các chính phủ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và bạo lực.
Vào ngày 9/3, trong nỗ lực xích lại gần hơn với các quốc gia mà trước đây Mỹ từng thù địch, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu: “Chúng ta có lợi ích toàn cầu trong việc duy trì ... nguồn cung năng lượng ổn định, bao gồm cả nỗ lực ngoại giao”.
Cách diễn đạt của Ngoại trưởng Mỹ đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm của chính quyền ông Biden. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã coi các giá trị dân chủ là "lợi thế của Mỹ" trong ngoại giao.
Thừa nhận sai lầm?
Trong những năm gần đây, Arab Saudi đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc hợp tác cùng Nga nhằm giữ cho nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên ở mức thấp và giá cả ở mức cao.
Và khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, ông đã thề sẽ cô lập Thái tử Mohammed bin Salman và phần còn lại của hoàng gia Arab Saudi vì những cáo buộc bao gồm vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.
Ông David Ottaway, nhà phân tích về Arab Saudi bình luận về nỗ lực hàn gắn với Thái tử Mohammed của Tổng thống Biden: “Tôi không biết liệu [ông Biden] có dám thừa nhận mình đã sai hay không”.
Bất chấp mối quan hệ đồng minh chiến lược kéo dài hàng thập kỷ giữa Arab Saudi và Mỹ, Thái tử Mohammed và Quốc vương Salman không tỏ ra háo hức giúp chính quyền ông Biden thoát khỏi bế tắc.
Ngay từ đầu, ông Biden đã thề sẽ “cô lập” gia tộc cầm quyền của Arab Saudi do liên quan vụ ám sát nhà báo Khashoggi. Tình báo Mỹ cho biết có liên hệ giữa vụ án giết người và Thái tử Mohammed.
Thế nhưng, dầu mỏ đã khiến các quan chức Mỹ tiếp cận nhiều hơn với Riyadh thời gian gần đây, bao gồm cả cuộc gọi của Tổng thống Biden tới Quốc vương Salman vào tháng trước.
Ngoại trưởng Blinken nói với các phóng viên ngày 9/3: “Chúng tôi sẽ không tách rời các giá trị và lợi ích của nước Mỹ. Chúng tôi đã làm rõ điều đó trong mọi việc mình làm [với các quốc gia khác]. Nhưng chúng tôi đang làm việc hiệu quả, mang tính xây dựng với các quốc gia đó.”
Arab Saudi và UEA có thể khai thác thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu muốn. Ngày 9/3, UAE cho biết họ sẽ thúc giục OPEC xem xét thúc đẩy sản lượng dầu.
Tuy nhiên, một số quốc gia OPEC có thể miễn cưỡng tăng sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt của Nga, do lo sợ việc xa lánh Nga có thể khiến OPEC khó sử dụng ảnh hưởng của mình đối với giá dầu.
Ông Ottaway nói nếu bỏ đi một số vấn đề, "liên minh dầu mỏ giữa Nga và Arab Saudi đã hoạt động khá tốt”.
“Đó là cũng một quyết định khó khăn đối với Thái tử Mohammed, bạn biết đấy,” ông nói thêm. “Cả Thái tử và Tổng thống Biden đều có ràng buộc ở đây.”
Dỡ bỏ cấm vận
Trong trường hợp của Venezuela và Iran, Mỹ hoan nghênh những kết quả ngoại giao tích cực giúp bổ sung nguồn cung dầu thô. Tuy nhiên, theo nhà phân tích cao cấp Claudio Galimberti tại Rystad Energy, “vấn đề nằm ở chỗ các nước Venezuela và Iran sẽ có quyền lực đàm phán lớn”.
Ông Galimberti nói tiếp: “Iran và Venezuela sẽ đưa ra nhiều yêu khắt khe để tham gia lại các thỏa thuận với phương Tây”.
Cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt lên xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã khiến giá xăng trung bình tại Mỹ lên mức 4,25 USD vào ngày 9/3. Chính quyền ông Biden đang đưa ra những tuyên bố thận trọng đối với cả ba gã khổng lồ dầu mỏ là Venezuela, Iran và Saudi Arabia.
Trong trường hợp của Iran, các quan chức Mỹ không công khai mối liên hệ giữa khả năng gỡ bỏ các lệnh cấm vận trước đây và việc đưa dầu của đất nước Trung Đông này trở lại thị trường quốc tế một cách hợp pháp.
Đối với ông Biden, thất bại trong chính sách ngoại giao dầu mỏ có thể thành trò cười với các nhà lãnh đạo nước ngoài, và làm giảm khả năng tái đắc cử trong nước.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Minnesota Ilhan Omar đã nhắc lại cuộc chiến kéo dài nhiều năm của Arab Saudi với nước láng giềng Yemen. Ông nói: “Phản ứng của chúng ta đối với cuộc chiến của Tổng thống Putin không nên là tăng cường quan hệ với Arab Saudi”.
Những người khác trong Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden cũng đã nêu rõ sự phản đối với bất cứ hành động thân thiết đột ngột nào của Mỹ với Arab Saudi và Thái tử vì dầu mỏ.
Đảng Cộng hòa đang gay gắt khi chỉ trích giá dầu tăng cao và bất kỳ sự ấm lên nào trong mối quan hệ của Mỹ với Iran.
Theo ông Richard Goldberg, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump, dường như chính quyền Tổng thống Biden đang nói: “Iran và Arab Saudi vẫn sẽ tài trợ cho khủng bố, nhưng hãy bỏ qua và mua dầu của họ”.
Các quốc gia phương Tây đang hy vọng việc cắt giảm sử dụng dầu của Nga có thể gây áp lực buộc ông Putin ngừng cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, với mỗi loại dầu có nguồn gốc khác nhau sẽ cần đến những loại nhà máy lọc dầu khác nhau và việc chuyển đổi sẽ tạo nên nhiều trở ngại khác.
Tại Venezuela, một phái đoàn cấp cao của Mỹ đã đến thăm vào cuối tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Hugo Chavez vào những năm 1990.
Phái đoàn dường như đã được đích thân Tổng thống Nicolas Maduro tiếp đón. Sau đó, ngày 8/3, Venezuela thả hai người Mỹ bị bỏ tù. Sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Venezuela làm tăng khả năng Washington sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và đưa dầu của nước này trở lại thị trường.
Nhưng ngay cả khi bước đột phá đó xảy ra, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela khó có thể tăng sản lượng kịp thời để cản đà tăng giá dầu. Hậu quả của nhiều năm bất ổn chính trị và việc đầu tư kém hiệu quả đã khiến ngành công nghiệp dầu mỏ địa phương bị ảnh hưởng.
Trưởng cố vấn địa chính trị tại S&P Global Paul Sheldon cho biết việc Mỹ dỡ bỏ các hạn chế với công ty dầu quốc doanh của Venezuela có thể tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày trong vòng vài tháng.
Các cường quốc thế giới những ngày gần đây, bằng cách này hay cách khác đều cố gắng đàm phán với Iran tại Vienna về chương trình hạt nhân của Tehran và các lệnh trừng phạt. Các hạn chế nhằm ngăn không cho Iran bán dầu ra thị trường có thể sẽ được gỡ bỏ. Theo các nhà phân tích năng lượng, Iran có thể bơm thêm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, dầu của Iran có nhiều khả năng đến tay những người mua khác hơn là Mỹ. Việc Washington cho phép Moscow tự do buôn bán với Tehran có thể tạo ra cơ hội cho Nga “rửa” dầu thông qua Iran. Theo tổ chức Clearview Energy Partners, Iran có thể xuất khẩu dầu Nga thay cho dầu sản xuất trong nước.