Chiều 21-10, Quốc hội lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Tại tờ trình, Bộ KH&CN nhận định: Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Trong khi đó, những quy định tại Luật SHTT 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; đồng thời chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: TTXVN
Do đó sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam đã tham gia.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ hai điều, nâng tổng số điều của Luật SHTT sau khi sửa đổi lên 232 điều. Dự thảo gồm bảy nhóm chính sách đã được thông qua. Mặt khác, Bộ KH&CN trình dự thảo và xin ý kiến về hai vấn đề sau:
Vấn đề thứ nhất: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách. Đối với vấn đề này, Bộ KH&CN đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.
Đề xuất trên sẽ dẫn đến sửa đổi Điều 86; bổ sung các điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 Luật SHTT như tại các khoản 36, 37, 63, 64 và 65 Điều 1 dự thảo luật. Đồng thời để quy định việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì như trên cũng cần phải sửa đổi quy định liên quan của Luật KH&CN, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 41 để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật SHTT.
Phương án 2: Giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.
Vấn đề thứ hai: Xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Với vấn đề này, Bộ KH&CN đề xuất phương án 1 là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.
Đề xuất này sẽ dẫn đến sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 Luật SHTT (được thể hiện tại khoản 89 Điều 1 dự thảo luật).
Do còn ý kiến khác nhau nên Chính phủ vẫn để phương án 2 là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả hành vi xâm phạm quyền SHTT.