Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Thâm Quyến vào ngày 14-3 - Ảnh: AFP
Tình hình cho thấy Trung Quốc đang chật vật để dập tắt đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất trong hai năm qua bằng chiến dịch "zero COVID" mà nước này kiên trì theo đuổi.
Đóng cửa nhiều nơi
Ngày 14-3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố số liệu mới cho thấy Trung Quốc ghi nhận 1.437 ca nhiễm COVID-19 mới tính đến hết ngày 13-3, trong đó có 1.337 ca cộng đồng. Phần lớn số ca mắc mới trong ngày được ghi nhận tại tỉnh Cát Lâm, với 895 ca nhiễm mới được ghi nhận. Tổng số ca nhiễm ở tỉnh Cát Lâm đã tăng lên hơn 3.500 kể từ đầu tháng 3-2022.
Ngoài ra, có hơn 1.400 ca không triệu chứng được phát hiện trong ngày 13-3, nhưng Trung Quốc không xác nhận các ca không triệu chứng.
Theo Tân Hoa xã, trước tình hình dịch bệnh gia tăng, chính quyền Cát Lâm đã tiến hành nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt và xây dựng thêm bệnh viện dã chiến để ngăn chặn đợt bùng phát mới nhất cũng như phong tỏa một phần TP Cát Lâm.
Bệnh viện dã chiến với 1.500 giường bệnh ở thủ phủ Thường Xuân - nơi bị phong tỏa từ ngày 12-3, sẽ sớm đi vào hoạt động và hơn 5.000 giường bệnh bổ sung sẽ được đưa vào sử dụng trong những ngày tới.
Ông Cảnh Tuấn Hải, bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm, khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho thị trường, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi che giấu dịch.
Từ ngày 13-3, chính quyền Trung Quốc thực hiện phong tỏa Thâm Quyến - trung tâm công nghệ với 17 triệu dân và nằm sát Hong Kong. Người dân ở Thâm Quyến được yêu cầu ở nhà và chỉ được ra ngoài nếu cần mua nhu yếu phẩm. Dịch vụ giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm tạm ngừng hoạt động từ ngày 14 đến 20-3. Trong thời gian này, TP sẽ tiến hành 3 đợt xét nghiệm diện rộng với người dân.
Lý giải cho quyết định phong tỏa TP khi Thâm Quyến chỉ ghi nhận 66 ca nhiễm mới trong ngày 13-3, quan chức y tế Thâm Quyến, ông Lâm Hán Thành, cho rằng: "Nếu công tác phòng ngừa và kiểm soát không được tăng cường kịp thời và quyết liệt, dịch COVID-19 có thể dễ dàng lây truyền quy mô lớn trong cộng đồng".
Trong khi đó, ở khu vực ven biển phía đông, Thượng Hải và TP cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) cũng đang chật vật ứng phó với các đợt bùng phát COVID-19.
Người dân ở hai TP này được khuyến cáo hạn chế tất cả các hoạt động đi lại không cần thiết. Thượng Hải đã đóng cửa 157 công viên và dự kiến đóng tiếp 45 công viên khác. Dịch vụ xe buýt công cộng tạm ngưng phục vụ.
Thủ đô Bắc Kinh quy định du khách tới TP không được tham gia các buổi tụ tập hay bữa ăn đông người trong 7 ngày đầu tiên.
Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đánh giá đợt bùng phát COVID-19 hiện nay là "phức tạp và nghiêm trọng" và hối thúc ngành y tế nỗ lực kiểm soát các ổ dịch.
Cơ chế phản ứng khẩn cấp ở một số khu vực không đủ mạnh, không có hiểu biết đầy đủ về các đặc điểm của biến thể Omicron... và đưa ra phán đoán không chính xác.
Một quan chức tỉnh Cát Lâm thừa nhận tại một cuộc họp báo của Chính phủ
Không dám thả lỏng
Trung Quốc đã tự đóng cửa với thế giới từ tháng 3-2020 và kiên trì cách tiếp cận riêng, được gọi là "zero COVID năng động", gồm phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm diện rộng nhanh chóng. Mục tiêu của việc này là nhằm chặt đứt các chuỗi lây nhiễm. Cách tiếp cận này được nhiều chuyên gia về y tế cộng đồng của Trung Quốc ủng hộ.
Theo Hãng tin AFP, các lãnh đạo ở Bắc Kinh tự tin tỉ lệ tử vong thấp do COVID-19 của Trung Quốc, theo số liệu chính thức là chưa đến 5.000 ca kể từ đầu dịch, chứng tỏ sức mạnh của mô hình quản lý COVID-19 của nước này.
Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục bảo vệ chiến lược "zero COVID" trong một sự kiện có báo chí tham dự. Báo South China Morning Post dẫn lời ông Lý cho rằng chính sách "zero COVID" của Trung Quốc là cần thiết vì cần phải nghiên cứu virus này kỹ lưỡng do nó vẫn liên tục đột biến kể từ khi xuất hiện. Tương tự, việc phát triển vắc xin và các phương pháp điều trị đặc hiệu cũng cần cải tiến.
Nói về chiến lược kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 của Trung Quốc trong thời gian tới, Thủ tướng Lý cho biết Trung Quốc cam kết sẽ dựa trên cơ sở khoa học hơn nữa để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân cũng như đảm bảo an ninh của chuỗi cung ứng hàng hóa, tránh gây gián đoạn cho nền kinh tế.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, cơ quan giám sát tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng khẳng định sự đúng đắn của chiến lược này với một bài viết trên trang web lập luận rằng: Bằng cách cô lập các cộng đồng bị ảnh hưởng, Trung Quốc cho phép những cộng đồng khác hoạt động kinh tế - xã hội bình thường.
Theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia nước ngoài chia rẽ về tác động của việc duy trì chiến lược "zero COVID" của Trung Quốc. Luồng ý kiến không ủng hộ cho rằng chính sách "zero COVID" của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Hỗ trợ Hong Kong
Hong Kong đang đối mặt với đợt dịch nghiêm trọng do biến thể Omicron, với 32.430 ca nhiễm mới ghi nhận hôm 13-3.
Chính quyền Hong Kong cho biết đến nay khoảng 11.000 giường bệnh tại các bệnh viện công, chiếm 50% tổng số giường bệnh công, đã được chỉ định dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Báo South China Morning Post đưa tin dự kiến 75 nhân viên y tế từ Trung Quốc đại lục đến đặc khu hành chính Hong Kong trong ngày 14-3 để bắt đầu hỗ trợ thành phố đối phó đợt dịch thứ 5 nghiêm trọng. 300 nhân viên hỗ trợ khác dự kiến đến vào cuối tuần này.
TTO - Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa từ ngày 13-3, sau khi số ca COVID-19 tăng nhanh trên toàn quốc.
Xem thêm: mth.37292122241302202-neyuq-maht-aot-gnohp-couq-gnurt/nv.ertiout