Giá xăng dầu có nơi rẻ như bèo, có nơi lại đắt cắt cổ. Đơn cử, vào ngày 7-3, trong khi xăng RON 95 ở Malaysia là 0,49 USD/ lít (11,2 ngàn đồng) thì ở Singgapore là 2,149 USD/lít (49 ngàn đồng). Vậy lý do nào gây ra sự chênh lệch về giá như vậy? Các quốc gia đà làm gì để giữ mức giá nhiên liệu ổn định?
Bài viết này sẽ tập trung phân tích về giá xăng dầu ở một vài nước ở khu vực châu Á để làm rõ các câu hỏi trên.
Chính sách trợ cấp của các nước có giá xăng dầu thấp
Malaysia và Indonesia là hai nước đứng đầu về khai thác và xuất khẩu dầu thô ở khu vực Đông Nam Á và cũng là hai quốc gia có giá xăng dầu thấp nhất trong khu vực.
Nguyên nhân chính là Indonesia và Malaysia có chính sách trợ cấp cho nhiên liệu. Theo hãng tin Reuters, vào năm 2021, chính phủ Malaysia đã chi trợ cấp cho nhiên liệu, khí đốt hoá lỏng (LPG) và dầu ăn là 8 tỉ RM (1,95 tỉ USD). Khoản trợ cấp này nhằm duy trì giá xăng RON 95 ở mức 0,48 USD/lít, dầu diesel là 0,5 USD/lít và LPG là 0.45 USD/kg.
Tổng ngân sách của chính phủ Malaysia vào năm 2021 là 307,54 tỉ RM và khoản trợ cấp nhiên liệu nói trên chiếm 2,6% tổng ngân sách chi tiêu của nước này.
Kích bơm hoạt động ở các mỏ dầu ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Còn đối với Indonesia, tổng chi tiêu nhà nước năm 2021 là khoảng 2.750 nghìn tỉ IDR. Trong khi đó, trợ cấp nhiên liệu trong năm này ước tính là 66,94 nghìn tỉ IDR, tức chiếm khoảng 2,43%, thấp hơn một chút so với Malaysia.
Một lý do khác giải thích việc Malaysia có giá nhiên liệu rẻ là do chính phủ nước này thực hiện chính sách Cơ chế định giá tự động (APM) có hiệu lực từ năm 1983.
Mục đích chính sách APM là duy trì giá xăng (xăng RON 95, RON 97) và dầu diesel ở một mức ổn định, thông qua việc áp dụng thuế bán hàng và trợ cấp với mức khác nhau và điều chỉnh hàng tuần. Do đó, những thay đổi trong giá bán lẻ bị ảnh hưởng bởi thuế và trợ cấp ở một mức độ nhất định theo các chính sách do chính phủ Malaysia đặt ra.
Thăm dò dầu tại Lô Pangkah ở Gresik, Đông Java, Indonesia. Ảnh: ANTARA
Ở Indonesia, giá xăng dầu rẻ dường như do chính phủ nước này cho phép bán các loại nhiên liệu chất lượng thấp, nghĩa là các loại nhiên liệu sẽ cho ra nhiều khí thải độc hại, theo báo cáo Thị trường bán lẻ xăng dầu ở Indonesia của Hội đồng quốc tế về vận tải sạch (ICCT).
Bên cạnh đó, Indonesia cũng “nhẹ tay” trong việc cho phép các thành phần độc hại trộn trong xăng dầu ở mức cao dù cho những chất này gây ung thư cho con người.
Ví dụ, Ấn Độ thì giới hạn mức hidrocacbon thơm là 35%, benzen là 1% theo tiêu chuẩn châu Âu. Trung Quốc thì quy định mức hidrocacbon thơm là 35%, benzen là 0,8%. Trong khi ở Indonesia quy định giới hạn các chất trên là 40% và 5%. Như vậy, có thể Indonesia đã ưu tiên giá xăng rẻ mà phớt lờ việc bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người.
Các nước có giá xăng dầu cao có những nỗ lực riêng
Quốc gia Đông Nam Á có mức giá xăng dầu cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là Singapre.
Theo chuyên gia kinh tế Duckju Kang - giám đốc công ty tư vấn ValueChampion, Singapore là nước nhập khẩu ròng dầu thô, đồng nghĩa với việc nước này sẽ không chủ động được nguồn cung mà phải phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác về số lượng và giá cả.
Lý do đáng chú ý hơn là xăng dầu ở Singapore bị đánh thuế quá nặng. Theo thống kê trên trang Statista thì năm 2019, Singapore có mật độ dân đông thứ ba trên thế giới. Do đó, chính phủ Singapore đã hành động tích cực trong việc không khuyến khích việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ô tô.
Singapore đánh mạnh thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường. Ảnh: INDEPENDENT
Hồi tháng 2-2021, Singapore tiếp tục tăng thuế lên nhiên liệu, đây là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2015 nhằm khuyến khích việc sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm lượng khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu, tờ The Straits Times đưa tin.
Một mặt, Singapore đánh thuế cao nhiên liệu hoá thạch, mặt khác, chính phủ giảm thuế đường bộ đối với những người đi xe máy (vì dung tích động cơ nhỏ hơn), lái xe thuê, đồng thời hoàn thuế 100% đối với xe buýt và ô tô chở hàng.
Đối với các nước châu Á khác có mức giá xăng dầu cao thì chính phủ cũng đã có các chính sách để bình ổn giá, theo tờ Bloomberg.
Trong nỗ lực giữ bình ổn giá xăng dầu, Hàn Quốc đã thực hiện các bước để đảm bảo nguồn cung chính ổn định, cắt giảm thuế nhiên liệu vào hồi tháng 10-2021 và yêu cầu các nhà máy lọc dầu giữ giá ổn định.
Cũng giống Hàn Quốc, Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai châu Á, đã cắt giảm thuế đối với xăng và dầu diesel vào tháng 11-2021. Kể từ đó, các nhà bán lẻ nhiên liệu đã giữ giá ổn định ở một số tỉnh trước cuộc bầu cử của nước này.
Còn ở Nhật, chính phủ nước này có thể sớm đưa ra chính sách viện trợ khẩn cấp các nhà máy lọc dầu trong nước.