Thành đoàn TP Cam Ranh đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: NGUYỄN ANH
Đã 34 năm em chẳng về thăm nhà nữa, cứ đến ngày này tôi lại lặn lội vào đây thăm em nó cùng đồng đội, khi nào bận bịu đau bệnh lắm thì mới làm một mâm cơm nhỏ ở nhà. Đến đây tôi vừa tự hào khi em mình đã góp phần giữ chắc chủ quyền biển đảo, vừa đau lòng khi thấy những kỷ vật, di ảnh của em.
Hướng mắt về phía tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời", bà Nguyễn Thị Hường - 58 tuổi, huyện Đô Lương, Nghệ An, chị gái liệt sĩ Nguyễn Tất Nam - xúc động chia sẻ
Sáng 13-3, rất nhiều đoàn khách, thân nhân đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Lau vội nước mắt, bà Nguyễn Thị Hường (ngụ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) kể nhà có ba chị em, Nam là chàng trai duy nhất trong nhà. Ngày lên đường nhập ngũ, vì sợ chị buồn nên anh đã âm thầm lên xe, vậy mà vẫn không quên nhờ bạn gửi chị chiếc áo khoác, chiếc khăn quấn cổ... lo chị mới lập gia đình thiếu thốn trăm bề.
Trước lúc lên tàu ra đảo, ngày 10-3-1988 anh Nam đã viết vội bức thư gửi về nhà và đây cũng là lá thư cuối cùng mà bà Hường nhận được. Trong thư anh căn dặn đủ điều, còn không quên nhắn nhủ "Chị đừng lo cho em! Nhận được thư, chị điện thư lại cho em nhé! Nhớ gửi cả hình cháu Quang Trung cho em nữa!".
"Mẹ mất sớm nên tôi vừa là mẹ vừa là chị của nó. Biết chuyến đi này nguy hiểm vậy mà nó vẫn vô tư rồi còn lo cho cả tôi nữa, nó định sau khi làm nhiệm vụ xong sẽ vào Đảng và kiếm một việc làm.
Lá thư này tôi đã gửi cho khu tưởng niệm để trưng bày và copy ra ít bản để giữ lại. Tuy em đã đi xa nhưng tôi tin khi đến đây nhìn lá thư này em vẫn ở đây, sống mãi trong tim tôi" - bà Hường nói.
Bà Nguyễn Thị Hường, chị gái liệt sĩ Nguyễn Tất Nam, xúc động khi đọc lại lá thư của em trai gửi trước khi lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: MINH CHIẾN
Thắp một nén nhang lên bệ thờ, chị Thái Trúc Linh, du khách từ tỉnh Ninh Thuận, cho hay: "Từ nhỏ tôi đã được nghe kể về sự hy sinh của các anh, nên hôm nay ngày nghỉ cả nhà đến đây để bày tỏ lòng thành. Đứng tại đây tôi cảm thấy mình phải càng trân quý, cố gắng giữ gìn nền hòa bình hiện tại, nền hòa bình được xây bằng sự hy sinh của thế hệ đi trước".
Bà Nguyễn Thị Anh - phó giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - cho biết những ngày gần đây có nhiều đoàn khách đến khu tưởng niệm thăm viếng, trong những tháng đầu năm 2022 khu tưởng niệm đón hơn 15 đoàn với 2.393 khách. Và từ khi khánh thành đến nay đã có hơn 1.000 đoàn với gần 300.000 lượt khách đến tham quan.
Tháng 3 là thời gian để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì biển đảo của Tổ quốc, vì vậy Ban quản lý khu tưởng niệm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức một số hoạt động như: lễ cúng theo phong tục truyền thống tại khu vực Mộ gió (ngày 13-3), lễ dâng hương, tưởng niệm tại khu vực tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" (ngày 14-3).
Trong sáng 13-3, rất nhiều đoàn khách đã đến khu tưởng niệm dâng hương, đặt vòng hoa - Ảnh: MINH CHIẾN
"Khu tưởng niệm cũng đã đón các đơn vị đến tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt về nguồn và là một trong những địa chỉ đỏ của tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, các sở ngành cũng đang xây dựng chương trình giới thiệu điểm đến du lịch văn hóa về nguồn, trong đó có Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma" - bà Anh nói.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nhằm để tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14-3-1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm đi vào hoạt động từ tháng 7-2017, với vốn đầu tư hơn 130 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước.
Khu tưởng niệm gồm 5 khu vực: Quảng trường lối vào, Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, Khu trưng bày ngầm, Mộ gió và Quảng trường Hòa bình, Con đường hoài niệm. Hiện nay, giai đoạn 2 thông ra biển vẫn chưa được thực hiện.
Khu tưởng niệm còn là nơi ôn lại truyền thống dân tộc và là nơi kết nạp đoàn viên, đảng viên - Ảnh: NGUYỄN ANH
Chiều 12-3, trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Tại buổi viếng thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trao đổi cùng bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh về định hướng thực hiện giai đoạn 2 của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, cần đầu tư mở rộng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma về phía biển, tạo lập không gian văn hóa biển đảo để khu tưởng niệm gắn liền với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm là "địa chỉ đỏ" để các bạn thanh niên, đoàn viên đến sinh hoạt, tìm hiểu lịch sử - Ảnh: NGUYỄN ANH
Cựu binh Trường Sa tỉnh Phú Yên họp mặt
Tại Phú Yên, theo ông Đào Thái Thi - trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên, chương trình lễ tưởng niệm đồng đội hy sinh bảo vệ Gạc Ma sẽ được tổ chức sáng 14-3 tại TP Tuy Hòa.
Do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên dự kiến buổi lễ sẽ chỉ có sự tham dự khoảng 70-80 cựu chiến binh Trường Sa, chứ không quy mô vài trăm người như những năm trước.
Ông Thi cho hay chương trình gồm lễ chào cờ Tổ quốc, mặc niệm đồng đội hy sinh ở Gạc Ma, Trường Sa và diễn văn ôn lại truyền thống anh dũng, bất khuất của bộ đội Việt Nam trong trận Gạc Ma 34 năm trước, công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ và giúp đỡ đồng đội khó khăn, gia đình liệt sĩ Trường Sa năm 2021…
Chương trình dự kiến còn có lễ trao huy hiệu, kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sa cho các cựu chiến binh Trường Sa tại Phú Yên. (DUY THANH)
TTO - Chiều 12-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
Xem thêm: mth.72143950131302202-aun-ahn-ev-gnahc-me-man-43-ad-am-cag-is-neihc-mein-gnout/nv.ertiout