Những món quà yêu thương được gửi đến trẻ em ở Tắk Lẻ - Ảnh: B.D.
Sau nửa ngày ròng rã di chuyển từ TP Đà Nẵng kết hợp mua sắm đồ dùng, đóng hàng lên tặng bà con, chúng tôi tới được trung tâm xã Trà Leng. Địa danh này mỗi lần nhắc đến là một nỗi ám ảnh bởi vụ sập núi đè chết hàng chục mạng người cách đây chưa lâu.
Cõng bún chả, bồn nước lên núi cao tặng bà con
17h, sau gần 2 giờ trung chuyển bằng những cuốc xe máy của người dân và lội bộ giữa rừng già, những nóc nhà ở Tắk Lẻ, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hiện ra lờ mờ lơ lửng như các ụ nấm khổng lồ trong mây.
Bà con vùng cao không thể ra rẫy, đường xuống núi cũng xa hơn bởi nhão nhoẹt giữa sình lầy.
Ba chuyến xe chở lặc lè hàng hóa gồm giày dép, bánh kẹo, quần áo ấm, đèn năng lượng mặt trời, bút vở... tới được trung tâm xã lúc 14h sau một ngày vật vạ lên từ thành phố. Trường mầm non Trà Leng trở thành nơi tập kết hàng hóa.
Nhóm bạn trẻ chân tay trắng muốt, chưa một lần làm công việc nặng nhọc ngay lập tức vào bưng bê, khuân đồ xuống hàng.
Từng thùng giấy lớn được khui ra, trong đó từng đôi dép nhựa, tập vở được xếp ngay ngắn ngay lập tức được các thành viên giở sổ sách phân ra từng gói nhỏ.
Đứng đợi từ trưa ở trung tâm xã là hàng chục bà con ở Tắk Lẻ, họ đi bộ bằng chân trần xuống xã sớm để đợi đoàn tới và cõng giúp đồ ngược lên núi cao.
Nguyễn Thục Anh - thành viên của nhóm bạn trẻ gồm 4 người từ Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM, An Giang - cho biết nhóm của Thục Anh quen biết nhau từ trước.
Năm trước, hình ảnh các nạn nhân bị vùi trong lòng đất ở Trà Leng sau vụ sạt lở núi đã khiến mọi người ám ảnh. Thông qua Nguyễn Khắc Như - thành viên nhóm tình nguyện trẻ tại Đà Nẵng, Thục Anh quyết định vận động bạn bè quyên góp tiền để thực hiện chuyến ngược núi đến với đồng bào nghèo.
Đi cùng Thục Anh còn có một cô gái trẻ mới ngoài 20, đó là Trần Thu Phương. Phương cùng Thục Anh kinh doanh quần áo. Để có kinh phí tổ chức chuyến đi, hai người đã dành dụm, mời gọi thêm bạn bè.
Cả nhóm bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng, dành nguyên một ngày để tìm nhà cung cấp hàng hóa rồi tự tay đóng thùng, phân loại. Sáng 9-3, cả nhóm rời
Đà Nẵng theo xe ngược lên Nam Trà My.
Bữa "tiệc" đặc biệt giữa núi rừng
Ngoài những phần quà của nhóm Thục Anh, một xe hàng khác chất đầy đồ đạc tặng bà con vùng cao do nhóm bạn sống tại Đà Nẵng đã được gom góp, vận động để đưa lên Tắk Lẻ.
Anh Nguyễn Khắc Như - chủ một tiệm cắt tóc ở Đà Nẵng - cho biết từ trước tới nay anh đã thực hiện nhiều chuyến tình nguyện lên hỗ trợ bà con vùng cao. Khi hội quân cùng nhóm của Thục Anh, Như cũng gửi gắm nhiều nhà hảo tâm và mua được hàng chục triệu tiền hàng để đưa lên núi cùng nhóm của Thục Anh.
Nhóm của Như ngoài quà tặng thì còn có sự chung tay, tài trợ xe chuyên chở, quà tặng và trực tiếp tham gia của anh Đặng Hoàng Vũ - chủ chuỗi siêu thị Beanmart Đà Nẵng - cùng các thành viên trẻ làm nhiều nghề khác nhau tại Đà Nẵng.
17h, đứng từ trên núi cao nhìn xuống trung tâm xã Trà Leng vẫn thấy các vệt nắng xuyên qua từng đám mây. Nhưng cái lạnh và bóng tối ập đến rất nhanh ở trên Tắk Lẻ.
Tiếng trẻ con cáu gắt đòi mẹ bồng bế, tiếng lạch cạch của người dân vác củi ngoài bìa rừng đi về, tiếng leng keng của chuông treo trước cổ đàn trâu lúc về chuồng... tất cả tạo thành mớ âm thanh đời sống đầy bình yên trên ngôi làng non cao.
Các thành viên đoàn sau mấy tiếng đi bộ leo những con dốc dựng đứng giữa rừng già thì ai nấy đều thấm mệt. Tất cả ngồi bệt ra nền đất thở dốc, lấy lại sức lực.
Trưởng nóc Tắk Lẻ cho biết ngôi làng này có tổng cộng 70 hộ, đều là người địa phương sống gắn bó với rừng núi.
"Bà con trên này làm ra cái gì cũng bán giá rất thấp. Do đường lên không có, phải đi bộ nên hàng hóa từ miền xuôi lên được tới đây thì giá cao gấp đôi, trong khi nông sản mình bán ra thì bán cho người ta cũng chỉ được một nửa giá. Cuộc sống quanh năm may lắm chỉ đủ ăn, không một gia đình nào dư dả" - ông Hồ Văn Tình, một người dân ở Tắk Lẻ, nói.
