Lạm phát gia tăng, nới lỏng định lượng vẫn tiếp diễn và bất ổn địa chính trị tại châu Âu khiến thị trường tràn ngập tâm lý bất an.
Từ đầu năm tới nay, BTC vẫn “mắc kẹt” trong biên độ phạm vi giá. Tuy nhiên, các sự kiện sắp tới đây có thể là yếu tố tạo ra sự thay đổi lớn trong cả tâm lý thị trường và hành động giá của đồng tiền mã hoá hàng đầu này.
Nga, Trung Quốc, lạm phát và FED (Cục dự trữ liên bang)
Ngày 16/3 tới đây, FED sẽ quyết định có hay không 1 đợt tăng lãi suất chủ yếu (key interest) vốn đã được mong đợi từ năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất có thể tăng ở mức khiêm tốn, khoảng 1/4 điểm cơ bản, nhưng vẫn tác động đáng kể tới BTC, đồng tiền đã cho thấy có sự tương thông đối với thị trường chứng khoán Mỹ vốn nhạy cảm với các đợt tăng lãi suất.
“Đây sẽ là một tuần quan trọng đối với crypto và nhà đầu tư chứng khoán khi FED có thể sẽ tăng 1/4 điểm lãi suất cơ bản. Bitcoin và Ethereum có những phản ứng tương tự như SP500 và những quyết định của FED sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường tiền điện tử”, công ty phân tích Santiment nhận định.
Nhưng FED cũng không phải mối lo duy nhất của BTC.
Ngày 14/3, nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu dự thảo luật liên quan tiền điện tử, và nhiều thành viên EU đã bày tỏ ủng hộ một lệnh cấm đối với các loại tiền ảo hoạt động dựa trên mã hóa xác thực PoW (Proof-of-work: bằng chứng công việc) do lo ngại về vấn đề môi trường.
Tiếp đến là cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tục áp đặt các lệnh cấm vận với Moscow, càng tạo thêm áp lực lạm phát.
Tại Trung Quốc, Covid-19 đã quay trở lại và một số thành phố bị phong toả do các ca bệnh tăng nhanh.
Có thể tạo đáy mới của vùng tích lũy
Theo CoinTelegraph, các ngưỡng hỗ trợ (support) của BTC chưa được xác nhận khi mốc 40.000 USD không thể giữ giá lâu hơn.
Dựa trên yếu tố ngắn hạn, các chuyên gia cho biết giá có thể tạo đáy mới trong thời gian tới. Thậm chí, giá có thể giảm về vùng 27.000 USD. Trong trường hợp này, BTC sẽ có giá thấp hơn cả giá mở cửa đầu năm 2021 và phá vỡ biên độ dao động hiện tại.
Báo cáo mới nhất của Glassnode, nền tảng phân tích blockchain, cũng cho thấy nguồn cung bên bán nhìn chung vẫn ở mức “khá khiêm tốn” trong bối cảnh vĩ mô hiện tại.
Dựa trên khối lượng giao dịch, Cane Island Digital Research cho biết, khối lượng giao dịch là một chỉ báo rõ ràng về việc BTC đã mất đà tăng giá.
“Khối lượng giao dịch Bitcoin không có nhiều ý nghĩa đối với giá cả, nhưng nó là chỉ báo khá tốt về tâm lý. Khối lượng khó có thể thấp hơn nữa, có nghĩa là một đáy mới sắp hình thành”, trích phân tích của trung tâm nghiên cứu này.
“Cá voi” hoạt động tích cực
Dữ liệu của Cointelegraph cho thấy xuất hiện cầu tại vùng giá hiện tại, khi các “cá voi” tích cực mua vào và các ví điện tử của những nhà đầu tư nhỏ hơn cũng tăng số lượng BTC nắm giữ.
Cụ thể, trong ngày 12/3, 30.000 BTC được ghi nhận đã chuyển khỏi Coinbase, tạo ra mô hình cung/cầu tương tự vào tháng 7 và tháng 9 năm ngoái, trước khi đồng tiền mã hoá này bước vào đợt tăng giá mạnh.
“Các ví điện tử chứa 10-100 BTC thì xuất hiện liên tục và nguồn cung đang giảm dần”, Lex Moskovski, CEO của Moskovski Capital, cho biết.
El Salvador phát hành trái phiếu “núi lửa”?
Quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin như 1 đồng tiền hợp pháp, đã sử dụng năng lượng địa nhiệt từ núi lửa cho việc đào BTC.
Để tìm kiếm đối tác đầu tư lâu dài vào lĩnh vực, chính phủ Salvador sẽ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu, gắn trực tiếp với hoạt động khai thác, động thái khiến nhiều người cảm thấy hào hứng.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sử dụng tiền mặt đầu tư vào BTC thì kế hoạch của Salvador nếu thành công, sẽ tạo ra sự thay đổi mô hình kinh tế toàn cầu.
“Việc El Salvador phát hành trái phiếu sẽ cho thấy rằng bạn không cần phụ thuộc vào IMF hay bất kỳ thể chế tài chính cho vay nào khác, bạn có thể gọi vốn bằng các trái phiếu hỗ trợ bởi Bitcoin”, Samson Mow, cựu Giám đốc chiến lược của Blockstream khẳng định.
Theo Vinh Ngô
Ictnews
Xem thêm: nhc.21991819051302202-y-uul-nac-ut-uad-ahn-ueid-gnuhn-3-02-3-41-naut-nioctib/nv.zibefac