Dòng sông này đã cùng với sức người Tây Ninh sinh ra lòng hồ Dầu Tiếng, cũng là nơi có căn cứ Dương Minh Châu anh dũng suốt hai thời kỳ kháng chiến. Không thể đếm xuể những chiến công của quân dân Tây Ninh thời kháng Mỹ trên dải đất bờ tây sông Sài Gòn.
Nhắc tên những địa danh vang lừng này chắc nhiều người sẽ nhớ, đó là những Lộc Ninh, Bến Củi, Cầu Khởi, Suối Đá, Suối Ông Hùng... cho đến những Bà Nhã, Sóc Lào, Bời Lời, Đôn Thuận hay Cầu Xe, Trảng Cỏ thuộc Trảng Bàng giữa vùng "tam giác sắt".
Suốt thời kỳ ấy, sông Sài Gòn cứ lừng lững trôi dưới mưa bom bão đạn. Cựu chiến binh miền Đông không chỉ "vượt qua sông Bé oai hùng" mà còn vượt sông Sài Gòn, qua bến Thanh An sang Củ Chi để tiến đánh Sài Gòn dưới ánh hỏa châu đỏ lựng một vùng sông nước...
Giờ đây, sông vẫn cuồn cuộn màu nước xanh trong hơi nhuốm sắc phù sa, vẫn miệt mài như xưa - thuở đưa người lưu dân đi mở đất, dựng làng, lập chợ. Cầu ở đây cũng bằng cây cầu Sài Gòn trên thượng nguồn sông, nối Tân Châu sang Bình Phước. Con đường 789, từ Bùng Binh về Bến Củi dài dằng dặc. Phía bờ sông vẫn còn nhiều lùm tre và lau lách bạt ngàn.
Trên một mỏm sông thuộc ấp Bùng Binh, ngôi đình Đôn Thuận mái ngói đỏ tươi đã được dân làng xây dựng lại như một niềm kiêu hãnh không phai mờ trên mảnh đất này...
Phải tới đoạn qua Bùng Binh, sang xã Hưng Thuận (Trảng Bàng) thì sông mới mở lòng rộng thêm. Và sau một khúc quanh, từ bờ xã Hưng Thuận nhìn ra sẽ thấy rõ mái ngói đỏ tươi và ngọn tháp của đền liệt sĩ Bến Dược (thuộc Củ Chi). Bên ấy đã trở thành điểm đến tham quan sôi động của du khách trong và ngoài nước.
Cầu Sài Gòn bắc qua sông Sài Gòn, ranh giới giữa Tây Ninh - Bình Phước, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Châu nói riêng, khu vực bắc Tây Ninh và toàn thành phố nói chung. Cầu mới (bêtông cốt thép) dài 100m, rộng 13m. Cầu gồm 2 làn xe cơ giới (mỗi làn 3,5m), 2 làn xe thô sơ (mỗi làn 2m), lan can và gờ chắn bánh 1m. Thiết kế cầu gồm 3 nhịp, dài hơn 900m...
Nhưng vẫn cần thêm các yếu tố liên quan khác như cần phải mở cảng cạn ICD, trung tâm logistics trên sông Sài Gòn nhằm khai thác tối đa lợi thế trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất khẩu và quá cảnh của vùng, kết nối hiệu quả các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy nội địa và đường hàng hải, tạo điều kiện khai thác hiệu quả tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, giảm sức ép vận tải đường bộ...
Bất cứ dự án nào với con sông này cũng cần phải đảm bảo nước thải trong khu vực được thu gom về các nhà máy xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thoát ra sông Sài Gòn. Chất thải rắn phát sinh sẽ được phân loại tại khu vực dự án trước khi vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn tập trung theo quy hoạch chuyên ngành. Bất cứ hành động gì cũng không được phép gây ô nhiễm và vô tình phá hoại thủy sinh trên con sông, như nhiều bài học mà chúng ta đã có trước đây.
Cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn"
Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi nhằm tìm các ý tưởng và giải pháp để góp phần phát triển sông Sài Gòn. Các bạn có thể gửi ý kiến, bài viết, công trình nghiên cứu, đồ án, kế hoạch, ý tưởng... góp phần vào mô hình phát triển mới, hình dung về các đô thị bên sông của dòng sông trù phú này.
Các bài viết, đồ án sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên các ấn phẩm Tuổi Trẻ và đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Bài dự thi gửi về email: songsaigon@tuoitre.com.vn hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM); ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn". Thời gian nhận bài dự thi: từ 7-3 đến hết ngày 20-4-2022.
Giải thưởng: Giải tập thể: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng. Giải cá nhân: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 10 triệu đồng; 1 giải ba: 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng.
Ban tổ chức
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Là người đã có vài chục lần đến TP.HCM, một trong những băn khoăn của tôi là làm thế nào để phát triển hài hòa, bền vững và phù hợp cho cuộc sống bên sông Sài Gòn.