Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bước sang tháng 2/2022, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng làm tăng giá nguyên, vật liệu nhập khẩu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải do sử dụng xăng, dầu làm nguyên, nhiên liệu đầu vào.
Trước những khó khăn đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp, chỉ đạo kịp thời, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc bao phủ vaccine Covid-19 cho người dân; việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ngoài ra còn có quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" và nhiều chính sách quan trọng đã diễn ra trên thực tế như: giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%; mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022… thể hiện nỗ lực to lớn của Chính phủ và cũng là yếu tố quan trọng để nước ta mở cửa nền kinh tế. Báo cáo nhận định, đây cũng là những yếu tố đã tác động không nhỏ đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 2/2022.
Trong tháng 2/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 11,4 nghìn doanh nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (6,6 nghìn doanh nghiệp). Mặc dù tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vẫn cao hơn mức bình quân chung của tháng 2 trong giai đoạn 2017-2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành mới tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh 102,5%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các lĩnh vực.
Trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 170,6%; kinh doanh bất động sản tăng 132,6%; giáo dục và đào tạo tăng 132,1%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 118,9%; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 117,0% và dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 111,2%.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 29.939 doanh nghiệp (chiếm 91,5%, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2021); từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.557 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 – 50 tỷ đồng có 750 doanh nghiệp (chiếm 2,3%, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 – 100 tỷ đồng có 290 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 79,0% so với cùng kỳ năm 2021) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 189 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2021).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 17.066 doanh nghiệp (chiếm 52,1%); 8.580 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,2%) và 7.079 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,6%).
Tính riêng tại Hà Nội, địa phương đang dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2022 là 7.432 doanh nghiệp (chiếm 22,7% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước), tăng 76,7% so với cùng kỳ năm 2021.
https://cafef.vn/2-thang-dau-nam-gan-190-doanh-nghiep-quy-mo-tren-100-ty-dong-tam-ngung-kinh-doanh-20220314101918143.chnTheo Hà Trần
Doanh nghiệp và Tiếp Thị