Đầu tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các địa phương để yêu cầu tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam thông qua chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình, đề án liên quan của các bộ, ngành, địa phương.
Nhà nông vẫn còn lạ lẫm với nhãn hiệu
Hầu hết các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn tại ĐBSCL đều đã chú ý đến công tác hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu lúa gạo từ lâu. Tuy nhiên, số lượng nhãn hiệu đã được đăng ký vẫn còn khá khiêm tốn so với gần 1,5 triệu ha lúa của vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam này.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đến nay cơ quan này đã hỗ trợ 20 nhãn hiệu và 16 nhãn hiệu tập thể lúa gạo của Long An đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những tỉnh có số lượng nhãn hiệu lúa gạo khá nhiều ở phía Nam.
Trong đó có nhiều nhãn hiệu do đơn vị nhà nước đăng ký sở hữu như Gạo Nàng Thơm Chợ Đào (HTX DV NN xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), Nếp chùm 46 (Trung tâm Khuyến nông Long An), Gạo hữu cơ Vĩnh Thuận (HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), Gạo nếp HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng)...
Có một số nhãn hiệu đã được các công ty tư nhân đăng ký, xuất hiện trên thị trường từ rất sớm như Tân Đồng Tiến (Công ty CP Tân Đồng Tiến) có từ năm 2004, MT (DNTN Minh Tâm) có từ năm 2005, Công Thành - Sáu Cường (DNTN Công Thành II) có từ năm 2006...
Trong khi đó tại nhiều địa phương, việc đăng ký nhãn hiệu lúa gạo còn khá khiêm tốn. Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng cho biết thời gian qua chỉ nhận hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu gạo của hai tập thể (một cho gạo ST và một cho gạo tài nguyên) và nhãn hiệu của một số cá nhân.
Tại một số địa phương có diện tích lúa ít như Bến Tre, từ tháng 3-2017, HTX lúa - tôm Thạnh Phú mới đi tiên phong trong việc đăng ký nhãn hiệu gạo sạch của địa phương.
Nhiêu khê đăng ký nhãn hiệu
Là địa phương phát triển nhãn hiệu lúa gạo nhất vùng ĐBSCL, đến nay Long An đã có chính sách hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quy trình và hồ sơ đăng ký cũng đã được ban hành chi tiết nhằm phục vụ cá nhân, tập thể có nhu cầu thực hiện dễ dàng.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là nhiều tổ chức, cá nhân chưa hiểu rõ nhãn hiệu, logo là gì, chưa phân biệt rõ giữa tên công ty và nhãn hiệu.
"Điều này dẫn đến việc thiết kế mẫu nhãn, logo chưa phù hợp với sản phẩm hoặc bị trùng lắp với những nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.
Thậm chí một số nhãn hiệu đăng ký nhưng không tra cứu trước, lại trùng lắp với nhãn hiệu đã được đăng ký trước nên vừa mất thời gian mà lại bị từ chối", một lãnh đạo Sở KN&CN tỉnh Long An cho hay.
Ông Dương Vĩnh Hảo - phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng - cũng thừa nhận việc đăng ký nhãn hiệu thời gian qua còn khá nhiêu khê mà vướng mắc không phải ở địa phương. "Quyết định cấp chứng nhận nhãn hiệu hay thương hiệu gạo thuộc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ. Có lẽ do quá nhiều hồ sơ gửi đề nghị, cần thời gian xem xét nên có chậm", ông Hảo nói.
Kể về việc đăng ký nhãn hiệu gạo, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết sau khi gạo ST25 lên "ngôi vương" năm 2019, gia đình ông đã bắt tay làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho "đứa con của mình".
Tuy nhiên phải mất gần hai năm, nộp đơn vào tháng 5-2021 nhưng đến tháng 3-2023 Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Gạo ông Cua cho Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (do con ông Cua làm chủ). "Không chỉ nhiêu khê, kéo dài, kinh phí thuê mướn luật sư này nọ... hết tổng cộng trên 1 tỉ đồng mới được cấp nhãn hiệu", ông Cua tiết lộ.
Thương hiệu lúa gạo chưa được bảo vệ
Ông Trần Tấn Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết theo quy định, mọi tổ chức, cá nhân muốn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo của mình phải làm hồ sơ gửi Sở KH&CN.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm gạo mới được phép bán trên thị trường, ai làm sai đều bị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Theo ông Phương, thời gian qua không ít tổ chức, cá nhân đã "xào", làm nhái, làm giả nhãn hiệu, thương hiệu gạo, nhất là gạo thơm ST.
Là một trong ba tác giả của giống lúa thơm ST25, ông Phương tỏ ra khá bức xúc khi nhiều nơi, nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu gạo thơm ST25 nhưng chưa được xử lý tới nơi tới chốn.
"Việc này gây thiệt hại lớn cho người làm ăn chân chính. Để bảo vệ thương hiệu gạo và nâng tầm hạt gạo Việt Nam, các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng gian lận thương mại, làm nhái, làm giả nhãn hiệu gạo", ông Phương kiến nghị.
