Theo nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài trong năm 2021 đã bộc lộ 3 vấn đề lớn đối với TP và cần tập trung giải quyết: bất cập về cơ cấu kinh tế - lao động - phân bố dân cư - nhà ở - việc làm - hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống; hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu; đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực tăng trưởng mới. Trong bối cảnh đối mặt khó khăn chưa có tiền lệ, TP.HCM đã nỗ lực vượt khó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 381.532 tỉ đồng, vượt 4,56% dự toán và tăng 2,73% so với năm trước. Trong năm 2022, TP.HCM đặt ra 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt 6 - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%… TP.HCM đặt mục tiêu thu ngân sách 386.568 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 24,8% trong tổng thu ngân sách cả nước.
TP.HCM tăng cường hỗ trợ DN phục hồi trong năm 2022 lê nam |
Để đạt các chỉ tiêu trên, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân, nhất là ở các lĩnh vực: DN tư nhân, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế, chuyển đổi số…
Để hỗ trợ DN, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực quản trị. TP.HCM cũng cam kết loại bỏ các quy định và thủ tục mang tính “giấy phép con”, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, thủ tục... nhằm mời gọi đầu tư.
Về cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết năm 2022, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức trong việc giải quyết các công việc liên quan đến người dân và DN, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể; đồng thời ban hành quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đối với người đứng đầu không thực hiện tốt nhiệm vụ thì đề xuất điều động và bố trí vị trí làm việc thấp hơn.
Vấn đề phân cấp, ủy quyền cũng được nhiều sở ngành, địa phương đặt ra tại hội nghị. Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị T.Ư sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp. Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đã xây dựng dự thảo nghị định mới về phân cấp, ủy quyền, trong đó đề xuất Chính phủ cho phép TP.HCM được phép xem xét, bố trí, phân công lại chức năng của các sở về cho quận, huyện và các ban quản lý để giải quyết nhanh nhất thủ tục hành chính.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận TP vừa trải qua một năm nhiều biến cố, đau thương, khốc liệt và là thử thách chưa có tiền lệ. Tình hình dịch bệnh sắp tới dự báo có nhiều biến động nên phải thích ứng linh hoạt, an toàn chứ không thể trông chờ vào một giải pháp ổn định. Để tạo thêm dư địa phát triển, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức chính quyền đô thị.
Nhấn mạnh thêm về hỗ trợ DN, ông Phan Văn Mãi cho biết sẽ ưu tiên khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, nhất là nhóm ngành du lịch. Riêng khối ngành dịch vụ, TP.HCM tập trung giải pháp phục hồi ngành thương nghiệp bán buôn - bán lẻ, vận tải - kho vận, lưu trú - ăn uống, kinh doanh bất động sản...
Trong năm 2022, TP.HCM điều chỉnh hàng loạt quy hoạch: đồ án quy hoạch 930 ha khu trung tâm, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc (H.Củ Chi), điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (rộng 2.870 ha) và quy hoạch xây dựng vùng H.Cần Giờ…