Với những người hâm mộ Netflix, bộ phim "Inventing Anna" là một tác phẩm đáng để thưởng thức, tuy nhiên câu chuyện đời thực của thì lại chẳng được lãng mạn như trên phim. Điều thú vị là bộ phim được công chiếu vào ngày 11/2/2022, đúng 1 năm sau ngày nhân vật thực ngoài đời ra tù.
Anna Delvey với tên thật là Anna Sorokin đã ngụy tạo thân phận người thừa kế quỹ tín thác 60 triệu USD cũng như thuộc gia tộc giàu có đến từ Đức để lừa đảo, lợi dụng chiếm đoạt tài sản của toàn bộ giới thượng lưu tại New York, Mỹ.
Theo tờ New York Times, Anna đã sử dụng tên giả nhiều năm trước khi bị bắt giữ vào năm 2017. Cô gái này trà trộn vào giới thượng lưu, tham gia những chuyến du lịch sang chảnh hay tiệc tùng ở khách sạn để rồi "bùng tiền", để lại hóa đơn cho người khác trả.
Anna Sorokin trước toà
Với việc khoác lên mình vẻ ngoài hào nhoáng cũng như việc chụp ảnh hay kết bạn với hàng loạt người nổi tiếng lẫn giàu có, Anna nghiễm nhiên xây dựng thành công được hình ảnh quý tộc cho bản thân để đi lừa đảo. Chuyện tưởng chừng như phi lý này lại có thể thực sự thành công ở New York và vô số người giàu bị Anna dắt mũi.
Sorokin thanh toán mọi thứ bằng những tờ tiền mặt 100 USD, đi chơi với toàn người giàu có và để trí tưởng tượng của họ "lấp đầy phần còn lại".
"Mọi người đã thấy những gì họ muốn xem. Không ai hỏi tôi có bao nhiêu tiền và tôi cũng chưa bao giờ hỏi ai đó có bao nhiêu tiền. Tôi không biết về gia thế của những người này, và tôi cũng không quan tâm", Sorokin nói.
Tiểu thư khách sạn 5 sao
Cô Neffatari Davis, nhân viên của khách sạn 5 sao 11 Howard tại New York đã ngay lập tức chú ý đến Anna lần đầu vào tháng 2/2017 khi được "bo" tới 100 USD chỉ vì hướng dẫn những nhà hàng ngon nhất khu nhà giàu tại thành phố này.
Khách sạn 11 Howard là nơi thường xuyên có người nổi tiếng lưu trú và Anna đặt phòng tới tận 1 tháng nên bị ngộ nhận là người có tiền. Các nhân viên tranh nhau xách hành lý hay phục vụ Anna bởi thói tiêu tiền như nước.
Trong khoảng thời gian ở lại Howard, Anna thường xuyên xuống dưới sảnh tâm sự với Neffatari và dần trở thành bạn thân. Đôi khi, Anna sẽ xuống sảnh và yêu cầu Neff phụ giúp mình khi khách sạn đang đông khách. Khi đó, cô ta sẽ chen ngang hàng ở quầy lễ tân, rút hàng cọc tiền ra và đếm từng tờ một trên quầy cho đến khi Neff buộc phải quay ra giúp Anna, bỏ bê những người khách đang đợi nhận phòng.
Cuộc sống của Anna cũng khiến Neffetari ngộ nhận là người giàu khi cô "tiểu thư" này chỉ biết tiêu tiền mệnh giá 100 USD, phòng thì tràn ngập hàng hiệu. Khi rảnh rỗi, Anna sẽ dẫn Neffetari đi làm đẹp ở các trung tâm đắt đỏ nhất New York. Thậm chí Anna còn chi 45.000 USD để thuê riêng một huấn luyện viên chuyên làm việc với các ngôi sao hàng đầu Mỹ.
Hình mẫu Anna trong bộ phim của Netflix
Tất cả những chi phí trên đều được thanh toán bằng tiền mặt, nhưng nguồn gốc của chúng từ đâu thì Neffetari chẳng bao giờ biết.
Với lối sống như vậy, tất cả mọi người từ bình dân đến thượng lưu đều rơi vào bẫy của Anna. Cô nàng này thường xuyên tổ chức những bữa tiệc tối xa hoa ở nhà hàng Le Coucou và hàng loạt doanh nhân giàu có, vận động viên cũng như người nổi tiếng sẽ tham dự.
Việc Anna tiêu xài rồi di chuyển liên tục giữa các nước khiến nhiều người thắc mắc về nguồn tiền của vị tiểu thư này. Người thì khăng khăng cha Anna là một quan chức ngoại giao, người khác thì khẳng định gia tộc của cô ta là một "người khổng lồ" trong ngành công nghiệp dầu mỏ, thậm chí một triệu phú Đức còn tưởng rằng cô ta đến từ một gia đình quý tộc Đức.
Thế nhưng cho dù lừa đảo thế nào thì Anna cuối cùng cũng lộ tẩy khi có quá nhiều người phải trả hộ hóa đơn hay bị quỵt tiền.
Lộ tẩy
Cách thức lừa đảo của Anna vô cùng đơn giản khi nhắm vào sự ngộ nhận của mọi người về giới thượng lưu và giàu có. Chính quan điểm người giàu là phải chi tiền như rác, luôn song hành cùng giới nổi tiếng hay chi tiền cho các dịch vụ hạng sang đã khiến mọi người lầm tưởng về Anna. Câu chuyện "bởi vì cô ta chơi với 1 người giàu nên có thể cô ta cũng giàu" đã trở thành quân bài lý tưởng cho vụ lừa đảo có phần ngớ ngẩn này.
