8h00, đại hội cổ đông chính thức bắt đầu.
Theo thông báo của Ban tổ chức, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) không thể tham gia họp do liên quan đến quy định về phòng chống dịch Covid-19, và ông Vỹ uỷ quyền chủ toạ cho ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Còn theo thông báo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông, cập nhật tại thời điểm 8h30, có các cổ đông đại diện cho 88,28% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, đủ điều kiện để tiến hành đại hội.
ĐHCĐ VIB sáng 16/3
Năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ, lợi nhuận 5 năm tăng trưởng kép tới 63%
Báo cáo tại đại hội về kết quả kinh doanh 2021, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng ngân hàng vẫn đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020 và đạt 106,7% kế hoạch; Vốn điều lệ tăng thêm 40% lên trên 15.500 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 26,5% đạt hơn 309 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 19% - cao hơn so với mức 14% trung bình toàn ngành, trong đó cho vay bán lẻ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và chiếm tỷ trọng 87% tổng dư nợ toàn hàng.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VIB ghi dấu ấn tích cực với mức tăng trưởng 54% so với 2020 nhờ kết quả của chuyển đổi số khi lượng khách hàng tham gia MyVIB và trả lương qua tài khoản tăng mạnh.
Năm 2021, VIB tiếp tục dẫn đầu xu thế thị trường thẻ tín dụng với các sản phẩm lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam. VIB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi hoàn thành 100% quy trình phát hành thẻ tín dụng lên nền tảng số. AI, Bigdata và ngân hàng số trở thành động lực chính của tăng trưởng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động Bancassurance cũng tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường với thị phần tới 12%.
Đặc biệt, năm 2021 là năm kết thúc giai đoạn 1 của hành trình chuyển đổi 10 năm ở VIB (2017 - 2026). Trong 5 năm qua, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức tăng trưởng kép tới 63%, dẫn đầu ngành ngân hàng.
Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 30%, ROE tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng
Năm nay VIB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về Tổng tài sản, Tổng dư nợ tín dụng và Huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
"Lát nữa trong phần thảo luận cũng như phát biểu ý kiến, VIB mong muốn được đại diện NHNN cho ý kiến về vấn đề này" - ông Hàn Ngọc Vũ nói.
Năm 2022, VIB định hướng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hướng tới mục tiêu tiếp tục được duy trì ở mức top đầu toàn ngành, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn về quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế hàng đầu.
Dự kiến chia cổ tức 35% và tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng
Một nội dung quan trọng được thảo luận tại đại hội là năm nay VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và chia cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) tỷ lệ 0,7% từ nguồn vốn chủ sở hữu, trong đó cổ phiếu thưởng cho cổ đông sẽ không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng còn cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên sẽ bị "lock" 1 năm.
Theo lý giải của HĐQT VIB, việc tăng vốn xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo Quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP là nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.
Trong hệ thống, VIB là một trong số những ngân hàng hiếm hoi rất đều đặn chia cổ tức, chia thưởng và ESOP hàng năm cho cổ đông và người lao động.
https://cafef.vn/ngan-hang-dau-tien-to-chuc-dai-hoi-co-dong-du-kien-loi-nhuan-hon-10000-ty-chia-co-phieu-thuong-ty-le-35-20220316080253224.chnTheo Hằng Kim
Nhịp Sống Kinh tế