Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu cần người lao động của doanh nghiệp cũng như tìm kiếm việc làm của người dân cũng tăng cao. Lợi dụng tâm lý đó, nhiều đối tượng đã giả mạo là người của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Tiki… tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng để nhận hoa hồng. Để rồi sau đó là lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của các nạn nhân.
Dính bẫy hoa hồng
Chị NTL (ngụ Đắk Lắk) cho biết mới đây, điện thoại của chị nhận được tin nhắn của một đầu số lạ với nội dung: “Mình là giám đốc marketing của Shopee, hiện tại cửa hàng của Shopee cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng.
Chỉ cần có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, mỗi ngày bạn có thể kiếm 800.000 đồng và tiền lương sẽ được quyết toán ngay trong ngày. Nếu bạn muốn tham gia công việc vui lòng add tài khoản Zalo qua số điện thoại 84457…”.
Hiện chị L cũng đang thất nghiệp và cần việc làm, thấy công việc cũng nhẹ nhàng, mức thù lao hấp dẫn nên chị đã làm theo hướng dẫn. Ban đầu là kết bạn qua Zalo, đối tượng gửi về một đơn hàng trị giá 300.000 đồng. Sau đó yêu cầu chị L thanh toán trước đơn hàng này để hưởng 10% tiền hoa hồng.
Sau khi thanh toán xong tiền đơn hàng và nhận được 30.000 đồng (tiền hoa hồng) về tài khoản, chị L đã bắt đầu tin và tiếp tục thanh toán những đơn hàng sau đó với giá trị cao hơn (1 triệu đồng, 5 triệu đồng, 20 triệu đồng …).
“Tôi chỉ nhận được tiền hoa hồng ở những đơn hàng nhỏ, những đơn hàng lớn cả chục triệu đồng thì bị đối tượng này đưa ra đủ lý do như: Sai quy trình, tài khoản bị đóng băng phải nạp tiền thêm thì hệ thống mới trả hoa hồng về… Cứ như thế tôi đã vay cả 100 triệu đồng để thanh toán các đơn hàng nhưng vẫn không thấy tiền về. Lúc đó mới nhận ra mình bị lừa” - chị L kể lại.
Cũng với thủ đoạn và hình thức tương tự, anh TVB (ngụ TP.HCM) cho biết sau khi tìm kiếm việc làm trên các trang mạng xã hội, anh được một người nhắn tin để giới thiệu công việc là cộng tác viên cho một sàn thương mại.
Tổng số tiền hoa hồng anh B nhận về sau những lần thanh toán đơn hàng chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng. Kết quả cuối cùng, anh đã bị lừa mất 50 triệu đồng.
Liên quan đến thực trạng trên, mới đây Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã lên tiếng cảnh báo người dân về thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán hàng rồi yêu cầu người dân thanh toán trước một khoản tiền để nhận hoa hồng. Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân cần nêu cao cảnh giác, không nên tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa.
Tìm việc làm ở đâu để không bị lừa
Liên quan đến sự việc nêu trên, đại diện một sàn TMĐT lớn tại Việt Nam cho biết gần đây ghi nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc có người tự xưng là nhân viên của sàn TMĐT tuyển cộng tác viên bán hàng để lừa đảo. Cụ thể, họ sẽ tạo hóa đơn, giả mua hàng để tăng doanh thu rồi được hoàn trả vốn và thêm cả hoa hồng. Những người này tạo thông tin giả mạo doanh nghiệp trên Facebook, Zalo. Sau đó nhắn tin tới các số điện thoại của khách hàng để mời chào tham gia.
Người lao động nên tìm việc làm ở các trung tâm dịch vụ việc làm có uy tín. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Đại diện sàn TMĐT này cũng cho biết thực tế đơn vị không có chính sách như vậy và khuyến cáo người dùng cần tỉnh táo hơn trước những thông tin mời chào như vậy.
Bên cạnh đó, sàn TMĐT Shopee cũng đã liên tục gửi cảnh báo khách hàng không tham gia các hoạt động nạp tiền và hứa hẹn được trả hoa hồng. Cũng như không thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc cung cấp thông tin nào bên ngoài ứng dụng và các website/trang thông tin chính thức của Shopee. Đồng thời nhanh chóng báo cáo với Shopee khi nhận thấy hoạt động nào mà họ cho là đáng ngờ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (YES Center), cho biết khi đi tìm việc, người lao động nên tìm hiểu và cập nhật thông tin việc làm từ những đơn vị giới thiệu việc làm có uy tín. Ví dụ như tại TP.HCM, người dân có thể tìm kiếm việc làm thông qua hai đơn vị là: Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) và YES Center (trực thuộc Thành đoàn TP.HCM).
Ông Sang cũng cho biết người lao động sẽ được tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí tại YES Center. Thông tin về việc làm, mức lương, tiêu chuẩn và cách liên hệ với đơn vị tuyển dụng sẽ được công khai trên trang web tại địa chỉ https://sieuthivieclam.vn. Ngoài ra, người lao động có thể tải ứng dụng “Sieu thi viec lam” trong kho ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hoặc cập nhật thông tin trên trang fanpage Facebook chính thức của trung tâm có tên “Siêu thị Việc làm - YES Center” để tìm kiếm công việc thích hợp.•
Cách thức liên hệ tìm việc làm Người lao động có thể tìm kiếm thông tin việc làm thông qua YES Center tại địa chỉ https://sieuthivieclam.vn; đường dây nóng (028) 1088 nhấn 155. Hoặc đến trực tiếp một trong các địa chỉ sau: - Trụ sở chính: 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM. Số điện thoại: 028.3984.9414. - Văn phòng quận 1: 4A Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Số điện thoại: 0914.296.333. - Bến xe Miền Đông: 292 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Số điện thoại: 0937.929.439. - Bến xe Miền Tây: 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Số điện thoại: 0939.292.135. - Bến xe An Sương: Ấp Đông Lân, quốc lộ 22, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Số điện thoại: 0908.292.914. - Bến xe Ngã Tư Ga: 720 quốc lộ 1A, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Số điện thoại: 0964.767.045. |