Hai ngày nay, hơn 800 nạn nhân, chủ yếu là người lớn tuổi, nông dân đến từ 39 tỉnh thành phía Nam có mặt tại TAND tỉnh Hậu Giang để theo dõi phiên xử Võ Thanh Long, Tổng giám đốc Khu du lịch sinh thái Phú Hữu và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Chúng tôi mong muốn toà buộc ông Long trả lại số tiền bị mất", chị Liên ngụ Cần Thơ và một số người thân cho biết.
Còn bà Trần Thị Loan, 50 tuổi, ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, bốn năm trước thông qua người quen giới thiệu, bà đem 129 triệu đồng đầu tư mua vé điện tử của Khu du lịch Phú Hữu. Hơn hai tháng sau, bà được báo lãi hơn 35 triệu đồng nhưng công ty không trả tiền mặt, mà quy sang mua vé điện tử đầu tư tiếp, nâng số vốn lên 165 triệu đồng. "Cho đến khi Long bị bắt, tôi chưa nhận được đồng nào. Số tiền này là mồ hôi nước mắt của cả gia đình tôi", bà Loan nghẹn giọng.
Đây là vụ án có lượng nạn nhân đông nhất từ trước đến nay tại tỉnh Hậu Giang, dự kiến kéo dài đến ngày 23/3. Toà phải dựng rạp cho họ ngồi ngoài sân để theo dõi phiên xử qua loa. Những gương mặt lam lũ, ánh mắt thất thần cố giấu sau lớp khẩu trang phòng dịch. Đa số đều mang theo xấp giấy tờ chứng minh đã nộp tiền đầu tư vào dự án du lịch mà Long và cấp dưới vẽ ra.
Võ Thanh Long được người dân nhiều tỉnh miền Tây biết đến là doanh nhân sở hữu Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, Công ty cổ phần bất động sản Cao Thắng và Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Đầu năm 2017, Long mua lại dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu tại huyện Châu Thành diện tích hơn 10 ha với giá 26 tỷ đồng sau đó quảng cáo là "siêu dự án" nghỉ dưỡng quy mô 12 ha, trị giá 700 tỷ. Giám đốc cùng nhân viên tổ chức nhiều hội thảo, giới thiệu, kêu gọi khách hàng đầu tư dưới hình thức đa cấp. Nhà đầu tư góp 50 triệu đồng được chia lợi nhuận 2 triệu đồng mỗi tháng, trong vòng một năm thì hưởng 48%, sang tháng 13 thì được hoàn vốn 51 triệu đồng. Các gói đầu tư 200-500 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất tương tự.
Ngoài ra, Long còn nhận đầu tư dưới hình thức ký hợp đồng mua phiếu bảo trì tài sản dân dụng của Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt (đang thua lỗ). Để hợp thức hóa những hình thức gọi vốn trái phép này, Long chỉ đạo cấp dưới thuyết phục nhà đầu tư chuyển sang mua cổ phần của Công ty cổ phần bất động sản Cao Thắng.
Cơ quan tố tụng xác định, bằng các hình thức này, Long và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 160 tỷ đồng của của 816 người ở 39 tỉnh thành. Tiền chiếm đoạt được, Long dùng để đầu tư một số hạng mục nhỏ trong Khu du lịch sinh thái Phú Hữu, thanh toán nợ cho Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt, chi lương nhân viên, hoạt động của Công ty cổ phần bất động sản Cao Thắng, hoa hồng, tiêu xài cá nhân...
Trong chiếc áo đã sờn vai, đội nón kết cũ, ông Nguyễn Thanh Vũ, 49 tuổi, vẻ mệt mỏi thu mình ở góc bồn hoa trong sân tòa. Ông cho biết phải gác lại việc bón phân, bơm nước cho khu vườn cây trái, chạy xe máy gần 100 km từ nhà ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, để kịp đến dự tòa.
Vợ chồng ông làm vườn nuôi các con ăn học. Hơn 5 năm tích góp mới được gần 150 triệu đồng. Nghe bà con lối xóm rủ đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Phú Hữu có lãi cao nên ông nghe theo. Ông được các nhân viên trong công ty của Long chào mời đến dự hội thảo tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Sau ba lần đi dự, thấy họ thuyết trình về dự án rất lớn, khả năng sinh lời cao lãi suất 8-12% mỗi tháng nên ông quyết định đầu tư.
"Lúc đầu tôi góp 112 triệu đồng. Vài ngày sau, vợ tôi đi dự hội thảo về quyết định còn 30 triệu đầu tư nốt. Ba tháng sau, chưa lĩnh được đồng lãi nào thì giám đốc công ty bị bắt", ông Vũ nói, đưa bàn tay sạm nắng quệt mồ hôi trên mặt.
Cạnh đó, ông Hồ Văn Chính 75 tuổi, tóc bạc phơ, trên tay cầm xấp giấy tờ, cho biết đã phải chạy xe máy gần hai tiếng từ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đến TP Vị Thanh để dự tòa.
Lão nông cho biết, giữa năm 2019, nghe tin Khu du lịch của Tổng giám đốc Long kêu gọi đầu tư với lãi suất cao, nên đã bán cái máy cày gom được 300 triệu đồng. Sau vài lần nghe thuyết trình tại hội thảo, ông đầu tư hết số tiền. "Tôi nghĩ đầu tư vào đó hàng tháng lĩnh ít tiền lãi dưỡng già. Ai ngờ chủ dự án này bị bắt, tôi mất cả vốn lẫn lời", ông Chính nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Thảo, 59 tuổi, ngụ Cần Thơ, cho biết không chỉ dùng tiền tích góp mà còn mượn thêm 300 triệu đồng để đầu tư. "Tôi tin lời Long và nhân viên quảng cáo là sau ba tháng đầu tư có thể thu về 100 triệu đồng tiền lãi. Nhưng giờ thì...", ông bỏ lửng câu nói, thở dài.
Hầu hết các nạn nhân đều hy vọng tham dự phiên tòa để được giải quyết và nhận lại số tiền bị chiếm đoạt.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, nhà chức trách chỉ thu giữ được của Long và đồng phạm một số ôtô, máy tính... và các tài liệu liên quan đến việc thu huy động vốn của nạn nhân.
Trong hai ngày làm việc, phiên xử đã kết thúc phần xét hỏi. Quá trình thẩm vấn, Long và đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội. Tổng giám đốc Khu du lịch sinh thái Phú Hữu khai là người đưa ra các hình thức huy động vốn chiếm đoạt tiền của các nạn nhân như cáo buộc nhận trách nhiệm bồi thường.
Cửu Long
Xem thêm: lmth.7007344-mod-na-ud-ueis-ut-uad-iv-ohk-nohk-iougn-mart-gnah/ten.sserpxenv