Đài RT ngày 19-9 dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết việc tiếp tục thỏa thuận tàu ngầm năm 2016 với Pháp sẽ có hại cho lợi ích chiến lược của Úc và khẳng định ông không hối tiếc về quyết định này.
Thủ tướng Úc cho hay quyết định rút khỏi thỏa thuận trị giá 65 tỉ USD “cho một tá tàu ngầm diesel-điện thông thường” được đưa ra vì “lợi ích quốc phòng và chủ quyền” của Canberra, đồng thời nói thêm ông “sẽ không bao giờ” hối hận về việc ấy.
“Tôi chắc chắn mọi người sẽ hiểu rằng lợi ích quốc gia của Úc là trên hết. Và lợi ích lâu dài của Úc sẽ được đảm bảo tốt nhất nhờ quan hệ đối tác ba bên mà tôi đã có thể thiết lập với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson” - ông Morrison phát biểu ở Sydney.
Ông Morrisson bày tỏ thêm mối lo ngại rằng các tàu của Pháp không có đủ khả năng để bảo vệ: "Chúng tôi có những lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng rằng tàu ngầm của Pháp sẽ không đáp ứng lợi ích chiến lược của chúng tôi".
Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: CNBC
Theo Thủ tướng Morrison, vấn đề này đã được ông nêu ra “trực tiếp cách đây vài tháng” và các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được thông qua các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Dutton khẳng định đất nước của ông “thẳng thắn, cởi mở và trung thực” về những lo ngại của họ về một thỏa thuận ‘vượt quá ngân sách và chậm tiến độ” với Pháp.
Việc Canberra từ bỏ thỏa thuận với Hải quân của Pháp và thay vào đó, tuyên bố về kế hoạch xây dựng hạm đội quân sự chạy bằng năng lượng hạt nhân với lực lượng Mỹ và Anh không chỉ khiến Paris tức giận mà còn khiến các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đặt ra câu hỏi về sự hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sau quyết định của chính quyền Úc, Paris đã cáo buộc nước này có hành vi "dối trá và coi thường", đồng thời triệu hồi các đại sứ của Pháp từ Washington và Canberra để tham vấn, RT đưa tin.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định quyết định của Úc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao đa quốc gia và có thể khiến tương lai của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) gặp rủi ro.
Theo nhiều quan chức hàng đầu của Malaysia và Indonesia, thỏa thuận mới giữa Úc, Mỹ và Anh có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, thay đổi sức mạnh quân sự trong khu vực và kích động chiến tranh.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định "cực kỳ" vô trách nhiệm" này của Úc, cho rằng thỏa thuận gây tranh cãi mới là nhằm chống lại và kiềm chế Bắc Kinh.