Thảo luận tổ ngày 21-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra do các ủy ban của QH đã trình bày hôm khai mạc kỳ họp thứ hai, QH khóa XV. Tựu trung lại đó là việc Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, không né tránh vấn đề và có quan điểm, giải pháp cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới. Ảnh: HOÀNG HẢI
Trên quyết liệt, dưới làm trái: Phải chấn chỉnh
Các ĐB Nguyễn Hòa Bình (Bắc Giang) - Chánh án TAND Tối cao, Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Đồng Ngọc Ba (Bình Định), Trần Văn Khải (Hà Nam), Ngô Trung Thành (Đắk Lắk)… cùng đa số ĐB khác đều thừa nhận Chính phủ đã rất thẳng thắn trong báo cáo.
ĐB Nguyễn Hòa Bình cho rằng dịch COVID-19 bùng phát là giai đoạn khó khăn, làm bộc lộ một số hạn chế trong điều hành, chỉ đạo: “Tôi cho là các hạn chế trong thời gian vừa qua phản ánh trong báo cáo của Chính phủ là rất chính xác. Nhưng đây cũng là phép thử cho năng lực quản trị đất nước, tính hợp lý của hệ thống pháp luật và sức khỏe của nền kinh tế”.
ĐB Trần Văn Khải nói báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các ủy ban thẩm tra đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm trước những khó khăn của đất nước. Các cơ quan cơ bản đã chỉ ra được những hạn chế, mạnh dạn đưa ra các giải pháp để đưa đất nước sớm trở lại bình thường mới.
“Qua báo cáo, chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh của đất nước năm 2021 và dự báo cho 2022. Một gam màu đầy chông gai. QH cần hết sức chia sẻ với Chính phủ và các địa phương đang gồng mình chống dịch” - ĐB Khải nói.
ĐB Trịnh Xuân An cho rằng Chính phủ đã rất khách quan, toàn diện, cung cấp cho các ĐB những góc nhìn hữu ích để thảo luận và góp ý các quyết sách. Theo ĐB An, trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao. “Chúng ta có những tổn thất, không đạt mục tiêu nhưng nếu đi đúng hướng, có sách lược thì sẽ chiến thắng đại dịch và quay lại đà phát triển” - ĐB An nói.
ĐB Đồng Ngọc Ba cũng đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng rất tích cực trong khi vừa chống dịch vừa xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt cho kinh tế - xã hội. Trong vấn đề liên quan đến chống dịch thì QH đã đưa ra các giải pháp tốt, chỉ đạo cho Chính phủ và địa phương thực hiện.
“Tôi quan ngại một vấn đề chủ trương đúng, Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt nhưng thực tế ở một số nơi ra những quy định, biện pháp không phù hợp, thậm chí là trái quy định. Cái này phải chấn chỉnh” - ông Đồng Ngọc Ba nói.
Thận trọng, tránh chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh
ĐB Nguyễn Xuân Phúc (TP.HCM) - Chủ tịch nước, ĐB Vương Đình Huệ (Hải Phòng) - Chủ tịch QH đều cho rằng: Không nên chuyển cực quá nhanh trong chống dịch.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phương thức chống dịch hiện nay đã không còn “zero COVID” mà chuyển sang thích ứng với dịch COVID-19 bằng những phương thức như 5K, vaccine, thuốc…
“Chúng ta không thể bỏ toàn bộ các chỉ thị 15, 16, 19. Chúng ta đừng chuyển từ cực tả sang cực hữu, vấn đề này dẫn đến hậu quả rất xấu cho đất nước. Nói như vậy để không được chủ quan, không đơn giản hóa, thích ứng nhưng phải có kiểm soát tốt, phải đề cao cảnh giác” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước nêu ra những ổ dịch mới vừa diễn ra ở Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ… để nhấn mạnh việc không chủ quan, đề cao cảnh giác. Đồng thời, ông cũng cho rằng không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế - xã hội.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thống nhất xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị, Chủ tịch QH cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh.
