Vàng đang giữ vai trò truyền thống là công cụ đầu tư an toàn trong bối cảnh chiến tranh và khủng hoảng và nhà đầu tư trên khắp thế giới đang quan tâm đến vàng.
Thực tế này đã khiến cho nhà đầu tư cá nhân tại nhiều nơi, từ Vienna cho đến Singapore hay New York tìm đến vàng. Trong tuần, đã có lúc giá vàng chạm mức 2.070,44USD/ounce, gần sát mức kỷ lục từng được thiết lập trong thời khủng hoảng.
Việc giá vàng tăng gần 10% tính từ đầu năm nay đang mang lại nhiều lợi nhuận cho nhiều nhà kinh doanh vàng ví như Rudolf Brenner, nhà sáng lập quỹ Philoro Edelmetalle GmbH. Các chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng của ông giờ đây đang đông chật người xếp hàng, xu thế này nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn khi mà xung đột không có dấu hiệu gì dịu đi.
“Khi mà cuộc khủng hoảng tại Ukraina bắt đầu, chúng tôi nhận được số lượng đơn hàng lớn, doanh số bán hàng cao gấp 3 lần so với mức bình thường, người ta đang mua gom mọi thứ”, ông Brenner nói.
Các nhà kinh doanh vàng trên khắp thế giới đang chia sẻ về nhiều câu chuyện từ các cơ sở kinh doanh của họ. Tại New York, giám đốc điều hành Gene Furman nói rằng 30% khách hàng của ông giao dịch các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ hay trang sức đều muốn sở hữu vàng thay cho tiền mặt.
Nhà sáng lập quỹ Silver Bullion Pte ở Singapore, ông Gregor Gregersen, công bố doanh số bán vàng và bạc tăng 235% trong tuần đầu tiên tính từ khi Nga tấn công quân sự vào Ukraina, nhu cầu từ đó đến nay còn tăng mạnh hơn.
“Nhà đầu tư đang tính đến kịch bản xấu nhất với cuộc chiến tại Ukraine và đang cảm thấy cần mua loại tài sản vật chất an toàn”, ông Gregersen nói.
Nhu cầu mua vàng tăng cao sau một năm nhà đầu tư mua mạnh, đặc biệt tại các nước phương Tây. Nhu cầu vàng thỏi và đồng xu vàng trong năm 2021 ước tính 1.124 tấn, theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngưỡng cao nhất trong gần 1 thâp kỷ. Các yếu tố trên giúp hỗ trợ giá vàng ở thời điểm mà nhà đầu tư tổ chức đang không mua quá mạnh tay.
Vàng là một trong những loại tài sản an toàn về bản chất.
Vàng có thể là công cụ ngừa lạm phát và phản ứng nhanh nhất với bất ổn địa chính trị cũng như lạm phát tăng cao. Việc giá vàng tăng được tính toán dựa trên mức độ nhạy cảm với lạm phát và cuộc khủng hoảng địa chính trị leo thang.
Trong bối cảnh hiện tại, sự kết hợp của hai yếu tố này diễn ra cùng lúc. Tác động từ bất ổn chính trị và áp lực lạm phát tăng cao đã làm tăng ảnh hưởng của giá vàng lên kinh tế toàn cầu.
Đáng lo nhất chính là cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine đã gây ra thêm áp lực lạm phát. Việc Nga tấn công Ukraine là điều mà nhiều người không hề nghĩ đến cách đây chỉ vài tháng. Từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai cho đến nay, chưa từng có một nước có chủ quyền nào tấn công quân sự một nước có chủ quyền khác.
Khi Nga tuyên bố rằng hành động của họ có vai trò như gìn giữ hòa bình nhằm bảo vệ một số người ly khai tại miền Đông Ukraine, họ thông báo rằng hai khu vực này là hai nước độc lập. Tuy nhiên mục tiêu của Nga không giới hạn ở đó.
Trước vụ việc Nga tấn công vào Ukraine, lạm phát tại Mỹ vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm. Các số liệu gần đây cho thấy rằng chỉ số CPI tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là ngưỡng lạm phát cao nhất tính từ tháng 2/1982. Dựa trên những sự kiện gần đây, chắc chắn lạm phát sẽ còn lên cao hơn nữa.
Theo Trung Mến
BizLive
Xem thêm: nhc.6823045141302202-noh-ueihn-tom-yagn-gnav-ned-mit-gnad-ioig-eht-pahk-ut-uad-ahn/nv.zibefac