Toàn cảnh vụ việc
Chiều ngày 8/3 vừa qua, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) đã có công văn hỏa tốc số 19/2022/TM-HHĐ gửi Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý cùng các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến rủi ro 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý, trị giá gần 1.000 tỷ đồng.
VINACAS thông báo, có một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều Việt Nam ký hợp đồng với một số khách hàng nhập khẩu điều Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Toàn bộ lô hàng được đóng vào 100 container, với cảng đích là LA Spezia, nước Ý, phương thức thanh toán D/P (D/P - Documents against Payment) hay nói cách khác là dùng bộ chứng từ để đổi lấy hàng hóa.
Được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức D/P - thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.
Vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Ý thì nhận được thông báo hướng dẫn đến một đầu mối khác tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, cũng không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã liên hệ rất nhiều lần.
Sau khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, ngày 09/03 VINACAS công bố, 100 container ban đầu là số được ký kết trong hợp hợp đồng, trên thực tế sau khi phát hiện điều bất thường, 5 doanh nghiệp liên quan đã dừng giao dịch. Tổng thiệt hại được đại diện hiệp hội công bố là 36 container (tương đương 162 tỷ đồng). "Có 5 doanh nghiệp bị hại, nặng nhất là 27 container, còn lại mỗi doanh nghiệp bị vài container", Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết.
Ông Nhựt sau đó cũng nói thêm, "Điều mà các doanh nghiệp lo lắng là trong tháng 3, tất cả các lô hàng này sẽ được cập cảng tại Ý nhưng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều không biết bộ chứng từ gốc của các lô hàng ở đâu trong khi bất cứ ai có chứng từ gốc đều có thể nhận hàng."
Ý kiến chuyên gia
Tiến sĩ Lê Thị Ánh Tuyết, trưởng Bộ môn Kinh tế học ứng dụng, Khoa Kinh tế Quốc tế, đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, trong phương thức thanh toán D/P, ngân hàng chỉ giữ vai trò thu hộ theo chỉ thị nhờ thu của doanh nghiệp. "Ngân hàng sẽ hoàn toàn được miễn trách nhiệm nếu làm đúng theo chỉ thị nhờ thu. Do vậy, trong tình huống này nếu ngân hàng đã làm đúng theo chỉ thị nhờ thu nên sẽ hoàn toàn miễn trách nhiệm."
Bà Tuyết đánh giá, tuy về bản chất nghiệp vụ thì ngân hàng không chịu trách nhiệm liên đới, nhưng xét trên hoạt động kinh doanh ngân hàng thì điều này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. "Dù không có trách nhiệm nhưng khi nhận được một yêu cầu thanh toán, ngân hàng nên kiểm tra đầy đủ các thông tin chỉ thị, và có những tư vấn kịp thời cho khách hàng trước khi thực hiện việc chuyển chứng từ thì có thể phần nào giúp khách hàng tránh được rủi ro lần này", Tiến sĩ Tuyết giải thích về tác động của vụ việc lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tiến sĩ Lê Thị Ánh Tuyết cũng cho rằng các doanh nghiệp đã quá chủ quan vì phương thức thanh toán D/P vốn chỉ dành cho các bên thân quen.
"Trong quá khứ có khá nhiều vụ tranh chấp liên quan tới thanh toán bằng D/P nhưng chủ yếu là rơi vào tình huống khách hàng thanh toán chậm dây dưa không muốn nhận bộ chứng từ sớm để nhận hàng, hoặc từ chối nhận bộ chứng từ và từ chối thanh toán do biến động thị trường bất lợi cho người mua"- bà Tuyết chia sẻ về tần suất xuất hiện các tranh chấp tương tự trong quá khứ.
Đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp lần này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành nên phối hợp để tìm ra bộ chứng từ gốc càng sớm càng tốt. Vì theo bà giải thích, "theo nguyên tắc của ngành vận tải, hàng phải được giao cho người có vận đơn gốc". Trong thời gian này, doanh nghiệp nên tìm cách liên hệ hãng tàu hỗ trợ bảo quản tốt số hàng và các hiệp hội ban ngành cũng nên phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ số nông sản kể trên.
Để ngăn chặn sự việc có thể lặp lại trong tương lai, Tiến sĩ Ánh Tuyết khuyến nghị, về phía doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ trước các đối tác và nên sử dụng phương thức thanh toán bằng tín dụng thư (L/C - Letter of Credit) để đảm bảo an toàn. Để thuận tiện khi làm việc với hãng tàu về việc giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán, các doanh nghiệp nên giành quyền thuê phương tải khi kinh doanh xuất nhập khẩu cụ thể nên xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB. Về phía ngân hàng, Tiến sĩ Tuyết cho rằng các ngân hàng nên cẩn trọng hơn trong việc kiểm tra thông tin khách hàng và các giao dịch.
Kim Thành
Doanh nghiệp và Tiếp thị