Man City có thể sẽ sụp đổ nếu một ngày tỉ phú Sheikh Mansour đột ngột ngừng chi tiền cho đội bóng - Ảnh: Reuters
Nhìn vào sự khốn đốn của CLB Chelsea lúc này (truyền thông Anh cho biết hiện họ không có tiền để... đổ xăng), có thể thấy rõ ranh giới giữa sự hùng mạnh và sụp đổ của các CLB có ông chủ giàu có là mong manh đến thế nào.
Tiền đến từ đâu?
Khi được hỏi về vụ việc của Abramovich, HLV Jurgen Klopp trả lời một cách khéo léo: "Có ai thực sự quan tâm tiền của họ đến từ đâu không (những ông chủ giàu có - PV)? Ai thực sự quan tâm điều đó khi Newcastle được những ông chủ giàu có tiếp quản?
Ai cũng từng suy nghĩ về điều đó, nhưng rồi tất cả đều làm lơ. Bây giờ chúng ta lại trừng phạt họ. Đó không phải lỗi của Chelsea, mà là lỗi của chúng ta, của xã hội. Bây giờ, chúng ta nên bắt đầu quan tâm về việc nguồn tiền của họ đến từ đâu".
Dù chọn cách trả lời tránh đụng chạm đến đội bóng kình địch, nhưng HLV Klopp đã khôn khéo hướng mũi dùi về phía các CLB như Chelsea, Man City hay Newcastle. Đó là những đội bóng có giới chủ chi tiền ồ ạt, hầu như không quan tâm đến sự cân bằng doanh thu.
Abramovich đã tiêu ít tiền cho Chelsea hơn trong những năm gần đây. Nhưng một thập niên trước, Abramovich đã góp phần lớn vào sự lạm phát trên thị trường chuyển nhượng. Tương tự là Man City - đội bóng có khả năng thực chi hơn 100 triệu euro chỉ để mua cầu thủ mỗi năm.
Và Newcastle đang có xu hướng đi theo con đường đó, khi bỏ hơn 130 triệu euro để mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa đông rồi, ngay sau khi Quỹ đầu tư công Saudi Arabia thâu tóm đội bóng.
Nhưng ở Premier League không chỉ có mỗi Man City hay Chelsea có giới chủ là tỉ phú. Chủ tịch của Arsenal, ông Stan Kroenke có khối tài sản lên đến 7 tỉ euro, kém không quá nhiều so với 11 tỉ euro của Abramovich. Chủ của Liverpool, M.U, Tottenham, hay cả Wolverhampton và Aston Villa dù là tỉ phú nhưng họ không đầu tư theo cái cách mà Abramovich và Sheikh Mansour đã làm với Chelsea và Man City.
Từ đó, câu hỏi HLV Jurgen Klopp đặt ra thực sự đáng suy ngẫm: tiền của những ông chủ này đến từ đâu? Và tại sao có những người sẵn sàng chi tiền ồ ạt, phá vỡ mọi sự cân bằng so với những người khác?
Thống kê về chuyển nhượng tính theo khoản thực chi trong vòng 5 mùa giải gần đây - Đồ họa: M.TÁN
Hai thái cực Man City - Liverpool
Hoàn cảnh mà Abramovich gặp phải thực sự rất hy hữu trong thế giới bóng đá. Có thể giả sử một trường hợp khác, đó là khi các chủ tịch không còn mặn mà đầu tư cho CLB họ sở hữu, gặp khó khăn tài chính, hay nói theo cách lãng mạn là họ không còn "yêu" bóng đá nữa, điều gì sẽ xảy ra?
AC Milan, Inter Milan và bóng đá Trung Quốc từng rơi vào hoàn cảnh đó. AC Milan khốn đốn một thời gian dài, Super League của Trung Quốc gần như sụp đổ. Inter Milan dù hiện tại vẫn đang xoay xở tốt, nhưng có thể cũng sẽ đi xuống trong tương lai.
Với Man City, cả làng bóng đá có lẽ đều thống nhất trả lời: họ sẽ sụp đổ, một khi không còn Sheikh Mansour. Hãy nhìn một chút vào các con số. Quỹ lương của Man City trong mùa giải 2020 - 2021 là 423 triệu euro.
Trong mùa giải đó, họ cũng thực chi hơn 100 triệu euro để mua cầu thủ (đã lấy tiền mua trừ đi tiền bán cầu thủ). Tức Man City đã chi khoảng 530 triệu euro trong mùa giải năm ngoái chỉ cho việc trả lương và mua sắm cầu thủ. Trong khi đó, doanh thu trung bình của họ vài năm qua cũng vào khoảng trên 500 triệu euro.
Báo cáo tài chính mùa 2020 - 2021 cho thấy Man City không bị lỗ. Nhưng vấn đề là, cả làng bóng đá đều nghi ngờ giới chủ Man City đã "bùa phép" khoản doanh thu của mình, với một phần lớn trong mức doanh thu thương mại (khoảng 300 triệu euro mỗi năm) thật ra đến từ chính các công ty ma của Tập đoàn Abu Dhabi United do Sheikh Mansour sở hữu. Man City từng suýt bị cấm dự Champions League vì điều này.
Nghi ngờ vẫn là nghi ngờ. Nhưng ít ra với Liverpool, M.U hay Arsenal - những CLB có giới chủ là người Mỹ, họ chưa bao giờ bị nghi ngờ về tình trạng nhập nhèm này.
Quỹ lương của Liverpool hiện là 375 triệu euro, và họ thực chi trung bình chỉ 40 triệu euro/năm trong suốt 5 năm qua cho việc mua cầu thủ. Trong khi đó, doanh thu của Liverpool những năm gần đây đều nhỉnh hơn Man City.
CĐV M.U, Arsenal và cả Liverpool thường chỉ trích các ông chủ của mình vì sự keo kiệt khi so với Man City hay Chelsea. Nhưng đổi lại, có thể họ không phải quá lo lắng nếu một ngày, đột ngột các ông chủ đó rời bỏ hoặc bị buộc phải rời bỏ CLB như Abramovic.
TTO - Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (Premier League) đã thông báo quyết định truất quyền giám đốc CLB Chelsea của tỉ phú người Nga Roman Abramovich.
Xem thêm: mth.37802010141302202-hcivomarba-gnuhn-ol-ion/nv.ertiout