Chiều 11-3, giá xăng dầu đã tăng lên mức chưa từng có, thêm áp lực lên giá cả. Trong ảnh: người dân mua thực phẩm tại chợ Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH - Đồ họa: T.Đ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngân nói: Kim ngạch xuất nhập khẩu của VN gấp 1,8 lần GDP (668 tỉ/360 tỉ USD). Như vậy riêng nhập khẩu đã tương đương hơn 90% GDP của VN. VN nhập rất nhiều, từ xăng dầu, khí đốt, sắt thép, than, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… trong khi giá thế giới tăng rất cao. Chỉ trong tuần đầu tháng 3-2022 dầu thô tăng 30%, khí đốt tăng 15%, than đá tăng 75%, lúa mì tăng 37%... Với nền kinh tế có độ mở lớn như thế, VN nhập nhiều hàng giá cao, sao tránh khỏi nhập khẩu lạm phát.
Không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu như rượu bia trong khi chi tiêu cho mặt hàng này ngày càng tăng... Mặt bằng chi tiêu người dân bây giờ rất cao rồi, vì vậy phải điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh, không thể duy trì mãi như hiện nay
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
"Nhập khẩu" lạm phát và mặt bằng giá mới
* Giá hàng hóa thế giới đang tăng, với nền kinh tế có độ mở cao như VN, ông đánh giá thế nào về khả năng "nhập khẩu" lạm phát vào VN?
- Giá tăng do nhu cầu trên thế giới tăng lại khi kinh tế phục hồi nay bồi thêm bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Không chỉ VN, người tiêu dùng các nước cũng vất vả vì lạm phát. Tại khu vực châu Âu lạm phát tháng 2-2022 là 5,8%, Anh là 5,5%, Mỹ là 7,9%... Các nước Đông Nam Á cũng không tránh được, như Singapore là 4%, Thái Lan 5,28%…
Cần nhắc lại, năm 2008 giá hàng hóa thế giới cũng tăng phi mã, giá dầu thô vào tháng 7-2008 lên đến 147,27 USD/thùng, khi đó lạm phát trong nước lên 22,97%. Vì thế phải hết sức lưu ý và thận trọng với "nhập khẩu" lạm phát. Năm 2022, VN đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát là 4%. Dự báo, nếu giá dầu thô trở về 100 USD/thùng thì lạm phát ở mức 4-5%, nếu dầu 150 USD/thùng, lạm phát có thể là 6%.
* "Nhập khẩu" lạm phát, chúng ta phải chấp nhận mặt bằng giá mới. Chính phủ cần hạn chế tác động của giá mới đến người dân, theo ông, nên như thế nào?
- Lạm phát có nhiều nguyên nhân: do tổng cầu tăng; do chi phí đẩy (giá xăng dầu tăng đẩy giá cước tăng, rồi đến lượt giá hàng hóa tăng theo phản ứng domino) do nguồn cung giảm đột ngột, cũng có thể do tâm lý ảnh hưởng đến cung cầu. Kinh nghiệm lạm phát cao của năm 2008 cho thấy nguyên nhân chính là do giá xăng dầu tăng cao, nhưng chúng ta tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát lại gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhắc lại kinh nghiệm năm 2008 để chúng ta bình tĩnh xử lý, bốc đúng thuốc. VN vừa đưa ra gói tài khóa, tiền tệ 350.000 tỉ đồng để hỗ trợ nền kinh tế do COVID-19. Thực tế chúng ta chưa triển khai gói này, tiền chưa ra thị trường nhưng giá đã tăng. Như vậy, giá tăng lúc này không phải do yếu tố tài khóa mà phải vội tăng lãi suất hay chần chừ triển khai gói hỗ trợ.
Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn đến cước vận tải. Trong ảnh: vận chuyển hàng hóa tại bến xe Miền Đông, TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG
Có cơ hội làm dịu đà tăng giá xăng dầu
* Có ý kiến cho rằng việc làm dịu đà tăng của giá xăng vẫn chưa đủ đô, còn nâng lên đặt xuống giữa thu ngân sách và hạ nhiệt đà tăng của giá xăng dầu (đề xuất giảm 1.000, rồi 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường), vậy đột phá, theo ông là gì?
- Tôi cho rằng VN có nhiều cơ hội hơn các nước trong việc giảm đà tăng giá xăng dầu khi cơ cấu hình thành giá xăng có 38-40% là thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế môi trường). Quyết liệt? Phải giảm thuế. Với thuế VAT, từ 10% còn 8% như nhiều mặt hàng vừa được giảm thuế. Thuế bảo vệ môi trường phải giảm ít nhất 50%, tức giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/lít.