Một doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu gạo ở ĐBSCL cho biết mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về quy trình và dư lượng hóa chất trong gạo, nhưng chưa có các chế tài đủ sức răn đe, cũng như chưa có các chương trình truyền thông để nông dân tuân thủ quy trình trồng lúa, chưa có các công bố chất lượng để hệ thống phân phối chọn lựa sản phẩm.
"Từ đó, người tiêu dùng phải chấp nhận việc không có lựa chọn trong quá trình mua gạo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với những nông dân và thương nhân muốn trồng lúa chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm", vị này bức xúc.
Chưa khai thác hiệu quả nhãn hiệu
Ông Nguyễn Minh Hải - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An - đánh giá dù nhãn hiệu khá nhiều nhưng nhiều tổ chức và cá nhân chưa quản lý và khai thác giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và dựa vào tài sản trí tuệ để phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra cũng còn nhiều hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước.
GS Võ Tòng Xuân:
Nên chọn giống ST25 xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
Nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và cũng tốn nhiều chi phí cho việc này nhưng chưa thành công.
Với việc gạo ST25 lần thứ hai giành ngôi vương giải "Gạo ngon nhất thế giới", theo tôi, Bộ NN&PTNT cần tranh thủ cơ hội này chọn giống gạo nổi tiếng ST25 để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam, giống như cách làm thành công của Thái Lan chọn gạo hom mali.
Ngoài ra với việc Chính phủ vừa phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, bộ cũng nên sớm công nhận ST25 là giống quốc gia và đưa vào sản xuất để tạo hiệu quả gia tăng cho đề án.
Nhiều địa phương tích cực làm thương hiệu lúa gạo
Một trong những thương hiệu nổi tiếng lâu đời ở ĐBSCL là Nàng Thơm Chợ Đào, vùng lúa mùa ở huyện Cần Đước(Long An).
Đây cũng là một trong những nhãn hiệu đã được quan tâm từ sớm, đăng ký thành công từ năm 2003. Đến năm 2014, Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (United State Patent and Trademark Office) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu.
Năm 2016, một đề tài với tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng đã được thực hiện để tìm lại, khôi phục nguồn gene lúa chất lượng đã từng giúp hạt gạo Nàng Thơm Chợ Đào vươn xa.
"Đến nay đã làm thủ tục chỉ dẫn địa lý Chợ Đào và hồ sơ chỉ dẫn địa lý này đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định, xem xét cấp văn bằng bảo hộ" - ông Nguyễn Chí Thiện, phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay.
Ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre - cho biết thêm dù cây lúa không phải là thế mạnh nhưng địa phương cũng luôn khuyến khích, hỗ trợ để các cá nhân và các HTX tự xây dựng để tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như HTX lúa - tôm Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú), từ vài chục xã viên ban đầu đến nay đã vận động được hơn 100 xã viên tham gia, diện tích trồng lúa sạch cũng được mở rộng.
Ông Hồ Văn Cương, chủ tịch hội đồng quản trị HTX lúa - tôm Thạnh Phú, cho biết "Gạo sạch Thạnh Phú" là sản vật, là tinh hoa của vùng đất Thạnh Phú, do đó việc xây dựng thương hiệu trước hết phải xuất phát từ xây dựng, gìn giữ chất lượng sản phẩm. Hạt gạo trước hết phải canh tác theo phương pháp an toàn, hữu cơ.
Đến nay, "Gạo sạch Thạnh Phú" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể lúa gạo sạch Thạnh Phú vào năm 2016 và đến năm 2020, Tổ chức FAO chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Cũng nhờ vậy thương hiệu "Gạo sạch Thạnh Phú" có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn trong và ngoài nước, với giá cả tốt và luôn ổn định.
Ông Võ Văn Men - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang - nói địa phương này đang tích cực xây dựng thương hiệu "Gạo Gò Công" đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, thống nhất phạm vi địa lý sở hữu thương hiệu "Gạo Gò Công" gồm các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công.
Trong khi đó, theo ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình chế biến gạo phục vụ đề án "Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt tỉ lệ khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh; lượng xuất khẩu đạt từ 45.000 - 50.000 tấn.
Đặc biệt, phấn đấu để thương hiệu gạo An Giang trở thành thương hiệu gạo quốc gia. "Trong giai đoạn đầu của đề án, chọn các giống tiêu biểu để xây dựng thương hiệu thông qua các cuộc thi đấu xảo và các giống được nghiên cứu, phát triển trên địa bàn.
Có thể tập trung nghiên cứu lựa chọn và phát triển các loại giống phục vụ đề án như: LT18, LT28, OM18..., đồng thời kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu lúa gạo", ông Thọ thông tin.
(còn nữa)
Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, các chuyên gia hôm nay góp nhiều giải pháp như: đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng và thương hiệu gạo chung của Việt Nam.