Giờ đây, các trader đang chứng kiến sự kinh hãi và bất ngờ khi giá tăng thẳng đứng. Niken đã giao dịch ở mức cao kỷ lục vào lúc 5 giờ 42 sáng với mức tăng 30.000 USD chỉ sau vài phút. Sau 6 giờ sáng, giá niken vượt ngưỡng 100.000 USD/tấn.
Đối với những trader hàng hoá, một đợt tăng giá không hẳn là tin tốt lành. Các nhà khai thác, trader và nhà sản xuất thường thực hiện những giao dịch bán khống, tức là họ kiếm lời khi giá giảm. Và khi những khoản đặt cược đó đi ngược lại với những gì họ mong đợi, họ sẽ nhận được margin call với số tiền lớn hoặc yêu cầu phải đặt thêm tiền để tiếp tục giao dịch.
Sự hỗn loạn tương tự như "cơn sốt" cổ phiếu meme trên Phố Wall
Người đứng đầu một công ty môi giới kim loại ở London nhớ lại, ông cảm thấy choáng váng khi theo dõi những biến động này. Ông nhận ra rằng, giá niken tăng vọt sẽ ảnh hưởng lớn đến công ty của mình, thị trường và ngành kim loại toàn cầu. Ông cho hay: "Đây là 18 phút ám ảnh của cuộc đời tôi."
Giá niken tăng 250% trong chưa đầy 24 giờ đã đẩy ngành giao dịch hàng hóa vào trạng thái hỗn loạn, gây ra khoản lỗ hàng tỷ USD cho các trader bán khống và khiến Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) ngừng giao dịch lần đầu tiên sau 3 thập kỷ. Ngoài ra, tình trạng này cũng đánh dấu sự gián đoạn lớn nhất cho thị trường tài chính kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đà tăng phi mã của niken phần lớn được thúc đẩy bởi đợt short squeeze nhắm vào nhà tài phiệt Trung Quốc - Xiang Guangda. Ông đã đặt cược lớn rằng giá niken sẽ sụt giảm, thông qua công ty của mình là Tshingshan. Trong đợt "ép mua" này, việc giá tăng nhanh sẽ khiến phe bán khống buộc phải mua vào để "cover" cho khoản lỗ của mình thông qua các nhà môi giới hay ngân hàng đại diện. Do đó, hành động này cũng sẽ đẩy giá lên cao hơn nữa, tương tự với sự kiện gây chấn động Phố Wall của các cổ phiếu meme như GameStop vào năm ngoái.
Song, điểm khác biệt với cơn sốt cổ phiếu meme đó là niken là mặt hàng tiếp xúc với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Kim loại này có trong ngôi nhà chúng ta đang ở, là thành phần chính của thép không gỉ. Niken cũng là một trong những nguyên liệu thô quan trọng nhất, cần thiết để sản xuất pin cho xe điện.
Xiang Guangda.
Mark Hansen - CEO công ty thương mại Concord Resources, nhận định: "Đây là diễn biến hỗn loạn nhất đối với một loại kim loại mà tôi từng chứng kiến. Chúng ta đã chứng kiến cơn sốt điên cuồng trong ngày 7 và 8/3 vừa qua. Mọi người dường như đã quên rằng đây không phải là một công ty bán lẻ game, mà đây là một loại hàng hóa quan trọng."
Tham vọng của nhà tài phiệt Trung Quốc cùng khoản lỗ lớn
"Hạt giống" short squeeze này đã được "gieo" từ năm ngoái, khi giá niken cùng các loại hàng hóa khác tăng từ mức thấp trong thời kỳ đại dịch. Xiang không tin rằng đà tăng này sẽ kéo dài. Ông bắt đầu tăng vị thế bán khống của mình trên LME. Xiang không chỉ là một trader ngành tài chính, đặt cược vào biến động giá, ông còn kinh doanh niken.
Xiang sinh năm 1958. Ông bắt đầu sản xuất khung cửa cho ô tô và cửa sổ ở Ôn Châu, miền đông Trung Quốc. Ông là người đi tiên phong trong việc thực hiện các phương pháp mới để sản xuất niken và thép không gỉ, giúp nâng tầm thị trường đại lục và đưa Tsingshan trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới 2 loại kim loại này.
Nhà tài phiệt được đặt biệt danh là "Big Shot" trong giới hàng hóa Trung Quốc. Nhiều người nhận định ông tin tưởng tuyệt đối vào niềm tin của mình và không ngần ngại đặt cược lớn vào tầm nhìn của mình cho tương lai.
Vậy tại sao Xiang phải bán khống niken khi ông có cả một doanh nghiệp riêng? Xiang muốn tăng sản lượng của Tsingshan bằng cách sản xuất niken mạ cho pin xe điện. Công ty này có kế hoạch sản xuất 850.000 tấn niken vào năm 2022, tăng 40% trong 1 năm, theo nguồn tin thân cận. Trong khi không có nhiều nhà quan sát tin rằng Xiang có thể đạt mục tiêu sản lượng, thì Xiang vẫn rất tự tin. Theo ông, hậu quả rõ ràng của việc quá nhiều niken được đưa ra thị trường đó là giá sẽ sụt giảm.
Song, không phải ai cũng có cùng quan điểm bi quan về giá niken. Một số quỹ phòng hộ đã mua hợp đồng niken để đặt cược vào tương lai bùng nổ của xe điện. Công ty giao dịch hàng hóa nổi tiếng Glencore cũng đặt cược giá tăng trên sàn LME. Đầu năm nay, Glencore đã nằm quyền sở hữu hơn 1 nửa lượng niken hiện có trong các kho của LME.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu quan điểm nào chiếm ưu thế. Nhưng nhìn chung, ít nhà phân tích đứng về phía Xiang, ít nhất là trong trung hạn. Họ cho rằng, sản lượng của niken - do Tsingshan và đối thủ ở Indonesia dẫn đầu, sẽ vượt nhu cầu.
Mọi thứ đã thay đổi khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga là nhà sản xuất niken lớn thứ 3 thế giới và nhà xuất khẩu niken tinh luyện lớn nhất - đây là loại hàng hóa có thể phân phối trên LME. Mặc dù niken của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt, nhưng các doanh nghiệp phương Tây vẫn tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Giá niken đã tăng mạnh trong tuần Nga mở chiến dịch quân sự. Đối với vị thế bán khống lớn của Xiang, thì diễn biến này thực sự… đau đớn. Không rõ liệu Xiang coi vị thế của mình chỉ đơn thuần là một "hàng rào" phòng hộ hay một khoản đầu cơ. Trên thị trường hàng hoá, những câu chuyện của các nhà sản xuất, trader từ Metallgesellschaft cho đến Sumitomo, đều cho thấy ranh giới giữa phòng hộ rủi ro và đầu cơ bị xóa mờ và họ đều gánh khoản lỗ hàng tỷ đô.
Cuối tháng 2 và đầu tháng 3, Tsingshan đã thanh toán các khoản ký quỹ đúng hạn. Sau đó, vào ngày 7/3, giá niken bắt đầu tăng phi mã, từ 30.000 USD lên hơn 50.000 USD. Các nhà môi giới LME và khách hàng của họ liên tục nhận được margin call. Một số công ty môi giới lớn thậm chí còn có khoản yêu cầu ký quỹ gần 1 tỷ USD chỉ trong 1 ngày.
Tuy nhiên, theo tính toán của Bloomberg, Tsingshan còn đối mặt với khoản ký quỹ lớn hơn thế, khoảng 3 tỷ USD. Công ty này đã thanh toán một phần vào đầu ngày 7/3, nhưng nghĩa vụ nợ của họ còn lớn hơn số tiền mặt và tín dụng trong ngân hàng hiện có. Nguồn tin thân cận cho biết, Tsingshan đã phải chật vật để trả nợ.
Nhiều trader, ngân hàng khổ sở vì margin call
Do đó, các ngân hàng và nhà môi giới của Tsingshan - gồm JPMorgan, BNP Paribas và Standard Chartered, rơi vào "thế khó". Họ đã buộc phải "cover" các giao dịch với Tsingshan bằng cách đặt vị thế bán khống của riêng mình trên LME. Giờ đây, họ phải thanh toán các khoản ký quỹ lớn trên sàn nhưng lại không nhận được tiền ký quỹ từ khách hàng. Một số sau đó đã vội vàng mua lại các hợp đồng niken và càng đẩy giá kim loại này tăng cao.
Ở thời điểm này, toàn bộ ngày niken đã rơi vào khủng hoảng. LME khẩn cấp triệu tập "hội đồng đặc biệt" - một nhóm nhỏ các chuyên gia về kim loại và pháp lý có quyền ban hành các quy tắc khẩn cấp cho thị trường. Họ đã tổ chức cuộc họp vào tối ngày 7/3 nhưng vẫn quyết định cho phép hoạt động giao dịch niken được tiếp tục.
Vào lúc 1 giờ sáng ngày 8/3, thị trường mở cửa. CEO của LME - Matthew Chamberlain, đã thức để theo dõi. Ban đầu, mọi việc có vẻ khá êm đềm, giá dao động quanh mức 50.000 USD/tấn và ông đi ngủ. Ông bị đánh thức bởi cuộc gọi lúc 5 giờ 30 phút, thị trường niken bắt đầu náo loạn. Tệ hơn nữa, sự hỗn loạn còn lan sang cả thị trường khác: giá kẽm tăng 15% trong vài phút lên mức cao kỷ lục và lao dốc.
Hội đồng của LME tiếp tục họp vào lúc 6 giờ sáng và nhận ra rằng họ phải tạm ngừng giao dịch. Vào lúc 8 giờ 15, màn hình ngừng nhập nháy, vài giờ trước khi vào phiên. Giá niken "đóng băng", dưới mức kỷ lục nhưng vẫn ở 80.000 USD/tấn. Ngay sau đó, Chamberlain và các giám đốc điều hành khác của sàn bắt đầu nhận được hàng tá các cuộc điện thoại từ các nhà môi giới.
Đến nay, Tsingshan không phải là công ty sản xuất niken duy nhất đang gặp khó khăn - họ chỉ là công ty lớn nhất. Nhiều nhà sản xuất, trader và người mua niken với các vị thế bán khống trên LME đã phải đối mặt với đợt margin call lớn hơn nhiều so với những gì họ chuẩn bị. John Browning - chủ tịch công ty môi giới Bands Financials và là cựu thành viên HĐQT của LME, cho biết: "Khi giá niken vượt mức 100.000 USD, bạn có thể cảm thấy các khoản lỗ và các công ty đang phải đấu tranh để tồn tại."
Với mức giá hiện tại của niken, các nhà môi giới nói với LME rằng cũng không thể thanh toán các yêu cầu ký quỹ. 4 hoặc 5 công ty môi giới là thành viên của LME cho biết họ mất khả năng thanh toán, đây sẽ là cú sốc có thể tàn phá ngành kim loại toàn cầu. Hôm 10/3, LME cho biết biến động hôm 8/3 đã tạo rủi ro hệ thống cho cả thị trường.
Giao dịch niken bị "đóng băng" chưa rõ ngày trở lại
LME sau đó đã đưa ra quyết định gần như chưa từng có tiền lệ. Họ đã quyết định hủy toàn bộ các giao dịch diễn ra vào sáng 8/3, trị giá khoảng 3,9 tỷ USD. Các sàn giao dịch thường tạm ngừng giao dịch khi gặp trục trặc kỹ thuật hay sự cố "ngón tay mập". Nhưng trên thực tế, việc một sàn hủy toàn bộ giao dịch là điều bất thường. Điều quan trọng là, hành động này giúp các trader không phải thanh toán các khoản ký quỹ khi giá niken ở mức 80.000 USD và tính ở mức giá đóng cửa hôm trước đó là 48.078 USD.
