Bloomberg đã tổng hợp sơ lược những diễn biến mới nhất trên chiến trường và phân tích tác động sâu rộng của chúng tới hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Lạm phát lương thực
Cuộc xung đột tại Ukraine đang gây hại cho khá nhiều cây trồng chủ lực ở khu vực trồng ngũ cốc quan trọng của châu Âu, đồng nghĩa rằng việc giá lương thực leo thang vốn đã đè nặng lên cuộc sống người tiêu dùng toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn, thậm chí làm tăng nguy cơ xảy ra nạn đói quy mô lớn.
Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng giá lương thực toàn cầu, vốn đã leo lên mức đỉnh lịch sử, có thể tăng vọt thêm 22% nữa nếu cuộc chiến kìm hãm hoạt động thương mại và làm giảm sản lượng thu hoạch lương thực trong tương lai.
Ngũ cốc là nhóm lương thực chủ chốt của thế giới, với lúa mì, ngô và gạo chiếm hơn 40% tổng lượng calo tiêu thụ. Chi phí vận chuyển cao hơn, lạm phát giá năng lượng, cùng với tình trạng thời tiết khắc nghiệt và thiếu hụt lao động đang khiến hoạt động sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn.
Nguồn cung lương thực cũng đang thu hẹp đáng kể. Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, dự trữ ngũ cốc dự kiến sẽ giảm năm thứ 5 liên tiếp. Xung đột quân sự tại Ukraine chỉ có thể kéo giá lên cao hơn nữa, là mầm mống cho một nạn đói chưa từng thấy trong lịch sử.
Theo Bloomberg, giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại, chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã tăng hơn 40% trong hai năm qua. Tình trạng mất an ninh lương thực cũng tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn và ước tính 45 triệu người đang cận kề nạn đói.
Chủ nghĩa bảo hộ lương thực
Chính phủ các nước đang ra sức giữ nguồn cung thực phẩm gần quê nhà hơn - một động thái có khả năng làm cú sốc lạm phát lương thực kéo dài lâu hơn.
Hungary, Indonesia và Argentina là một vài trong các nước đã áp đặt rào cản thương mại đối với nông sản xuất khẩu như lúa mì và dầu ăn, nhằm kìm chế giá cả và đảm bảo nguồn cung trong nước, do lo ngại chiến sự Nga - Ukraine có thể dẫn đến khủng hoảng thiếu lương thực trên diện rộng.
Nga đã tăng cường xu hướng bảo hộ lương thực trên toàn cầu khi Điện Kremlin phát tín hiệu về kế hoạch hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô. MHP - một công ty xuất khẩu nông sản lớn của Ukraine, còn ưu tiên cung ứng thực phẩm cho quân đội và dân thường Ukraine ở các thành phố bị bom đạn oanh tạc.
Theo ông Steve Mathews, trưởng bộ phận chiến lược tại hãng phân tích thị trường Gro Intelligence, các hạn chế thương mại có thể kéo giá lương thực quốc tế lên cao hơn nữa do nguồn cung bị thắt chắt. "Việc này còn thổi bùng nguy cơ lạm phát", ông cảnh báo.
Nông dân ôm nỗi lo
Đầu tháng này, Nga - nhà cung ứng hàng đầu của nhiều loại phân bón cây trồng, đã thúc giục các doanh nghiệp trong nước hạn chế xuất khẩu, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho cây trồng.
Động thái của Nga đang gây thêm bất ổn cho thị trường toàn cầu. Nông dân ở Brazil - nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, vốn đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn phân bón cho cây trồng.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ chỉ cung cấp phân bón cho các quốc gia có "quan hệ hữu nghị" với Moscow. Dù vậy, trước tiên Nga vẫn cần phải ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.
Trong năm qua, giá phân bón đã tăng chóng mặt do nguồn cung khan hiếm và sản xuất đình đốn. Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng nóng buộc một số cơ sở phải hạ sản lượng, vì khí đốt là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân nito.
Giá nhiên liệu được nông dân sử dụng để sưởi ấm chuồng trại và chạy thiết bị cũng leo thang. Một yếu tố gây gia tăng căng thẳng là các lệnh cấm vấn chống lại Nga - nhà cung ứng năng lượng hàng đầu thế giới. Mỹ và Anh là hai nước đã tiến tới cấm nhập khẩu dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ khác của Nga.
Bà Alexis Maxwell, chuyên gia phân tích của Bloomberg Green Markets, bình luận: "Trong bối cảnh giá cả cao đột biến như hiện nay, nông dân sẽ khó chi trả chi phí nguyên liệu hoặc không thể vay vốn để mua nguyên liệu".
"Bất kỳ sự khan hiếm nào cũng có thể ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng ngũ cốc, gây thêm áp lực lên giá cả cây trồng, lương thực", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hỗn loạn ở Biển Đen
Các tàu chở ngũ cốc dường như đang rời khỏi Biển Azov, tuyến đường thủy nằm giữa Nga và Ukraine, đồng thời kết nối với Biển Đen. Theo Bloomberg, Biển Đen là điểm trung chuyển quan trọng của ngũ cốc, dầu thực vật, phân bón ra thế giới.
Do lo ngại về an nguy của thủy thủ đoàn và chi phí bảo hiểm tăng cao, các chủ tàu đang ngần ngại di chuyển đến Ukraine hoặc Nga. Các lệnh cấm bay cũng khiến thuyền viên khó lên tàu hoặc trở về nhà.
Tính chung, Ukraine và Nga đang chiếm hơn 25% hoạt động thương mại toàn cầu về lúa mì, cũng như chiếm khoảng 20% xuất nhập khẩu ngô.
Tiêu dùng gánh sức nặng
Đối mặt với đà tăng chóng mặt của thị trường nông sản không phải điều dễ dàng, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài. Làn sóng mua hàng hoảng loạn đã lan rộng ra nhiều nước, đơn cử như Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay cả Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất hành tinh, cũng đang cảm thấy sức nặng. Các siêu thị tại đất nước Đông Nam Á đã hạn chế mua dầu ăn theo người nên nhiều gia đình đã mang thêm con nhỏ đến xếp hàng để mua được nhiều hơn.
Nỗi lo về nguồn cung thực phẩm cũng đang chiếm sóng ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ. Người dân Trung Quốc đang ồ ạt thu mua ngô và đậu nành Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung.
Ở Ấn Độ, giá dầu thực vật tăng bùng nổ đang khiến người mua quay lưng với mặt hàng này, không sớm thì muộn tình trạng "demand destruction" (nhu cầu tụt dốc khi giá cả leo thang và nguồn cung eo hẹp) mà các ngân hàng từng cảnh báo sẽ xảy ra.
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới và người tiêu dùng địa phương cực kỳ nhạy cảm với giá của dầu ăn.
Ông Mathews của Gro Intelligence cho biết, nếu nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen vẫn bị cắt đứt, hoạt động thương mại nông sản toàn cầu sẽ cần phải điều chỉnh mạnh mẽ để giải quyết cú sốc hiện nay và quá trình này sẽ rất đau đớn.