Thật giả lẫn lộn
Trong tuần trước, Nga đã tố cáo Ukraine hoạt động các phòng thí nghiệm sinh hóa học được Mỹ tài trợ. Tuyên bố của Nga đã bị giới chức Ukraine và Phương Tây bác bỏ và gọi là điều “hoàn toàn dối trá”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thừa nhận vào hôm 8/3 rằng trên lãnh thổ Ukraine có “cơ sở nghiên cứu sinh học”, đồng thời cho biết Mỹ lo lắng rằng những cơ sở trên có thể bị Nga kiểm soát.
Ngay hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu: “Nga có một lịch sử tố cáo Mỹ những tội lỗi mà chính Nga gây ra. Những chiến thuật này rõ ràng là mưu đồ của Nga để bào chữa cho hành động tấn công có chủ đích, và vô cớ vào Ukraine”.
Ông nói thêm: “Mỹ không hề sở hữu hoặc vận hành bất cứ phòng thí nghiệm hóa học hay sinh học nào ở Ukraine … Nga mới là nước đang tiến hành chương trình vũ khí hóa học và sinh học, đồng thời vi phạm công ước về Vũ khí hóa học và Vũ khí sinh học”.
Tổng thống Joe Biden cảnh báo vào ngày 11/3 rằng Nga sẽ phải trả một “cái giá đắt” cho việc sử dụng vũ khí hóa học tại Ukraine và NATO.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trên một tờ báo của Đức: “Sau khi những tuyên bố sai trái của Nga được đưa ra, chúng ta phải cảnh giác vì có khả năng cao Nga sẽ lên kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học dưới vỏ bọc của những lời nói dối”.
“Thay đổi tình thế”
Trong khi Phương Tây cùng đoàn kết lên án Nga, NATO nhiều lần loại trừ khả năng hỗ trợ quân sự, ví dụ như không thiết lập vùng cấm bay theo lời đề nghị của Ukraine, bởi lo sợ nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, vào ngày 13/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học tại Ukraine, Phương Tây có thể thay đổi quan điểm.
Tổng thống Duda cho rằng việc ông Putin thua về mặt chính trị và chuẩn bị thua về mặt quân sự sẽ khiến nhà lãnh đạo Nga trở nên nguy hiểm. Ông nói với BBC: “Nếu được hỏi liệu ông Putin có sử dụng vũ khí hóa học không, thì tôi cho rằng ông ấy có thể sử bất cứ thứ vũ khí nào trong tình thế khó khăn này”.
Nga cũng đã từng bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học với những người chỉ trích Tổng thống Putin và trên quy mô lớn hơn là trong nội chiến Syria.
Nga và vũ khí hóa học
Vũ khí hóa học được định nghĩa bởi Tổ chức cấm Vũ khí hóa học (OPCW) là loại chất hóa học dùng để gây ra cái chết hoặc gây hại thông qua độc tính.
OPCW có nhiệm vụ thực thi các điều khoản của Hiệp ước Vũ khí hóa học, được ký bởi 193 quốc gia, trong đó có Nga vào năm 1997. Hiệp ước cấm việc sử dụng vũ khí hóa học và yêu cầu các bên tham gia phá hủy cơ sở sản xuất và nguồn dự trữ các loại vũ khí trên.
Vào năm 2017, Tổng thống Putin cho biết Nga đã hoàn thành việc phá hủy vũ khí hóa học cuối cùng, đồng thời chê trách Mỹ chưa làm điều tương tự.
Tuy nhiên, vụ đầu độc cựu gián điệp Nga (hai mang) Sergei Skripal và con gái tại Anh vào năm 2018 với chất độc thần kinh Novichok (được phát triển bởi Liên Xô) và vụ đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny ngụ ý rằng Nga có thể vẫn giữ một lượng vũ khí hóa học trái phép.
Nga cũng bị tố cáo giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad che dấu vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh sarin, giết chết 1.400 người. Cả Nga và Syria đều phủ nhận sự liên quan, nhưng các thanh tra của OPCW đã tìm thấy những chất hóa học và đạn dược tại hiện trường vào năm 2020.
Phó chủ tịch viện chính sách German Marshall Fund, ông Ian Lesser nói với CNBC: “Có khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hóa học cấp thấp hay thứ gì tương tự tại Ukraine không? Tất nhiên là có thể. Họ đã làm thế ở Syria. Lần trước là thông qua chính quyền Syria, nhưng lần này tôi nghĩ họ có thể sử dụng lại chúng”.
Ông Andrew Weber, cựu thư kí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng ngoài vũ khí hóa học, có thể Nga sẽ sử dụng vũ khí sinh học.
Ông nói: “Vũ khí sinh học sẽ khác biệt. Chẳng hạn, Moscow có thể sử dụng thứ gì đó như vi khuẩn than, không có khả năng lây lan ngược lại cho quân lính Nga. Những chương trình vũ khí sinh học bất hợp pháp của Nga bao gồm những thứ như bệnh dịch hạch, bệnh sốt thỏ [một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp] và thậm chí cả bệnh đậu mùa”.
Giải pháp tuyệt vọng?
Các nhà phân tích Phương Tây chỉ ra rằng có nguy cơ Tổng thống Putin sẽ ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học nếu cảm thấy các lực lượng vũ trang không đạt được tiến bộ trong việc tấn công Ukraine.
Đại tá Quân đội Mỹ về hưu Jack Jacobs nói với kênh CNBC: “Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng theo thời gian nếu lực lượng Nga sa lầy, Tổng thống Putin sẽ cho phép sử dụng vũ khí hóa học. Ông ấy đã làm điều đó trước đây và ông ấy có khả năng sẽ làm điều đó lần nữa. Mục tiêu của Tổng thống Nga là kiểm soát bộ Ukraine và sẽ không có thứ gì được cản đường khỏi mục tiêu đó”.
Đại tá Jacobs lưu ý rằng việc Nga ném bom vào các bệnh viện và các mục tiêu dân sự khác đã cho thấy cách tiếp cận ngày càng không kiềm chế với cuộc chiến ở Ukraine. Nga một mực khẳng định chỉ tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine, không nhằm vào dân thường.
Xem thêm: mth.76290102241302202-eniarku-o-coh-aoh-ihk-uv-gnud-agn-oc-yugn-oab-hnac-yat-gnouhp/nv.zibmanteiv