vĐồng tin tức tài chính 365

Hồ nội thành Đà Nẵng kêu cứu

2022-03-14 10:20

Hàng loạt "điểm đen" ô nhiễm

Nhiều năm qua, cứ đến thời điểm cao điểm nắng nóng là hồ điều tiết Trung Nghĩa (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) lại bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân địa phương bức xúc. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng ngày, hồ Trung Nghĩa 1 phải “hứng” lượng nước thải đổ ra từ các miệng cống. Nước hồ lúc nào cũng trong tình trạng đen ngòm. Hồ Trung Nghĩa, được bao quanh bởi các đường Nam Trân - Hoàng Thị Loan - Nguyễn Tường Phổ, cũng là cái tên thường xuyên xuất hiện trên các kênh thông tin đại chúng bởi tình trạng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nặng nề. Người dân vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp. Tuy nhiên, vì chưa có giải pháp triệt để, ngành chức năng đành phải xử lý tình thế bằng cách phun chế phẩm.

Hồ nội thành Đà Nẵng kêu cứu - ảnh 1
Hồ nội thành Đà Nẵng kêu cứu - ảnh 2

Việc phun chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường tại hồ E1 (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) chỉ là giải pháp tình thế

HOÀNG SƠN

UBND TP.Đà Nẵng cho biết, hồ Trung Nghĩa là 1 trong 20 được liệt vào danh sách ô nhiễm trên địa bàn. Theo UBND TP, hiện có 28 hồ nội thành có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP nhưng đang chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa. Trong số 28 hồ nội thành, có 1 hồ điều tiết, cấp nước, 1 hồ cảnh quan, di tích lịch sử và 26 hồ điều tiết nước mưa và cảnh quan. Phần lớn các hồ không có cống bao. Có đến 18 hồ trực tiếp nhận nước thải. Riêng hồ Trung Nghĩa 1 đã xây dựng hệ thống cống bao nhưng hiện vẫn tiếp nhận trực tiếp nước thải từ kênh Yên Thế - Bắc Sơn do hệ thống cống bao dọc kênh đang thi công chưa hoàn thiện.

Trong đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành (tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng), UBND TP.Đà Nẵng chia lộ trình thành 2 giai đoạn cụ thể. Trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu từng bước kiểm soát chất lượng nước các hồ trên địa bàn, tập trung cải thiện chất lượng môi trường ở các hồ ô nhiễm... Giai đoạn 2 (2025 - 2030) tiếp tục hoàn thiện cống bao; nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom xung quanh những hồ còn lại, xây dựng các hồ đô thị trở thành hồ sinh thái và bảo đảm khai thác triệt để vai trò điều hòa thoát nước vào mùa mưa.

Từ kết quả quan trắc tại các hồ nội thành trong 5 năm qua, cho thấy có đến 20 hồ ở TP.Đà Nẵng ô nhiễm, gồm: Thạc Gián, Nguyễn Phước Tần,Đò Xu, Bàu Sấu, Khu E1, Xuân Hòa A, K20, Phước Lý, Trung Nghĩa 2, Công viên 29.3, Bàu Gia Hạ, Khu C, khu B2 GĐ2 - PK2, Hòa Phú, Trung Nghĩa 1, Phần Lăng, Vĩnh Trung, 2 Hecta, Bàu Làng, hồ E2 MR PK2. Trong số 8 hồ còn lại, chỉ có hồ Xanh có chất lượng nước hồ cơ bản đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt, 7 hồ khác có nguy cơ ô nhiễm.

n

Ngành TN-MT TP.Đà Nẵng cho hay, các ô nhiễm chủ yếu ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh vật; chất lượng nước theo mùa có sự khác biệt. Cụ thể, chỉ số COD, amoni, photphat mùa khô cao hơn mùa mưa; riêng coliform và TSS thì ngược lại. Một số hồ có hàm lượng amoni và photphat đang có xu hướng tăng lên. Dù vậy, trong 5 năm qua, chỉ có 1/28 hồ nội thành được tổ chức nạo vét.

"Giải cứu" hồ, biến thành nơi vui chơi

Đánh giá về tình trạng ô nhiễm các hồ nội thành, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho rằng trong thời gian qua mặc dù có nhiều giải pháp thực hiện liên quan đến các hồ trên địa bàn nhưng các giải pháp chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác kiểm soát ô nhiễm. Các dự án hạ tầng kỹ thuật liên quan chậm hoặc chưa triển khai đúng tiến độ. Phần lớn hồ nội thành chưa có cống bao để tách nước thải để sử dụng chức năng của các hồ đúng vai trò điều tiết. Công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường ở các hồ thời gian qua còn thiếu vai trò tham gia của cộng đồng địa phương…

Trước thực trạng này, cuối năm 2021, ông Lê Quang Nam đã phê duyệt đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành với tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng. Đề án góp phần bảo tồn, phục hồi môi trường các hồ, tạo nên khu vực có giá trị cảnh quan, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố sinh thái, phát triển bền vững. Sau khi môi trường nước được bảo đảm, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư những dự án kết hợp cải tạo các hồ trên địa bàn, xây dựng những hồ này thành nơi vui chơi, giải trí, thu hút du khách.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cho biết đã chủ trì, tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác để thử nghiệm xử lý ô nhiễm hồ trước khi bàn giao; so sánh, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ, phương án thử nghiệm phù hợp. Tổ công tác sẽ kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả, tính khả thi làm cơ sở tham mưu UBND TP ban hành phương án xử lý ô nhiễm, duy trì để áp dụng rộng rãi trên địa bàn TP.

Nhiều bất cập trong quản lý các hồ nội thành

UBND TP.Đà Nẵng nhìn nhận, thực tế hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường chưa quy định cụ thể về quản lý môi trường đối với ao, hồ. Quyết định số 33/2018 của UBND TP.Đà Nẵng chỉ có quy định 1 điều nhưng chưa đáp ứng tính cụ thể. Quy định trên cũng chưa phân định rõ ràng giữa các đơn vị thực hiện, nên quá trình triển khai trong thực tiễn còn một số bất cập. Cụ thể, chưa rõ trách nhiệm cụ thể việc khắc phục sự cố xảy ra trên hồ (cá chết, tảo nổi, ô nhiễm...); chưa có quy định cụ thể việc kiểm soát, quản lý chất lượng nước các hồ; nhiều đơn vị tham gia quản lý, khai thác trên cùng một hồ điều hòa, dẫn đến tình trạng không thống nhất trong phối hợp, không phát huy hết chức năng thoát nước và điều hòa khí hậu của các hồ, làm phát sinh ô nhiễm môi trường.

Xem thêm: lmth.9548341tsop-uuc-uek-gnan-ad-hnaht-ion-oh/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:Báo Thanh Niên

“Hồ nội thành Đà Nẵng kêu cứu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools