Những cơn “hoang mang” của thị trường với giá xăng cao kỷ lục từ trước tới nay hay ùn tắc kéo dài nơi cửa khẩu, người dân không nhìn thấy rõ dấu ấn, trách nhiệm của Bộ Công Thương để xử lý vấn đề được rốt ráo, hiệu quả.
Khi thị trường trông chờ sự may rủi
Suốt trong vài tuần trở lại đây, vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đó là giá xăng dầu liên tục tăng cao. Giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mỗi lít xăng là 26.830 đồng (với RON 95) và 26.070 đồng (với E5 RON92).
Trong khi đó, tại văn bản tham gia ý kiến dự án Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga, gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong khi nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước và công tác tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Dự báo những biến động của thị trường xăng dầu sẽ còn lên cao trong những ngày sắp tới.
Trong khi đó, hình ảnh về những bữa cơm đứng đường của tài xế container trong tiết trời giá lạnh 8 độ C ở cửa khẩu Lạng Sơn để lại nhiều suy nghĩ. Có những người đã phải ăn Tết trên cửa khẩu. Sốt ruột, chờ đợi trong mỏi mòn. Đó còn chưa kể cả những tiêu cực, nhũng nhiễu của đủ thứ “làm luật" để thông quan nơi biên ải.
Cho đến tối ngày 6.3 vừa qua, Lạng Sơn vẫn còn tới 1.710 xe hàng tồn chờ được thông quan xuất khẩu. Dự báo lượng xe sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới vì đang vào chính vụ thu hoạch, tiêu thụ nội địa chưa nhiều, nên vẫn chuyển lên cửa khẩu khiến tình hình ùn ứ tiếp diễn. Bên cạnh yếu tố khách quan như Trung Quốc áp dụng các chính sách quản lý chặt chẽ dịch bệnh, câu chuyện tìm kiếm thị trường cũng khiến cho không ít người trăn trở.
“Gần như ta đi buôn chuyến nhiều hơn, chưa có bài toán kết nối cung cầu, thả nổi trên nền kinh tế thị trường. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi của thị trường" - ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã nói về tình trạng ùn ứ xuất khẩu nông sản như trên.
Yếu dự báo, chậm phản ứng
Cả hai câu chuyện biến động giá xăng dầu và ách tắc hàng hoá ở cửa khẩu nêu trên đều có vai trò, trách nhiệm đậm nét của Bộ Công Thương về năng lượng, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới.
Trong câu chuyện về xăng dầu, ngày 19.2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, chỉ đạo, kết hợp nhiều giải pháp phù hợp đối với việc bình ổn giá xăng dầu để sớm xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phản hồi kiến nghị về thời điểm điều hành giá xăng dầu. Theo đó, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cùng các quy định có liên quan, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Các bộ này chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra xử lý nghiêm không để các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Ý kiến của một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong vấn đề giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương thời gian qua dù đã có sự chủ động nhưng vẫn còn yếu trong khâu dự báo về những biến động để phản ứng sớm. Từ đó, đặt ra vấn đề cơ quan quản lý phải có đánh giá về chiến lược dự trữ quy mô lớn.
Còn với vấn đề xuất khẩu nông sản, động thái của Bộ Công Thương còn khiến nhiều người nghi ngờ hơn khi gần như chưa làm tốt vai trò quản lý và điều tiết thị trường, khơi thông dòng chảy thương mại trong thời gian qua, bởi tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới hầu như năm nào cũng lặp lại trên hầu hết các sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long...
Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế thương mại - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng, trong chức năng nhiệm vụ, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với bộ, ngành điều tiết lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, những nhiệm vụ thiết lập cơ sở hạ tầng thương mại như logicstic, trung tâm giao dịch nông sản Bộ Công Thương đã không làm hàng chục năm nay dẫn tới ách tắc cửa khẩu lớn như tháng qua đang phải giải quyết hậu quả...
Do đó, chuyên gia này kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương trong việc đã gây ách tắc, tổn thất lớn cho doanh nghiệp và bà con nông dân.