Ban đầu, Anna cố gắng mở rộng quan hệ trong giới thượng lưu để thực hiện những khoản vay ngắn. Cô đã tạo ra hai danh tính giả là "Peter Hennecke" và "Bettina Wagner", những người sẽ bảo đảm cho tài khoản chính của mình. Cô còn tạo địa chỉ email và sử dụng một ứng dụng giả dạng giọng nói để thuyết phục các quan chức ngân hàng rằng Hennecke và Wagner là có thật.
Bên cạnh đó, Anna còn làm giả ngân phiếu và chuyển 160.000 USD vào tài khoản ngân hàng Citibank để nhận lại 70.000 USD tiền mặt mà cô ta được phép rút theo chính sách ngân hàng. Anna sử dụng khoản tiền này để trả tiền ở khách sạn 11 Howard. Tuy nhiên do không chịu cung cấp thông tin thẻ tín dụng để tiếp tục thanh toán, cô ta đã bị khách sạn đuổi cổ.
Tiếp theo, nhờ quen biết với giám đốc hãng đặt vé máy bay Blade và cái vỏ tiểu thư nhà giàu, cô ta đã đặt vé khứ hồi từ New York đến Omaha mà không phải trả trước 35.390 USD. Anna gửi công ty Blade một tờ biên lai thanh toán giả và khi phát hiện ra mình đã bị lừa, công ty Blade lập tức báo cảnh sát.
Thậm chí, Anna đã từng thuê hẳn một công ty PR để tổ chức tiệc sinh nhật tại 1 nhà hàng 5 sao ở khu nhà giàu New York. Bữa tiệc xa hoa và đông nghẹt những người nổi tiếng, chỉ có điều công ty tổ chức sự kiện đã phải gọi điện đến hàng loạt người tham dự nhằm tìm kiếm chủ bữa tiệc đòi nợ.
Dù đã bắt đầu bại lộ nhưng Anna đã quá quen với lối sống sang chảnh nên cô ta vẫn sử dụng các chiêu trò lừa đảo để hưởng thụ.
Trong một chuyến du lịch Morocco, Anna đã dụ dỗ người bạn đi cùng là Rachel DeLoache Williams trả toàn bộ chi phí trị giá 62.000 USD. Thậm chí cô còn phải trả toàn bộ chi phí mua sắm cho Anna và đến tận bây giờ, khi Anna đã ra tù 1 năm, cô Rachel vẫn chưa nhận hết được tiền đền bù. Xin được nhắc là số tiền 62.000 USD của Rachel tương đương với cả 1 năm lương của cô.
Khi quay về Mỹ, Anna lại giở chiêu bài sử dụng hóa đơn thanh toán giả để quỵt tiền 2 khách sạn 5 sao Beekman cùng với New York Union Square. Do nợ khoản tiền lên đến 11.518 USD, Anna sớm bị đuổi khỏi phòng và 2 khách sạn đã khởi kiện cô ta. Cùng lúc này, Anna cũng bị cảnh sát Manhattan sờ gáy vì tội lừa đảo ngân phiếu.
Ra toà nhưng Anna vẫn phải mặc đẹp
Gái quê nước Đức
Quá trình điều tra của cảnh sát cho thấy Anna chẳng phải quý tộc gì khi sinh ra tại Nga vào năm 1991 nhưng chuyển đến vùng quê nghèo tại Đức năm 2007 để định cư. Bố của Anna từng làm tài xế xe tải, sau đó chuyển sang làm nhân viên công ty vận tải và khi công ty phá sản năm 2013, ông tập trung kinh doanh thiết bị điện.
Dù không muốn tiết lộ tình hình tài chính nhưng theo truyền thông, gia đình Anna chỉ thuộc hàng trung lưu khi đủ điều kiện đầu tư cho cô học ở Anh và cho tiền hỗ trợ khi Anna sang Đức làm việc.
Vào năm 2019, Anna bị tuyên có tội với 6 tội danh lừa đảo và phải chịu mức án 12 năm tù, cũng như phải nộp phạt 24.000 USD và đền bù cho các nạn nhân gần 200.000 USD.
Dẫu vậy tờ New York Times cho rằng số nạn nhân của Anna còn lớn hơn con số công khai rất nhiều lần, tuy nhiên họ không dám trình báo vì cảm thấy xấu hổ khi bị một cô gái quê mùa lừa tiền.
Nhờ cải tạo tốt, Anna được trả tự do vào tháng 2/2021 nhưng cô này lại bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ tạm giam 1 tháng sau đó vì visa hết hạn. Đến ngày 14/3/2022, Anna bị trục xuất về nước, chấm dứt câu chuyện về tiểu thư lừa đảo có 1 không 2 này.
Mặc dù được Netflix thuê để làm nguyên gốc cho bộ phim "Inventing Anna" nhưng toàn bộ số tiền thù lao 320.000 USD sẽ được dùng bồi thường cho các nạn nhân "vị tiểu thư" này.
*Nguồn: NYT
http://tintuc.vdong.vn/03/1273098.htmBăng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị