Nông dân đang đối diện rất nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng. Trong ảnh: một hộ nông dân chăn nuôi heo thịt ở Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, trước những biến động về giá một số hàng hóa, nguyên - nhiên vật liệu, nhiều giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá được đưa ra.
Điều hành giá khó khăn
Ông Tuấn cho rằng đến nay, mặt bằng giá vẫn được kiểm soát, nhưng giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, nên theo ông Tuấn, không được chủ quan.
Với một số mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính cho biết giá xăng dầu sau thời điểm tăng đột biến đã có dấu hiệu chững lại, song với căng thẳng chính trị, các nước áp dụng biện pháp trừng phạt, nên nhiều tổ chức nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao từ 110 - 130 USD/thùng trong giai đoạn tới. Không loại trừ khả năng giá dầu tăng cao lên mức 150 USD/thùng.
Nhấn mạnh mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung.
Nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước...
Nông dân lao đao
Bên cạnh hàng loạt mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá khiến trồng trọt gặp khó, ngành chăn nuôi cũng đang đối diện thách thức. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, đậu nành tăng khoảng 21%, bắp tăng khoảng 9%...
Hai ngày qua, ông Trần Đức Quang (Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) không thể vui khi nhận được thông báo giá thức ăn chăn nuôi (cám) tăng thêm, dù tháng trước giá cám cũng đã tăng.
Cụ thể, giá cám heo thịt được ông mua vào đang ở mức 14.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg so với cuối năm 2020) khiến giá thành chăn nuôi hiện từ 55.000 - 57.000 đồng/kg tùy loại, trong khi giá heo xuất bán chỉ 53.000 - 54.000 đồng/kg.
Thông tin từ nhiều người nuôi phía Nam cho biết giá heo hơi bán ra chiều 9-3 ở mức 48.000 - 54.000 đồng/kg tùy loại, riêng loại heo nái chỉ còn trên dưới 25.000 - 30.000 đồng/kg. Mức giá trên giảm khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Ngược lại, giá cám tăng liên tục khiến nhiều người nuôi lâm vào cảnh thua lỗ.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Đạt (Bù Đăng, Bình Phước) cho biết sau nhiều lần tăng giá, giá cám chăn nuôi gà công nghiệp hiện 14.000 - 15.000 đồng/kg đã đẩy giá thành chăn nuôi lên mức 27.000 - 28.000 đồng/kg. Do đó, dù giá gà xuất bán hiện tăng lên 29.500 đồng/kg nhưng tính ra không nhiều người nuôi có lời.
Ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - cho biết nếu giá thành tiếp tục tăng, hầu hết người nuôi nhỏ lẻ có nguy cơ treo chuồng. "Hiện 70% nguồn cung gà công nghiệp từ các doanh nghiệp lớn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn nữa tỉ lệ này sẽ lên 80-90% vì người nuôi nhỏ lẻ sẽ bỏ nghề do quá bấp bênh", ông Quyết nhận định.
Giá cước vận tải tăng đang tạo áp lực lên nhiều ngành - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cần giải pháp mạnh
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, hiện giá bao bì, nhiều sản phẩm nguyên phụ liệu nhập khẩu sử dụng cho thực phẩm đã tăng 15-20%, thậm chí lên 35% so với đầu năm 2021, đặc biệt các loại vitamin, khoáng chất, chất phụ gia... Việt Nam sản xuất không được. Nhiều doanh nghiệp còn phải liên tục tăng lương để giữ chân công nhân.
"Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp ngành thực phẩm chấp nhận giảm lợi nhuận, chỉ tăng giá 3-5% so với năm ngoái, trừ một số mặt hàng tăng lên 10-20%", ông Hiến nói.
Theo ông Hiến, với khó khăn hiện nay, Nhà nước cần sớm áp dụng giải pháp để giảm giá xăng dầu.
Cụ thể, ngoài giảm thuế, phí liên quan, có thể đưa mặt hàng xăng dầu vào nhóm được áp dụng giảm thuế VAT. Với thuế tiêu thụ đặc biệt, chủ yếu áp dụng cho mặt hàng mang tính xa xỉ, trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống.
Theo ông Hiến, nên xem xét giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 4% (thuế này đang áp với xăng là 10%, xăng sinh học E5 8% và xăng E10 7%).
Không tăng giá với hàng Nhà nước định giá
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thép xây dựng, ximăng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt heo, gạo; vật tư trang thiết bị y tế...) theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, trước mắt trong thời điểm hiện tại không xem xét tăng giá, đặc biệt là các dịch vụ công...
Những mặt hàng Nhà nước không định giá, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá; kiểm tra chặt chẽ những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng để trục lợi trái luật.
Riêng với xăng dầu, Phó thủ tướng nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước xung quanh. Ông yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-3, ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết đồng loạt trên dưới 20 doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi vừa điều chỉnh tăng giá cám, dù tháng trước các đơn vị này vừa tăng.
Nói về việc liên tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, đại diện Công ty C.P cho biết bắp và đậu nành dùng chế biến thức ăn chăn nuôi chủ yếu được các doanh nghiệp nhập từ Mỹ và Brazil, và lúa mì nhập từ Nga.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine và giá xăng dầu, vận chuyển tăng nên giá các mặt hàng trên tăng liên tục. Do đó, doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cám bán ra.
Tương tự, một đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi cho biết hiện giá đậu nành, bắp nhập vào tăng liên tục từ năm ngoái đến nay, đợt mới nhất đã tăng 10-15%. "Khả năng giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng nếu chiến tranh vẫn còn, và giá xăng dầu, vận tải vẫn ở mức cao", vị này nhận định.
Bộ Tài chính: nhiều mặt hàng sẽ tăng giá tiếp
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước.
Do đó, bộ này đề nghị bộ ngành liên quan cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.
Với mặt hàng thép xây dựng, cũng theo Bộ Tài chính, hiện giá thép có thể tiếp tục tăng do chi phí nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi các công trình trọng điểm được đẩy nhanh triển khai. Trong thời gian tới, giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế nguồn cung.
TTO - Nhiều doanh nghiệp cho biết áp lực tăng giá hàng hóa ngày càng lớn. Những mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa... đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh.
Xem thêm: mth.3243342241302202-gnat-ac-aig-iv-oad-oal-nad-gnon/nv.ertiout