Chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản, là một trong những nội dung Bộ Tài chính đang lấy ý kiến nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc áp dụng thuế tài sản với nhà ở trong bối cảnh giá bán tiếp tục leo thang, tình trạng đầu cơ tích trữ còn cao. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình thu như thế nào và tránh gây sốc cho người dân cũng là câu hỏi được đặt ra.
Đồng tình với việc cần thiết ban hành thuế tài sản đánh trên giá trị nhà và đất của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, sắc thuế này vốn không xa lạ trên thế giới. Tuy nhiên, nếu áp dụng cùng một lúc với cơ chế thu tiền sử dụng đất đang áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Bởi lẽ tiền sử dụng đất vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành của nhà đất hiện nay.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Ví dụ chúng tôi có thống kê sơ bộ cho thấy tiền sử dụng đất chiếm trên dưới 10% đối với căn hộ, nhà chung cư. Nó chiếm trên dưới 30% nếu trường hợp đó là nhà phố và chiếm 50% đối với trường hợp nhà biệt thự", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết.
Do đó, để đảm bảo tính hài hòa giữa các loại thuế, phí, Hiệp hội đề xuất thay thế tiền sử dụng đất bằng sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ phi nông nghiệp sang đất ở. Mức thuế áp dụng từ 10 - 15% dựa theo bảng giá đất đã sát giá thị trường. Song song đó, Bộ Tài chính cũng nên thiết lập ngưỡng chịu thuế để xác định đối tượng sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên.
"Người có căn nhà thứ 2 trở lên thì chúng ta phải xem giá trị của những căn nhà mà người đó đang sở hữu, giá trị đó có vượt quá mức chẳng hạn khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng trở xuống thì thuộc diện không phải chịu thuế, như vậy một người có 2 - 3 căn nhà, nhưng mỗi căn chỉ có 400 - 500 triệu đồng thì nó chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nói.
Theo các chuyên gia, việc đánh thuế nhà và tài sản phải hướng đến triệt tiêu nạn đầu cơ, găm đất bỏ hoang, thổi giá và phải tạo lập được nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc đánh thuế này cần có lộ trình cụ thể.
"Thực hiện khi nào và áp dụng ra sao thì tôi nghĩ cần có lộ trình, chứ không thể trong vòng 3, 5 hay 6 tháng chúng ta đưa vào ngay lập tức. Như vậy nó cần có lộ trình để mọi người biết, doanh nghiệp hoạt động bất động sản, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài đang tham gia vào thị trường, trong đó có thị trường bất động sản", Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị, để việc đánh thuế tài sản đạt được đồng thuận, nhà nước cần tiếp cận từng trường hợp điển hình. Ví dụ như trường hợp mua bán nhanh trong năm đầu tiên, nếu phát hiện có giao dịch sẽ đánh thuế thật nặng và mức thuế sẽ dần trở về mức bình thường vào năm thứ 3, hoặc chặn lướt sóng thông qua hoạt động ngân hàng giảm tỷ lệ cho vay.
VTV.vn - Hiện nay, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế để trốn thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.52070724141302202-poh-uhp-ohc-oas-gnud-pa-nas-gnod-tab-euht-hnad/et-hnik/nv.vtv