Ngày 15-3, tại tỉnh Bình Định, Bộ GTVT tổ chức bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 cho bốn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Đoạn cao tốc Bắc - Nam này có năm dự án thành phần gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Rút ngắn thủ tục, sớm bàn giao hồ sơ thiết kế
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ngày 11-2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam với một số cơ chế đặc thù. Theo đó, cho phép triển khai đồng bộ một số công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Cụ thể, Bộ GTVT tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB cho địa phương theo từng giai đoạn, cơ bản hoàn thành trước ngày 30-6 để địa phương thực hiện GPMB. Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc.
Đại diện các ban quản lý dự án và các địa phương bàn giao hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam ngày 15-3. Ảnh: TẤN LỘC
Đến nay, Bộ GTVT đã tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, trong đó có nội dung lập hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB bàn giao cho địa phương theo ba giai đoạn để triển khai các thủ tục GPMB, tái định cư.
Ngày 15-3, Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đợt 1 dự án cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, bàn giao 52 km đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang, 34 km đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Trước đó, ngày 13-3 đã bàn giao 47,6 km đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị. Bộ GTVT đặt ra mục tiêu yêu cầu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20-11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II-2023.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, đến nay việc triển khai dự án cơ bản đang bám sát theo kế hoạch. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án còn rất lớn. Đó là thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa hai vụ; lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập, phê duyệt khung chính sách GPMB; giám sát đầu tư cộng đồng; hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
“Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành dự án, cần sự tập trung vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương liên quan mới có thể hoàn thành được các công việc này” - Thứ trưởng Thọ nói.
Đề nghị sớm hướng dẫn chỉ định thầu
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đề nghị hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB phải thật chính xác, tránh điều chỉnh gây ảnh hưởng đến công tác bồi thường GPMB. Lãnh đạo các tỉnh đề nghị Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đến đâu bàn giao ngay đến đó để các địa phương chủ động triển khai ngay, sớm thông báo đến người dân, lập phương án bồi thường, tái định cư…
Lãnh đạo các tỉnh đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường GPMB cao tốc Bắc - Nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng chỉ định thầu các dự án, gói thầu liên quan GPMB, di dời hạ tầng, xây dựng cơ sở hạ tầng để địa phương mạnh dạn thực hiện”.
Các tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT sớm có các số liệu chính xác về đất lúa hai vụ bị ảnh hưởng bởi dự án để các tỉnh trình ra HĐND tỉnh xem xét ra nghị quyết chuyển mục đích sử dụng.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đề nghị các quy định liên quan đến GPMB cần cụ thể hơn để các địa phương dễ thực hiện. Ông Thế đề nghị khảo sát kỹ để thiết kế hệ thống đường gom hợp lý, cần khảo sát kỹ địa hình, thủy văn để thiết kế hệ thống thoát nước ngang hợp lý, tránh để cao tốc thành con đê chắn nước, gây ngập lụt mỗi khi có mưa lớn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng tình với nhiều kiến nghị của các địa phương. Ông Thọ yêu cầu các ban quản lý dự án, các đơn vị thuộc Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện công tác GPMB đúng quy định, đúng tiến độ.
Theo Thứ trưởng Thọ, tất cả dự án liên quan GPMB cao tốc Bắc - Nam đều áp dụng chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ. Ngay trong tuần này, Bộ GTVT sẽ có văn bản hướng dẫn áp dụng chỉ định thầu các gói thầu liên quan GPMB, di dời, xây dựng hạ tầng…
Thứ trưởng Thọ yêu cầu các ban quản lý dự án lập hồ sơ hoàn chỉnh đến đâu bàn giao đến đó. Các đơn vị tư vấn thiết kế phải khảo sát, tính toán kỹ để thiết kế hệ thống thoát nước ngang, hệ thống đường gom hợp lý. Các đơn vị liên quan của Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ về nguồn cung cấp vật liệu để kịp thời phục vụ thi công.•
Đầu tư 729 km cao tốc Bắc - Nam Tại kỳ họp ngày 11-1, Quốc hội đã xem xét thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, có 12 dự án được đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km), Cần Thơ - Cà Mau (109 km) với tổng chiều dài 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, TP. Với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. |