Chuyến lên núi vào chiều muộn của nhóm bạn trẻ đã làm nhiều người làng chú ý. Ngoài việc tặng những suất quà, đoàn còn khảo sát để vận động xây trường, tài trợ làm các công trình phụ.
Nhiều người dân đã rất bất ngờ khi xẩm tối, một bếp lửa lớn được nhóm lên trên khoảnh đất sạch sẽ của một gia đình.
Các thành viên trẻ lôi từ trong những bao tải mà bà con giúp cõng lên những bịch mắm muối, chả cá, bún khô, thịt gà, gia vị rồi cùng nhau nhóm bếp nấu nướng.
Một chiếc nồi gang lớn đủ ăn cho cả trăm người được khiêng về đặt trên bếp lửa. Trong mưa lâm thâm và lạnh buốt, các thành viên mỗi người một việc, không ai bảo ai mà như đã sắp đặt từ trước. Họ cùng nhau tổ chức "thết đãi" dân làng một bữa ăn đặc biệt: bữa tiệc bún chả.
Hì hục nấu nướng, nhóm lửa giữa nhá nhem tối, đôi mắt của Nguyễn Trọng Chinh - thành viên nhóm tình nguyện ở Đà Nẵng - đỏ ửng vì khói.
Chinh là tài xế xe Grab, rất nhiều lần lên núi cao tổ chức hỗ trợ người dân. Chinh nói rằng trước khi lên, anh có tìm hiểu thì được biết người dân ở Tắk Lẻ đời sống rất khó khăn, một bữa ăn ngon cũng là cả một niềm vui.
"Mình cũng có biết nấu bún chả cá nên anh em bảo nhau mua đồ cõng lên, nhóm bếp nấu tặng bà con" - Chinh nói.
19h, mưa xuống nặng hạt hơn, ngôi làng chìm trong bóng tối vì không có điện lưới, không sóng điện thoại. Chiếc đèn năng lượng mặt trời và ánh đèn từ màn hình điện thoại đan chéo nhau để các thành viên soạn bữa "tiệc".
Gần 50 người dân cùng lũ trẻ con háu đói đã đứng đợi tới giờ "khai tiệc". "Xong rồi! Mời bà con mình ra tập trung nào" - tiếng Chinh reo lên. Chiếc nồi lớn bốc hơi nghi ngút cùng mùi thơm phức của gia vị khiến ai nấy đều đói.
Một hàng dài được xếp ngay ngắn, từng người dân cầm trên tay tô nhựa, một đôi đũa, họ lần lượt tới vị trí đặt nồi bún lớn để nhận phần ăn.
Trong vài chục phút, gian nhà nơi tổ chức bữa tiệc tràn ngập tiếng nói cười. Bà con ăn và gật đầu khen "ngon lắm, ngon lắm" trong ánh mắt hạnh phúc của những "đầu bếp" từ thành phố.
Những món quà bất ngờ
Nguyễn Khắc Ly - chủ salon tóc Ly The Baber shop - từng nhiều lần được U23 Việt Nam mời cắt tóc trước các giải đấu cũng tham gia trong đoàn ngược lên Tắk Lẻ.
Ngay khi vừa tới làng, Ly cùng học trò của mình đã chọn một vị trí đẹp, soạn đồ nghề ra tấm vải trải trên nền đất rồi mời bà con tới. Nhiều người biết có thợ tóc lên làng thì tập trung đứng vây quanh. Lần lượt từng khuôn mặt lởm chởm râu, tóc rối ù đã được các tay kéo trau chuốt, làm đẹp.
Các thành viên đoàn tình nguyện cắt tóc cho người làng Tắk Lẻ - Ảnh: B.D.
Sau một đêm ở lại giữa núi rừng lạnh giá, ngủ vạ vật trên nền ximăng giữa ngôi nhà thưng bằng tôn, sáng hôm sau đoàn tình nguyện trẻ thức dậy sớm để thăm từng gia đình.
Những suất quà gồm kẹo bánh, dép, quần áo ấm, sách vở, đèn chiếu sáng, đồ dùng cá nhân được trao tặng tới nhiều hộ gia đình và các cháu học sinh mẫu giáo. Đoàn cũng khảo sát hiện trạng điểm Trường mầm non Tắk Lẻ, quyết định tài trợ làm các công trình vệ sinh, nhà nấu ăn cho giáo viên cắm bản.
"Đợt này nhóm của mình tài trợ khoảng 80 triệu đồng, trong đó nhiều bồn nước, ống dẫn nước sạch, đèn năng lượng mặt trời. Việc lâu dài hơn là các công trình vệ sinh, nhà ở cho giáo viên sẽ được xây dựng khi địa phương lên dự toán" - Thục Anh nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Khắc Như - đại diện đoàn Đà Nẵng - cũng cho biết nguồn vận động từ phía nhóm anh cũng gần 100 triệu đồng để hỗ trợ bà con. "Càng đi càng thấy những món quà của mình như muối bỏ bể.
Lên được tới nơi rồi mới thấy được nhiều thứ, đi để thấy nhiều nơi còn khó khăn, bà con mình còn khổ, từ đó mình cũng sống tiết kiệm hơn và biết san sẻ cho người khác" - Như chia sẻ.
Vào lúc 6:30, thứ Bảy ngày 8/1/2022, chương trình Đi bộ Từ thiện Lawrence S. Ting lần thứ 17 với thông điệp 'Bước chân chia sẻ' sẽ diễn ra tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM.
Xem thêm: mth.59605910141302202-oehgn-oab-gnod-iov-ned-neit-tuhc-gnut-pog/nv.ertiout