Để làm được như vậy, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.
Nhấn mạnh dịch COVID-19 là “chưa có tiền lệ”, Chủ tịch QH cho rằng tình trạng có lúng túng, thiếu nhất quán là có thể chia sẻ được. Quan trọng là rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Cũng theo Chủ tịch QH, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của QH, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước.
Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Cần nguồn lực lớn để phục hồi
ĐB Trịnh Xuân An cho rằng nguồn lực cho phát triển kinh tế để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất là rất cần thiết nhưng điều kiện hiện giờ khó khăn. QH và Ủy ban Thường vụ QH kịp thời đưa ra những nghị quyết để Chính phủ sử dụng các khoản tiền chi phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo ông, nguồn lực vẫn còn nhiều, đủ cơ sở phòng chống dịch.
Theo ĐB An, có thể xử lý nợ đọng thuế, xem xét huy động các nguồn lực khác, khi các địa phương vẫn tăng thu từ đất đai, dầu thô, FDI. Đồng thời đánh giá lại các nguồn lực này để tự tin và truyền sự tự tin này cho nhân dân nhằm vượt qua đại dịch.
ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, đánh giá có cơ sở để đạt mục tiêu tăng GDP 6%-6,5% trong năm 2022. “Vấn đề là phấn đấu có giải pháp thực hiện nào để đạt được mục tiêu này. Chuyện này cần phải bàn, tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là đứt gãy nguồn cung lao động cho doanh nghiệp là mấu chốt ta phải bàn” - ĐB Thành nói.
Chủ tịch QH thì cho rằng một chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể... Trung ương cũng đã thống nhất điều này nhưng để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được nhu cầu và các nguyên tắc là không đơn giản.
“Với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ tính đến việc xin ĐBQH tổ chức thêm kỳ họp bất thường vào tháng 12 để quyết đáp vấn đề này, không để đến tháng 5-2022 sẽ lỡ nhịp” - Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo QH; đặc biệt năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu đến con số 6,5% GDP.
Không để nợ công, bội chi tăng lên quá nhiều Các ĐB đều mong khó khăn qua đi, thuận lợi sẽ đến. Các ý kiến của ĐB đều tâm huyết, sát với tình hình. Các ĐBQH đã chia sẻ với các bộ, ngành và Chính phủ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Đặc biệt, sự phối hợp giữa QH và Chính phủ, giữa các ủy ban và các bộ là rất tốt. Những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và các năm tới cần phải đạt được sự cân đối. Cân đối về nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được bảo đảm nên dù có sự điều chỉnh hay kế hoạch nào thì cũng phải hợp lý. Mục tiêu của chúng ta là vừa phải giải quyết khó khăn trước mắt vừa phải giải quyết các vấn đề về lâu dài. Trung ương cũng yêu cầu dù điều chỉnh gì thì cũng phải trên nền tảng khoa học, thực tiễn, bảo đảm giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài. Chúng ta hướng đến mục tiêu làm sao để nợ công, bội chi không tăng lên quá nhiều. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ. Trước hết vẫn là tập trung chống dịch theo cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vì thời gian vừa qua chúng ta đã dùng các biện pháp hành chính để phòng chống dịch khi chưa có vaccine. Khi chúng ta đã vận động, ngoại giao, mua vaccine và đạt được tỉ lệ phủ vaccine nhất định thì chúng ta đã nới lỏng và thay đổi cách thức phòng chống dịch. Tiếp theo là phải nâng cao năng lực y tế cơ sở, tập trung cho an sinh xã hội, không để dân thiếu ăn, thiếu mặc. Chúng ta sẽ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng chiến lược để góp phần thúc đẩy nền kinh tế, mở rộng không gian phát triển, làm tăng hiệu quả của đầu tư, tạo đà tăng trưởng. Chính phủ cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, không để người dân và doanh nghiệp phiền hà. Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH |