Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011 với tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số, dự kiến 30 năm nữa tỷ lệ người cao tuổi lên đến hơn 20%, tuy nhiên hiện nay hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng được với yêu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Nhìn ở góc độ kinh tế, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để "tìm vàng" trong những người tóc bạc.
Việt Nam hiện có 7,4 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 7,7% tổng dân số; dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên 22,3 triệu (tỷ lệ 20,4% dân số).
Đặc điểm của người cao tuổi ở Việt Nam là nữ nhiều hơn nam, và tỷ lệ người già góa bụa và tình trạng người già sống một mình đang có xu hướng tăng lên. Hơn 72% người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi quy mô gia đình Việt Nam đang có xu hướng chuyển dần từ gia đình truyền thống (tam đại đồng đường) sang gia đình hạt nhân (vợ chồng và con cái). Nhiều người già phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Hình minh họa.
Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều vấn đề. Tuổi thọ trung bình cao so với các nước có cùng trình độ phát triển là (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.
Xã hội phát triển theo hướng hiện đại thì mô hình các gia đình cũng đổi thay theo. Xã hội nông nghiệp có kiểu gia đình truyền thống. Xã hội công nghiệp, nhất là trong điều kiện xã hội thông tin thì có mô hình gia đình hiện đại rất khác so với trước đây. Việt Nam đang chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và chứng kiến sự thay đổi của các mô hình gia đình. Có lẽ rất khó trở về kiểu gia đình tam tứ đại đồng đường như ngày xưa. Gia đình cần biến đổi để thích ứng với xã hội công nghiệp, kinh tế thị trường, đô thị hóa, di cư ngày càng mạnh mẽ.
Bà Naomu Kitaha, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cho biết: "Năm ngoái 2021, chúng tôi đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp đầu tiên bàn về việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Trước đó, VCCI có tiến hành nghiên cứu thị trường và một trong những kết luận của nghiên cứu này là đến năm 2035, sẽ có khoảng 20 triệu khách hàng cho ngành cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi. Như vậy rõ ràng đây là một cơh ội lớn cho khu vực tư nhân.
Sự chuyển đổi nhân khẩu học do "già hóa" dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội như sự tăng trưởng kinh tế; lao động việc làm; chăm sóc y tế; an sinh xã hội; thiết kế hạ tầng. Theo đó, "già hóa" dân số vừa là thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội không nhỏ.
Nhờ kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển, nên tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng chưa giàu đã già và gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi Việt cũng lớn, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Trong khi đó, như chúng ta đều thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chưa đáp ứng được với yêu cầu ngày càng tăng.
Già hóa dân số nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là một thách thức mà còn trở thành cơ hội cho các ngành nghề phục vụ, chăm sóc người cao tuổi. Đây là giai đoạn không thể phù hợp hơn để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra kịp thời các chính sách và các doanh nghiệp chuẩn bị và huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các ngành nghề chăm sóc người cao tuổi nhằm tìm vàng trong kinh tế bạc.
Khách mời tham gia chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 15/3 là bà Bùi Thị Ninh, Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!