Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo với sự hỗ trợ điều hành của Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng biên tập báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển và Chủ tịch Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) Nguyễn Quang Hưng. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, Hội thẻ Việt Nam, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại và một số chuyên gia.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Theo Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để da dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dich vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Theo đó, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017 - 2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng thương hiệu Việt, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam. Với chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong diễn biễn phức tạp của đại dịch, các ngân hàng và khách hàng đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong thói quen tiêu dùng nhưng cũng là cơ hội để người dân tiếp cận nhanh hơn với các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy lùi tín dụng đen.
Về phát hành thẻ tín dụng, phần lớn các Ngân hàng Việt Nam hiện đang triển khai thông qua các bước lần lượt là đăng ký; hoàn thiện hồ sơ; ngân hàng đánh giá hồ sơ và thẩm định khách hàng; nhà băng đưa ra quyết định cấp tín dụng và phát hành thẻ; chuyển thẻ vật lý với khách rồi người nhận sẽ thực hiện kích hoạt và dùng thẻ. Đại diện các ngân hàng thương mại cũng đưa ra cảnh báo nhằm nâng cao ý thức bảo mật thông tin của người sử dụng thẻ. Các chuyên gia cho rằng người dùng cần chủ động quản trị rủi ro thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp, đặc biệt là đối với các giao dịch trực tuyến.
Nhấn mạnh tại hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá truyền thông là một trụ cột quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam. Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó. Trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa như đẩy mạnh truyền thông; tích cực triển khai số hóa các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng; mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông trên các lĩnh vực; tiếp tục nghiên cứu phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.
Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ và Napas chú ý đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ; đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người sử dụng.
P.C
Xem thêm: 224984VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www