vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ bắt giam oan ông Võ Tê: "Hơn 40 năm qua, gia đình tôi phải sống như xác ướp không hồn"

2022-03-15 10:43

Bị bắt oan, "chết trong sự ghẻ lạnh của nhiều người"

Ông Võ Tê (SN 1932, trú thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải - nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) là người bị bắt giam oan trong vụ án bà Phan Thị Khanh (SN 1954, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân) bị sát hại vào năm 1980.

Theo đó, ngày 31/7/1980 vụ án xảy ra thì chỉ 1 ngày sau công an bắt ông Tê về tội danh giết người, cướp tài sản. Báo giới thuật lại, thời điểm đó, ông Tê là thầy thuốc Nam trong vùng. Hôm bà Khanh bị giết, ông Tê được người ta gọi tới để cứu giúp. Tại hiện trường, mẹ bà Khanh khóc thảm thiết, níu lấy người ông Tê để nhờ cứu con gái. Máu của nạn nhân vương lên quần áo ông Tê.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra không đủ căn cứ buộc tội ông Tê.

Sau khi bị giam oan 5 tháng, ông Tê được tạm tha. Song cho tới khi qua đời vào năm 1994, ông vẫn mang án oan, chưa được đình chỉ bị can. Mãi tới ngày 5/1/2022, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Thuận mới có quyết định đình chỉ bị can với ông Võ Tê.

Ông Võ Ngọc (SN 1964, trú huyện Hàm Tân, Bình Thuận - con ruột ông Võ Tê) tâm sự trên Tuổi trẻ online, sau mấy chục năm sống trong tủi nhục thì gia đình ông đã có thể ngẩng cao đầu, người cha ở suối vàng đã được minh oan.

Tuy nhiên, cho tới hiện tại, việc xin lỗi công khai gia đình ông Tê chưa được các cơ quan chức năng tiến hành.

Theo chia sẻ của ông Ngọc với tờ Người lao động, ban đầu, Công an tỉnh Bình Thuận và gia đình dự kiến tổ chức xin lỗi công khai vào ngày 16/2/2022, nhưng sau đó lùi ngày lại.

"Trước đó Công an tỉnh kêu qua Tết sẽ tổ chức xin lỗi, gia đình mình báo lại ngày 16/2. Xong ngày 16/2 họ không làm mà nói chờ họp bàn một số việc, nên hẹn lại, chưa làm được. Đến giờ thì gia đình cũng chưa nhận được thông tin gì về việc này", một người trong gia đình ông Ngọc cho nguồn trên biết.

Theo thuật lại của tờ Pháp luật TP.HCM, trong lá đơn yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra và VKSND tỉnh Bình Thuận xin lỗi vì bắt giam oan ông Tê, ông Ngọc nêu, dù biết rõ ông Tê không phạm tội nhưng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không đình chỉ điều tra bị can.

Điều đó khiến cho suốt từ khi được tha đến khi qua đời vào năm 1994, cha ông sống trong tủi nhục và cay đắng. Ông Tê bị chòm xóm xa lánh, không nhìn mặt, chết đi trong sự ghẻ lạnh của nhiều người.

Vụ bắt giam oan ông Võ Tê: Hơn 40 năm qua, gia đình tôi phải sống như xác ướp không hồn - Ảnh 1.

Ông Ngọc bên phần mộ người cha bị oan sai. Ảnh: L.T/Người lao động

Ông Ngọc bày tỏ với nguồn trên, cha mình là người hiền lành, chỉ biết bốc thuốc Nam chữa bệnh, nhưng mang án oan, bị biệt giam dẫn đến khắp người lở loét. Ngày được thả, thậm chí cha ông không đứng vững, quãng đường từ nhà giam về là 60km nhưng phải đi nhiều ngày.

"Nỗi oan khuất này luôn đè nặng tinh thần của chúng tôi - những đứa con không được học hành đến nơi đến chốn, cũng không có điều kiện đi kêu oan cho cha", đơn của ông Ngọc viết.

Ngoài việc yêu cầu được tổ chức buổi xin lỗi công khai, gia đình ông Ngọc còn yêu cầu cơ quan tố tụng đăng báo xin lỗi công khai trong 3 kỳ liên tiếp. Ngoài ra, đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính trên cổng thông tin điện tử của công an tỉnh và VKSND tỉnh Bình Thuận.

"Hơn 40 năm, gia đình tôi sống như xác ướp không hồn"

Chia sẻ với tờ Dân trí, ông Ngọc mong muốn cơ quan tố tụng nhanh chóng tổ chức buổi xin lỗi công khai.

"Suốt hơn 40 năm qua, gia đình tôi phải sống như những "xác ướp" không hồn. Đến nay, cha tôi được minh oan thì tôi mong muốn Công an tỉnh Bình Thuận nhanh chóng xin lỗi công khai", ông Ngọc nói trên Dân trí.

Ông Ngọc kể với nguồn trên, thời gian cha bị bắt giam oan, gia đình ông đi đâu cũng bị người ta gọi là "quân giết người, cướp của". Không chịu nổi dư luận, anh em ông đều phải bỏ dở việc học. Để né tránh búa rìu của chòm xóm, ông Ngọc đăng ký đi bộ đội vào năm 1985. Hết 3 năm quân ngũ trở về, người con trai càng thương cha già hơn vì ông cứ sống như chiếc bóng.

Về việc tổ chức xin lỗi công khai gia đình ông Võ Tê, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận cho báo Người lao động biết, đơn vị đang phối hợp với VKSND tỉnh tiến hành tổ chức minh oan và giải quyết theo Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước.

Theo công an Bình Thuận, do trong đơn yêu cầu bồi thường oan sai, gia đình ông Ngọc chưa đưa ra mức bồi thường cụ thể nên đơn vị đã hướng dẫn họ làm lại, để làm căn cứ giải quyết.

Còn gia đình ông Ngọc cho biết họ đang chờ cơ quan chức năng tổ chức xin lỗi công khai rồi mới thống nhất với luật sư về mức bồi thường thiệt hại.

Vụ bắt giam oan ông Võ Tê: Hơn 40 năm qua, gia đình tôi phải sống như xác ướp không hồn - Ảnh 3.

Di ảnh ông Võ Tê. Ảnh: báo Dân Việt

Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Nam, điều tra viên vụ sát hại bà Phan Thị Khanh thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, trong hai lần phúc cung, ông Tê đều khẳng định không giết bà Khanh. Thế nhưng, trước đó ông Võ Tê lại nhận tội. Tuy nhiên, lời nhận tội của ông Tê không phù hợp với hiện trường vụ án và vết thương trên thi thể nạn nhân.

"Kết quả giám định cho thấy dấu vết nghi là máu trên cần câu, áo, dao của ông Võ Tê không phải là máu người. Ông Tê không có dấu hiệu bất minh về thời gian và chỉ có mặt ở hiện trường sau khi vụ án xảy ra", cựu điều tra viên cho nguồn trên biết.

Ông Võ Ngọc, chia sẻ với tờ Pháp luật TP.HCM, ông nhớ rõ năm đó chiều nào hai cha con cũng ra suối câu cá. Con suối đó ngược hướng vào rẫy bắp của nhà bà Khanh nên không thể có chuyện hai bên chạm mặt nhau. 

"Việc cơ quan điều tra cho rằng cha tôi đang ngồi ở nhà móc mồi vào lưỡi câu thì thấy chị Khanh rồi hỏi thăm là vô lý. Không ai đi câu mà móc mồi trước ở nhà rồi vác cần câu lủng lẳng dây nhợ đi. Người ta, ai cũng phải ra đến suối, chọn chỗ câu rồi mới móc mồi câu cá", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời con trai ông Võ Tê.

Vào năm 2021, hung thủ thực sự đã được công an tìm thấy là Trương Đình Chi (có họ tên khác là Trương Đình Khôi và Lê Minh Sơn, SN 1956, trú thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Song vụ án xảy ra hơn 41 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Chi được gia đình bảo lãnh.

Hiện tại, gia đình nạn nhân Khanh đã nhờ luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý đề đề nghị cơ quan công an phục hồi điều tra vụ án, truy tố và xét xử Trương Đình Khôi.

(Tổng hợp)

http://tintuc.vdong.vn/03/1271745.htm

Xem thêm: mth.81420150041302202-noh-gnohk-pou-cax-uhn-gnos-iahp-iot-hnid-aig-auq-man-04-noh-iohk-hnid-gnourt-na-yk/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ bắt giam oan ông Võ Tê: "Hơn 40 năm qua, gia đình tôi phải sống như xác ướp không hồn"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools