Cảng thương mại ở Kaliningrad, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất ở Nga - Ảnh: Reuters
Trong phát biểu ngày 10-3, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sẽ gây tác dụng ngược với phương Tây, chẳng hạn khiến giá thực phẩm và năng lượng leo thang, trong khi Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.
Các chuyên gia cũng lo ngại tương tự trong bối cảnh các đòn trừng phạt qua lại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cấm xuất khẩu 200 mặt hàng
Trang web Chính phủ Nga đăng chỉ thị, do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ban hành, cho biết danh sách cấm bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc và y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện.
Các loại hàng hóa như toa xe lửa, container, tuabin, máy cắt, màn hình, máy chiếu... cũng bị cấm xuất khỏi Nga.
"Biện pháp này là cần thiết để duy trì sự ổn định trên thị trường Nga", thông báo nhấn mạnh.
Lệnh cấm, kéo dài đến hết năm 2022, sẽ không áp dụng với các thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu và vùng Nam Ossetia, Abkhazia.
Tuy nhiên, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ tới 43 quốc gia và vùng lãnh thổ "có hành động không thân thiện" với nước này.
Khoảng 20% diện tích rừng trên thế giới nằm ở Nga. Đây được coi là nguồn tài nguyên có thể khai thác để giúp Nga giảm phụ thuộc kinh tế vào các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt.
Về nguồn cung năng lượng, lo ngại giảm đi phần nào khi Tổng thống Putin khẳng định nước này vẫn đang tuân thủ các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng thông qua việc tiếp tục xuất khẩu dầu và vận hành 100% công suất như hợp đồng với các đường ống chuyển khí đốt qua Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận những tác động của việc trừng phạt nhưng khẳng định nước này sẽ vượt qua. "Rõ ràng là sẽ có những lúc nhu cầu về một số nhóm hàng hóa luôn tăng, nhưng chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề này một cách bình tĩnh", ông Putin trấn an.
Điện Kremlin trước đó cũng khẳng định Nga có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định, dù thừa nhận kinh tế nước này đang trải qua "cú sốc" do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu thiệt hại từ "cuộc chiến kinh tế và tài chính", như nhận định của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, bao gồm cho phép trả nợ cho các công ty nước ngoài bằng đồng rúp và mới nhất là mở ra khả năng quốc hữu hóa tài sản của các công ty rút khỏi Nga.
Giá cả leo thang
Tổng thống Putin cảnh báo Mỹ và các đồng minh phương Tây "đã tính toán sai lầm" khi trừng phạt Nga.
Ông cho rằng giá lương thực toàn cầu sẽ còn cao hơn nữa nếu phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế thông qua các biện pháp cô lập về tài chính và hậu cần với Nga và Belarus - những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
"Giá cả ở nước họ đang tăng, nhưng đó không phải là lỗi của chúng tôi mà do tính toán sai lầm của họ. Nếu họ tiếp tục gây ra các vấn đề cho việc cung cấp tài chính và hậu cần với hàng (phân bón) của chúng ta, giá sẽ tăng và điều này ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng là thực phẩm", Hãng tin AFP dẫn lời ông Putin nói.
Không chỉ là nhà sản xuất nhiên liệu hàng đầu thế giới, Nga cũng sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng như lúa mì, kim loại quý, kim loại công nghiệp và gỗ. Giá nickel và nhiều kim loại khác đã tăng kỷ lục trong tuần qua.
"Bây giờ giá chỉ mới nằm trên màn hình, nhưng chúng sẽ trở thành hiện thực trong 4 tuần nữa", tờ Economist dẫn lời một nhà giao dịch nói.
Tại Anh, nơi giá dầu diesel đã nhảy lên mức 2 bảng/lít, nhà kinh tế Sandra Horsfield đã cảnh báo "cuộc chiến càng kéo dài và các biện pháp trừng phạt đối với Nga càng lớn thì ảnh hưởng lên hoạt động của Anh càng nặng".
Hiệp hội các nhà phân phối sỉ nước này cũng cho rằng giá xăng leo thang sẽ làm tăng giá vận chuyển và cuối cùng là hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Với giá lúa mì tăng chóng mặt, Hiệp hội Heo quốc gia Anh nói rằng ngành này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, theo tờ Express.
Còn tại Mỹ, ngoài nhập khẩu chính là năng lượng từ Nga thì Washington cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn kim loại quý hiếm như platinum từ Nga để sản xuất xe hơi, phụ kiện phi thuyền, thiết bị y tế.
Từ trước khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, thị trường hàng hóa toàn cầu đã trải qua cuộc khủng hoảng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Theo báo Economist, nếu xung đột Nga - Ukraine gia tăng hơn nữa thì nó sẽ gây tác động lớn đến các công ty tư nhân và đời sống người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo.
Nga bao vây Kiev
Quân đội Ukraine cảnh báo Nga đang cố gắng "phong tỏa" Kiev bằng cách bố trí lực lượng phòng thủ ở phía tây và phía bắc thủ đô, sắp tới có thể là phía đông.
Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, cho biết một nửa dân số của thành phố đã được sơ tán và thủ đô "đã biến thành một pháo đài".
"Mọi đường phố, mọi tòa nhà, mọi trạm kiểm soát đều đã được củng cố", ông Klitschko nói.
Theo Hãng tin AFP, các phương tiện bọc thép của Nga đang tiến về rìa đông bắc của Kiev. Các vùng ngoại ô phía tây bắc, bao gồm Irpin và Bucha, đã phải hứng chịu những đợt bắn phá dữ dội.
Binh sĩ Ukraine cho biết cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra để giành quyền kiểm soát đường cao tốc chính dẫn vào Kiev.
Trong ngày 11-3, Điện Kremlin nói các máy bay chiến đấu từ Syria và Trung Đông sẽ được phép chiến đấu cho Nga ở Ukraine.
MINH KHÔI
Mỹ công bố thêm trừng phạt
Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt Nga vào cuối ngày 11-3 (giờ địa phương), trong đó có thể bao gồm kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Matxcơva, mở đường cho việc tăng thuế với hàng nhập khẩu từ nước này.
Ngoài ra, Mỹ cùng với G7 và Liên minh châu Âu có thể kêu gọi thu hồi quy chế tối huệ quốc đối với Nga, cũng là một bước để tăng thuế hay thậm chí cấm hàng hóa của Nga.
TTO - Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, ngô đã tăng lên khoảng 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20%.
Xem thêm: mth.86374520121302202-agn-ueil-neyugn-iod-es-ioig-eht/nv.ertiout