Ngày 15/3 là ngày mong chờ của cả ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý, cho đến các doanh nghiệp, đặc biệt là của khách du lịch quốc tế bởi vì chính thức từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn, trong điều kiện bình thường mới, cả với khách nội địa và khách quốc tế. Ngay trong chiều 15/3, Tổng cục Du lịch, thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo, công bố về việc mở cửa này.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói: "Từ ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam sẽ chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới, mở lại tất cả từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cửa khẩu".
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam cần khai báo y tế, cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid. Bên cạnh đó, cũng cần mua bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19. Về quy định nhập cảnh, sẽ dựa trên hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.
Tại buổi họp báo, Tổng cục Du lịch cũng cho biết: 2 tháng đầu năm nay, lượng khách nội địa đã đạt khoảng 17,6 triệu lượt với tổng thu ước đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng tới trên 300% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, kể từ cuối tháng 11 năm ngoái đến nay, đã thu hút hơn 10.000 lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm: "Đây là con số đáng mừng, là tín hiệu cho thấy, du lịch là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề, tuy nhiên, sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng, nếu chúng ta có phương thức phù hợp".
Hình minh họa.
Trong năm nay, với việc mở cửa hoàn toàn, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 400.000 tỷ đồng.
Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế trước khi chính thức mở cửa từ ngày 15/3. Một trong những vướng mắc lớn nhất khiến du khách vẫn e dè đến với nước ta, đó là về chính sách thị thực thì nay cũng đã được tháo gỡ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 32 về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam, không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh. Như vậy Việt Nam đã khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương sau gần hai năm tạm dừng vì dịch COVID-19.
Việc chính thức công bố mốc thời gian mở cửa, cùng với việc khôi phục chính sách thị thực như trước dịch đã ngay lập tức được các doanh nghiệp du lịch đón nhận. Đến thời điểm này, họ hầu như cũng đã sẵn sàng đón khách.
Doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng đón khách quốc tế
Nhiều doanh nghiệp lữ hành này cho biết, việc Chính phủ có nghị quyết miễn thị thực trở lại cho một số quốc gia trong vòng 3 năm kể từ ngày 15/3 được xem là cú huých tăng tính cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và họ đã bắt đầu có những đoàn khách trong dài hạn.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Chi nhánh Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi đã có khách Dubai, khách UAE, khách châu Âu, châu Mỹ hỏi đặt tour. Dự kiến khách từ thị trường Trung Đông sẽ đến Việt Nam vào tháng 4 còn khách thị trường châu Âu, châu Mỹ tầm quý 3, quý 4".
Vốn là một lựa chọn quen thuộc của nhiều khách nước ngoài khi đến Hà Nội, ngay từ khi có thông tin mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3, khách sạn này đã dành hơn 1 tháng để chuẩn bị hoàn thiện quy trình phục vụ cũng như nâng cấp bảo trì buồng phòng.
Ông Anthony Slewka, Giám đốc Kinh doanh và Truyền thông - Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, cho biết: "Chúng tôi có hai kênh để kết nối khách, một là trực tiếp qua website, hai là các hợp đồng ký kết với các đại lý du lịch. Hiện tại chúng tôi đã có đoàn khách tháng 4,5 và mùa hè. Trước mắt, chúng tôi tập trung vào các khách trong khu vực như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản".
Bà Trần Thị Thái Hà, Trưởng phòng Kinh doanh Tiếp thị, Khách sạn Quân đội, nói: "Để đón khách du lịch trong thời gian tới, khách sạn đã sẵn sàng phục vụ tối đa công suất với 100% nhân sự đã quay trở lại làm việc. Chúng tôi đã mở các lớp tập huấn về nâng cao nghiệp vụ, đào tạo ngoại ngữ tại chỗ cho nhân viên 2 buổi một tuần".
Theo dữ liệu phân tích từ công cụ của Google, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 12 năm ngoái. Đặc biệt, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí có thời điểm tăng trên 400%. Điều này cho thấy, sự quan tâm của khách quốc tế với du lịch Việt Nam là rất lớn.
Nhiều người quan tâm nhưng vẫn còn đắn đo có quyết định đặt tour và mua vé máy bay để đến Việt Nam hay không. Chính vì thế, chúng ta cần có nhiều chính sách hấp dẫn để khách du họ thật sự đặt chân đến nước ta. Nhiều chuyên gia đã hiến kế để thu hút được nhiều nhất khách quốc tế.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam: Khi thị trường tăng trở lại thì nhu cầu tăng rất nhanh. Tôi cho rằng chúng ta phải rất khẩn trương để thực hiện đảm bảo cơ sở hạ tầng, được ưu tiên đầu tư và thu hút các cơ sở tham gia vào đầu tư hạ tầng.
Ông Anthony Slewka, Giám đốc Kinh doanh và Truyền thông - Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi: Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam nên phối hợp chặt chẽ với đại sứ quán các nước để quảng bá rộng rãi hình ảnh tiềm năng du lịch Việt Nam, bên cạnh đó là có nhiều những cuộc xúc tiến kết nối kích cầu du lịch giữa các địa phương nổi tiếng, thuận tiện đi lại giữa các quốc gia.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Trước đây đi du lịch nhóm lớn, giờ du lịch nhóm nhỏ, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Chúng tôi hỗ trợ để xúc tiến các sản phẩm du lịch truyền thống, ngoài ra thì thúc đẩy thêm các sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình hiện tại, ví dụ như tour du lịch đêm Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch nhà tù Hỏa Lò.
Cả ngành du lịch đang rất háo hức sau khi mốc thời gian mở cửa được công bố chính thức. Duy chỉ còn một điểm vẫn đang chờ là hướng dẫn với khách quốc tế nhập cảnh từ Bộ Y tế. Hiện Bộ này cũng đã gửi văn bản khẩn đến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để xin ý kiến. Trong dự thảo gửi đi đã không còn quy định về việc khách phải cách ly sau khi nhập cảnh như góp ý trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.98113533251302202-iom-gnouht-hnib-neik-ueid-gnort-auc-om-cuht-hnihc-teiv-hcil-ud/et-hnik/nv.vtv