Thuế tiêu thụ đặc biệt nên giảm tối đa. Vì sao? Chúng ta phải xác định xăng dầu là thiết yếu, huyết mạch của nền kinh tế, người nghèo cũng phải sử dụng, vì thế không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu như rượu bia trong khi chi tiêu cho mặt hàng này ngày càng tăng. Trong rổ hàng hóa dịch vụ để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chi phí dành cho giao thông có quyền số tăng dần, từ 9,37 lên 9,67 (ngược lại hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm đi). Như vậy, làm dịu đà tăng giá xăng dầu cũng là dịu đi đà tăng CPI.
Có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, áp 8% VAT giá xăng mới không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Kềm giá xăng dầu chính là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không nên chần chừ, vì giá tăng rồi càng khó cho nền kinh tế. Khi tình hình thế giới dịu lại, chúng ta trở lại áp dụng như bình thường. Ngoài ra cũng cần tăng thanh tra, kiểm tra niêm yết giá, chấp hành pháp luật về giá cũng góp phần làm dịu đà tăng giá cả.
* Khó kềm CPI ở mức 4% nhưng vì sao ông lại cho rằng không nên tăng lãi suất?
- Chúng ta phải chấp nhận mặt bằng giá mới. Hiện mặt bằng lãi suất dù có thấp so với nhiều năm trước nhưng vẫn cao so với các nước. Mặt khác, như đã nói, giá cả tăng không phải do yếu tố "cung tiền", lạm phát cơ bản - cơ sở để điều chỉnh lãi suất vẫn ổn định, vì thế không nên có lý do gì để tăng lãi suất. Hơn nữa, chúng ta đang triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng, trong đó có hỗ trợ lãi suất 2% cho một số đối tượng, tăng lãi suất sẽ đi ngược lại mục tiêu này và càng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn, tạo thêm sức ép tăng giá không đáng có.
* "Nước lên, thuyền lên", với doanh nghiệp, nếu giá đầu vào tăng, đầu ra cũng phải tăng, nhưng với thu nhập của người lao động, nước lên, thuyền sẽ lên theo cách nào?
- Đây là bài toán khó đòi hỏi phải chia sẻ, thậm chí cầm cự chờ cơ hội khi tình hình ổn định trở lại. Doanh nghiệp vừa ra khỏi COVID-19 nay lại bị cuốn vào cơn bão giá do xung đột chiến tranh. Để có thể trả thêm lương, phải tăng giá nhưng như vậy lại khó bán hàng vì sức cầu trong nước chưa khỏe.
Cần lưu ý là sức mua trong nước chưa hồi phục, dịp Tết vừa rồi cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ còn yếu, ở TP.HCM thậm chí còn giảm. Vì vậy, ngay với doanh nghiệp cũng phải cân nhắc khi tăng giá. Nhà nước cần triển khai nhanh gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để giúp doanh nghiệp có nguồn lực giữ giá thay vì tăng giá, đồng thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong khi chờ điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân ở mức hợp lý.
Dữ liệu: Lê Thanh - Nguồn: Bộ Tài chính
Ông Trần Hoàng Ngân:
Giảm thuế thu nhập cá nhân: cần làm ngay
Giải pháp tốt nhất lúc này là đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ nền kinh tế, như hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ gia đình chính sách, khó khăn; miễn giảm thêm thuế phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt là cần làm ngay, làm nhanh việc giảm thuế thu nhập cá nhân. Phải xác định mặt bằng chi tiêu người dân bây giờ rất cao rồi, vì vậy phải điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh, không thể duy trì mãi như hiện nay.
Phải chấn chỉnh thị trường vàng
Những ngày qua thị trường vàng diễn biến bất thường: giá trong nước chênh quá lớn so với giá thế giới có lúc gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa mua và bán giãn ra bất lợi cho người dân, đẩy giá USD tiền mặt tại thị trường tự do cao hơn 500 - 600 đồng/USD so với giá ngân hàng. Diễn biến này cho thấy có yếu tố đầu cơ, làm giá, vì thế cần chấn chỉnh.
Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm hơn tới thị trường vàng. Thực ra, nhu cầu mua vàng không lớn, giá tăng cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế, giá cả cũng như lạm phát. Nhưng cứ để giá nhảy múa khiến dư luận quan tâm là không nên. Chỉ cần Ngân hàng Nhà nước lên tiếng can thiệp thị trường vàng, chắc chắn không có mức giá 70 triệu đồng/lượng.
TTO - Nguồn thu ngân sách nhà nước tăng khá nhờ giá dầu thô tăng vọt, vì thế có ý kiến cho rằng thay vì giảm nhẹ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nên mạnh dạn giảm thêm, nguồn bù đắp là khoản tăng thu do giá dầu thô tăng cao.
Xem thêm: mth.76953518021302202-aig-gnat-ad-mek-ioh-oc-ol-gnud-nagn-gnaoh-nart-ioh-couq-ueib-iad/nv.ertiout