Ngay cả với mức giá trên, khách hàng của LME đã không thể thanh toán khoảng 500 triệu USD tiền ký quỹ gắn với các vị thế bán khống của họ trên sàn giao dịch. Tsingshan chiếm khoảng 1 nửa số tiền trên. Và đó chỉ là một phần của vị thế bán khống mà họ nắm giữ trực tiếp trên LME, khoảng 30.000 tấn. Công ty này đã nắm giữ khoảng 120.000 tấn hoặc hơn trong các giao dịch bán khống bên ngoài LME, trong các giao dịch song song với JPMorgan và Standard Chartered.
Hành động của LME đã khiến nhiều người giận dữ, trong đó có một số cái tên lớn nhất Phố Wall. Các giám đốc điều hành của Goldman Sachs đã bày tỏ sự không hài lòng trước quyết định này. Trong khi đó, Tower Research Capital - một trong những nhà tạo lập thị trường lâu đời nhất Phố Wall, đã giảm vị thế giao dịch trên LME.
Xiang cho đến nay đã chịu khoản lỗ hàng tỷ USD. Song, không nản lòng, nhà tài phiệt Trung Quốc cho biết ông vẫn muốn duy trì vị thế của mình và yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho vay dù thua lỗ. Song, có một điều chắc chắn là: Nếu Xiang vượt qua "cơn bão" này, hoạt động sản xuất niken của Tsingshan sẽ được hưởng lợi từ mức giá cao hơn, bù đắp cho khoản lỗ này.
Các trader "hét lệnh" tại LME.
Còn đối với LME, tương lai là không rõ ràng. Đến tối ngày 13/3, LME vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc hoạt động giao dịch niken được khởi động trở lại. Các nguồn tin thân cận tiết lộ, có thể LME đang đợi đến khi Xiang đạt được thỏa thuận với các ngân hàng và nhà môi giới của họ. Trong khi đó, thị trường niken đang bị đóng băng, khiến các trader không thể từ bỏ vị thế và nhiều tỷ USD vẫn mắc kẹt đợt khoản margin call đó.
Mark Thompson, cựu trader tại Trafigura và Apollo, cho rằng: "LME có thể sẽ sụp đổ một cách chậm chạp, tự gây ra bởi việc các lãnh đạo của họ mất niềm tin vào chính sàn giao dịch này và các sản phẩm của họ.
Dẫu vậy, LME đã vượt qua nhiều vụ bê bối trong lịch sử 145 năm hoạt động của họ, từ cuộc khủng hoảng thiếc năm 1985 khiến nhiều nhà môi giới sụp đổ cho đến vụ một trader tại Sumitomo giấu khoản lỗ hơn 2 tỷ USD.
Lịch sử của LME bắt nguồn từ đầu thế kỷ 19, khi những người buôn bán kim loại vẽ một vòng tròn bằng mùn cưa trên sàn nhà của cửa hàng Jerusalem Coffee House tại London. Ngày này, ngoài thị trường giao dịch điện tử, LME còn là sàn giao dịch trực tiếp cuối cùng, nơi các nhà môi giới vẫn gặp mặt để "hét lệnh" với nhau trong ngày. Những bên tham gia bao gồm các công ty kim loại công nghiệp - khai thác thị trường để bù đắp rủi ro về giá, và các quỹ phòng hộ - giao dịch kim loại để đầu cơ. Song, các hợp đồng trên LME là kim loại vật chất, đến từ mạng lưới các kho hàng trên khắp thế giới, có mối liên hệ trực tiếp với ngành kim loại ở thế giới thực.
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/03/1271054.htm