Sau nhiều phiên lao dốc, giá vàng sáng nay 11.3 ồ ạt tăng ở cả thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên chênh lệch mua vào - bán ra vẫn ở mức rất cao, khiến người mua đối mặt nhiều rủi ro.
Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch 11.3 được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 67,3 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,8 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên giao dịch ngày 10.3 giá vàng tại DOJI tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 2,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng miếng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 67,45 - 69,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 2,2 triệu đồng.
So với mở cửa phiên giao dịch ngày 10.3, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 1,43 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,67 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Vàng SJC được Phú Quý niêm yết ở ngưỡng 67,40 - 69,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 2,2 triệu đồng. So với mở cửa phiên giao dịch ngày 10.3, giá vàng SJC được đơn vị này điều chỉnh tăng 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 2,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng thế giới tính đến 9h ngày 11.3 (giờ Việt Nam) niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.994,4 USD/oz, tăng 18,4 USD/oz so với mở cửa phiên giao dịch ngày 10.3.
Giá vàng tăng trong bối cảnh thông tin các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraina không đạt được tiến triển rõ ràng nào đối với một lệnh ngừng bắn. Điều này khiến nhu cầu về những tài sản rủi ro hơn như chứng khoán, trong khi tăng sức hấp dẫn của các kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phản ứng với dữ liệu lạm phát tháng 2.2022 của Mỹ. Báo cáo mới nhất cho thấy con số lạm phát chính thức không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường, nhưng cũng ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 1.1982 tới nay.
Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 40 năm qua. Đây là yếu tố tiếp tục đẩy lạm phát lên cao, có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi hầu hết các quốc gia đang từng bước vượt qua đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó tại khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa thay đổi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chủ tịch ECB - bà Christine Lagarde cho biết lạm phát tại EU đang tăng cao và các rủi ro đến từ lạm phát có thể có thể làm cho tăng trưởng kinh tế khu vực này chậm lại.
Nhà phân tích cấp cao của chuyên trang về kim loại quý Kitco Metals - ông Jim Wycoff cho biết các số liệu lạm phát chắc chắn là một yếu tố cơ bản giúp vàng tăng giá.
Tuy nhiên, tình hình địa chính trị đang lấn át dữ liệu kinh tế. Chuyên gia này nhận định thị trường vàng đã cố gắng để đẩy giá lên mức cao kỷ lục hồi đầu tuần. Bây giờ, ngay cả dữ liệu lạm phát tăng ở mức kỷ lục cũng không mang lại nhiều lợi ích vì không có lực đẩy mạnh cho thị trường nữa.
Hiện tại giới đầu tư đang chờ đợi thông báo chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 16.3.
Đêm qua, giá dầu thô giảm mạnh, giao dịch quanh mức 106 USD/thùng, USD tăng giá so với nhiều đối thú của mình, lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 1,95%/năm. Riêng thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu giảm điểm rất mạnh.
Tại Phố Wall, các chỉ số Dowjones giảm 112 điểm, S&P 500 giảm 18 điểm, Nasdaq giảm 125 điểm. Nhiều người đã dịch chuyển vốn vào thị trường vàng để phòng ngừa rủi ro do lạm phát gây ra. Giá vàng hôm nay có động lực để bật tăng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,7% lên 25,90 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tiến 0,1% lên 1.077,37 USD/ounce.
Xem thêm: odl.3722201-or-iur-ueihn-tam-iod-aum-iougn-gnat-ta-o-311-yan-moh-gnav-aig/ut-uad-et-neit/nv.gnodoal