Với giá trị vốn hóa chiếm đến 1/3 thị trường, cổ phiếu ngân hàng luôn được giới đầu tư quan tâm và sở hữu nhiều trong danh mục. Thế nhưng từ tháng 6/2021 đến nay, nhiều cổ đông sở hữu cổ phiếu ngân hàng “gồng lỗ còng cả lưng” nhưng mãi vẫn chưa thấy đâu là bờ.
Liệu ngân hàng có phải một ngành hấp dẫn để đầu tư trong năm nay hay không sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua? Tiềm năng cổ phiếu ngân hàng ra sao trong năm 2022 là câu hỏi được đặt ra với 2 chuyên gia đến từ CTCP Chứng khoán Tân Việt trong talkshow Khớp lệnh trưa ngày 14/3/2022.
Theo ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt, về nguyên lý trading cổ phiếu nào sau một giai đoạn tăng giá thì cũng thời gian để nghỉ ngơi điều chỉnh. Điều này cũng giống như con người chúng ta sau thời gian làm việc cũng phải nghỉ ngơi để lấy lại sức.
“Mỗi cổ phiếu tăng thì cũng phải mất một thời gian đi ngang để tích lũy vùng giá để mọi người chấp nhận mặt bằng giá mới và là bệ phóng để đi lên tiếp. Nếu mình hiểu như thế sẽ thấy bình thường”, ông Du cho biết.
Ngoài ra ông Du cho rằng Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, số lượng người có tài khoản ngân hàng còn tiềm năng và các dịch vụ ngân hàng bán lẻ ngày càng mạnh, số hóa ngày càng mạnh nền tiềm năng vô cùng lớn. Hơn nữa tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng vô cùng nhanh. Đặc biệt thế hệ GenZ dùng điện thoại để chi tiêu, tiêu dùng, chuyển khoản, đầu tư sẽ tạo ra sự bứt phá cho ngân hàng trong những năm tới. Do đó chuyên gia này đánh giá ngành ngân hàng năm nay hay vài năm nữa vẫn rất tiềm năng nhưng điều quan trọng là chọn cổ phiếu nào.
“Tôi cũng có cầm cổ phiếu ngân hàng cả giai đoạn 8 tháng vừa qua. Kể từ tháng 6/2021 khi dòng cổ phiếu ngân hàng đạt đỉnh cho tới tháng 11 quay trở lại đỉnh, nhưng không thể vượt được cho tới tháng 2 này lại bắt đầu có việc điều chỉnh cùng với thị trường, thì một nhà đầu tư thông thường khó mà chịu đựng được một quãng thời gian dài như thế”, ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt đồng cảm với những nhà cổ đông ngân hàng.
Ông Nam cho biết có những lý do chung để giải thích cho điều này. Theo đó trong năm 2020, ngành ngân hàng có 3 lần giảm lãi suất và vô hình chung làm giảm chi phí vốn cho ngành ngân hàng. Lợi nhuận của ngành ngân hàng bắt đầu tăng trưởng rất mạnh vào quý 4 năm năm 2020 và sang quý 1 năm 2021 cổ phiếu ngân hàng tăng rất mạnh. Điều này tạo nên một làn sóng mà nhà đầu tư hay gọi là sóng ngành trong 6 tháng đầu năm 2021. Thế nhưng từ quý 3 năm 2021 cho đến thời điểm hiện tại, thị trường rất lo lắng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng, nợ xấu, lợi thế về chi phí vốn không thể giảm được nữa hay tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng bởi Covid.
Tuy nhiên theo ông Nam triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 vẫn tương đối ổn nhưng bức tranh sẽ phân hóa nhiều hơn. Chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu có khả năng duy trì được biên lợi nhuận, có tốc độ tăng trưởng tốt, có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tốt. Thậm chí nếu có thể tìm được cổ phiếu giảm được chi phí vốn ngay cả giai đoạn cuối năm 2021. Ông Nam nhận định nếu kết quả kinh doanh quý 1 năm 2022 của ngân hàng nào có lợi nhuận vượt qua được con số của tháng 6 năm 2021 thì đó là một cổ phiếu tốt.
http://tintuc.vdong.vn/03/1270641.htmMộc An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị