Giá tăng theo tuần
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ của TPHCM, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng vọt, thậm chí tăng theo tuần.
Chị Kim Duyên - chủ quầy tạp hóa Kim Duyên trong chợ Tân Định (Q.1) - cho biết, nhiều loại dầu ăn đã tăng lên 3.000 - 5.000 đồng/chai loại 1 lít. Các đại lý thông báo sẽ còn một đợt tăng trong tuần này. Theo đó, giá dầu đậu nành Simply lên 62.000 đồng/lít, dầu Neptune lên 60.000 đồng/lít, dầu Cái Lân lên 45.000 đồng/lít. Theo chị Duyên, tết Nguyên đán vừa rồi, giá mỗi chai dầu ăn đã tăng khoảng 10.000 đồng/chai; sau tết, do chính sách giảm thuế VAT 2% nên giá mỗi chai dầu giảm khoảng 1.000 - 1.500 đồng nhưng nay giá tăng lại từ 3.000 - 5.000 đồng/chai. Nếu so với năm 2020 và 2021, hiện giá mỗi chai dầu ăn đã tăng thêm 30 - 45%.
Người tiêu dùng phân vân khi lựa chọn thực phẩm vì phải thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá” Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Giá nước mắm Chinsu tăng thêm 5.000 đồng/chai, giá đường cát trắng từ 220.000 đồng/cây 12kg tăng lên 228.000 đồng/cây. Giá sữa đặc hộp giấy của Vinamilk mỗi tuần đều được thông báo tăng thêm khoảng 15.000 đồng/thùng 12 hộp, từ ngày 24/2 đến nay, đã tăng từ 675.000 đồng/thùng lên 744.000 đồng/thùng, tương đương mức tăng 6.000 đồng/hộp. Riêng sữa tươi Vinamilk thì chỉ tăng giá khoảng 1.000 đồng/hộp loại 1 lít.
Giá các loại thực phẩm khô cũng tăng mạnh, nhất là với các loại được vận chuyển từ những địa phương xa. Hiện giá tỏi cô đơn tăng từ 95.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg, giá trứng gà công nghiệp từ 20.000 đồng/chục lên 28.000 đồng/chục, giá gạo từ 20.000 đồng tăng lên 40.000 đồng/bao 10kg.
Giá bao ni-lông, muối ăn đều tăng với lý do giá xăng dầu tăng khiến giá cước vận chuyển tăng. Bột giặt, dầu xả, dầu gội, sữa tắm… cũng được các đại lý thông báo tăng giá từ 10 - 20%. Bà Nguyễn Bính - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Nguyễn Bính - thông tin: “Hiện giá gạo dùng để sản xuất bún tươi, bún khô đều tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Giá nhiên liệu để sản xuất, giá bao bì đựng bún, phí vận chuyển đều tăng. Chúng tôi chưa tăng giá bán sản phẩm nên hầu như không có lãi”.
Do nhiều mặt hàng tăng giá, chủ các dịch vụ ăn uống cũng tăng giá bán bún, phở, hủ tíu, cơm… từ 5.000 - 10.000 đồng/phần. Một số quán giữ giá như cũ nhưng lại giảm lượng thịt, cá, tôm trong mỗi phần ăn.
Thắt lưng buộc bụng
Theo tính toán của một số bà nội trợ, với tình trạng vật giá leo thang, số tiền chi tiêu ăn uống cho gia đình khoảng 4 - 5 thành viên đã tăng lên thêm ít nhất từ 700.000 đến 2 triệu đồng/tháng trong khi thu nhập thực tế lại không tăng, thậm chí giảm. Do vậy, không còn cách nào khác, nhiều người phải tìm cách giảm chi tiêu.
Người tiêu dùng ngày càng phải thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá” - ẢNH: NGUYỄN CẨM |
Chị Thu Nga (Q.12, TPHCM) cho biết, bốn người trong nhà chị đã quyết định bỏ bữa ăn sáng, chuyển sang ăn trưa sớm hơn, tiết kiệm được hơn 100.000 đồng/ngày, tức 3 triệu đồng/tháng. Chị Ngọc Giang (Q.Gò Vấp, TPHCM) thì chỉ đi chợ mỗi tuần một lần thay vì 2 - 3 lần như trước đây. Nhà chị ăn rau xanh, cá, tôm tươi trong các ngày đầu tuần, ăn củ, quả, thịt vào các ngày giữa và cuối tuần nên vẫn đảm bảo dinh dưỡng, lại tiết kiệm được ít nhất 30% tiền chợ mỗi tuần. “Trước đây, tiền chợ mỗi tuần 1,4 triệu đồng, nay giảm còn đúng 1 triệu đồng, tiết kiệm được 400.000 đồng. Mình cũng tính toán, co kéo dữ lắm mới được như vậy”, chị Giang nói.
Các bà nội trợ còn lập hội nhóm trên mạng, chia sẻ nhau thông tin sản phẩm giảm giá để các thành viên trong nhóm tham khảo, mua sắm tiết kiệm. Không ít chị em còn rủ nhau gom đơn mua sỉ hàng ở siêu thị, chợ đầu mối để có giá tốt hơn. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi thì chọn cách tiết kiệm những khoản chi tiêu khác, như mua cà phê về nhà tự pha uống thay vì ra quán, đi xe buýt, xe đạp để giảm tiền xăng, dùng quạt thay máy lạnh để giảm tiền điện…
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nhân viên văn phòng đang tận dụng các chương trình ưu đãi của ví điện tử, thẻ tín dụng để được giảm giá, hoàn tiền. Chị Hồng Phương (Q.3, TPHCM) kể, khoảng một năm nay, chị tăng cường thanh toán tiền điện, nước, mua sắm bằng ví điện tử để tăng điểm tin cậy trên ví, từ đó nhận được nhiều ưu đãi. Như trong tháng Ba này, chị được ví điện tử Momo tặng một thức uống miễn phí tại Circle K, thẻ giảm 30.000 đồng cho các hóa đơn khi mua cà phê, trà sữa, thức ăn nhanh, giảm được 25.000 đồng khi mua sản phẩm tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi, giảm 10.000 đồng khi nạp các dịch vụ 3G/4G…
Chị Ngọc Thủy - nhân viên kế toán của một doanh nghiệp đóng tại Q.Gò Vấp, TPHCM - cho hay, bây giờ, chị quan tâm truy cập vào các ứng dụng ngân hàng để tìm hiểu các chương trình ưu đãi rồi so sánh với kế hoạch chi tiêu trong tháng. Ví dụ, nếu tháng đó cần đóng học phí cho con, chị chọn loại thẻ hoặc mượn thẻ của bạn để được hoàn tiền 6%. Có nhu cầu mua sản phẩm điện máy, chị cũng thanh toán bằng thẻ tín dụng để giảm được 1 triệu đồng/sản phẩm. Khi ăn uống bên ngoài, chị cũng chọn hệ thống mà thẻ tín dụng đang dùng có chương trình giảm giá 10 - 20%, được hoàn tiền. “Hiện các thẻ đều miễn phí sử dụng 45 - 55 ngày. Tôi sẽ tranh thủ thanh toán trước hạn để không phát sinh lãi. Việc thanh toán các thẻ này qua ứng dụng ngân hàng đều miễn phí, còn qua ví điện tử cũng chỉ tốn vài ngàn đồng/giao dịch” - chị Thủy kể.
Siêu thị cố kìm giá Ông Lê Hữu Tình - Quản lý cấp cao marketing Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản thương mại Thadico (sở hữu Emart) - cho biết, Emart vẫn chưa tăng giá các sản phẩm do giá bán đã được thỏa thuận từ trước với nhà cung cấp, ổn định thường từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh khiến siêu thị sẽ khó giữ giá như cũ. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail - thông tin hiện siêu thị và nhà cung cấp vẫn đang thỏa thuận để đưa ra mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Đại diện MM Mega Market cho hay đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Đại diện AEON Việt Nam, ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng thực phẩm - cho biết doanh nghiệp này đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp. Cụ thể, có khoảng 5% số nhà cung cấp đề xuất tăng từ 5 - 10% giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn…). “Chúng tôi vẫn đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng”, ông Bùi Trung Chính chia sẻ. Cũng theo ông Chính, việc xăng dầu tăng giá cũng thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng: chú trọng các sản phẩm nhu yếu phẩm và hạn chế đối với nhiều mặt hàng không thiết yếu… Giữ nguyên giá hàng trong chương trình bình ổn giá Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM - thời gian qua, nhiều yếu tố tác động vào chi phí sản xuất dẫn tới áp lực tăng giá cả hàng hóa. TPHCM có chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp cũng đã cam kết bình ổn giá một tháng trước và sau tết nên vẫn giữ mức giá bình ổn; giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn ổn định đến hết tháng 3/2022. Tuy nhiên, dự kiến đến hết tháng 3/2022, các doanh nghiệp trong chương trình có thể đề xuất việc điều chỉnh giá cả hàng hóa trên cơ sở chứng minh được chi phí đầu vào tăng. Không nên bơm tiền Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) - vai trò của Nhà nước trong việc bình ổn giá rất có ý nghĩa và hết sức cần thiết, nhưng cũng không nên lạm dụng việc trợ giá vì như vậy sẽ không đúng quy luật thị trường. Chúng ta có chính sách về trợ giá trong quỹ bình ổn xăng dầu, hoặc thuế, phí nằm trong giá xăng, cần có biện pháp kịp thời để rút quỹ ra góp phần làm cho giá xăng dầu không tăng quá đột ngột, gây những ảnh hưởng bất thường cho sản xuất và tiêu dùng chứ không nên bơm tiền vào để trợ giá, trợ cấp. Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt giá hàng thiết yếu Tại cuộc họp về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, sắt thép, phân bón, nông sản, vật tư y tế…) chiều 14/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, không để xăng dầu thẩm lậu qua biên giới. Theo đại diện Bộ Tài chính, mặt bằng giá trong nước cơ bản vẫn được kiểm soát nhưng giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Những ngành hàng đang chịu áp lực tăng giá là vận tải hành khách, hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước. Giá thép xây dựng cũng có thể tăng do chi phí nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi các công trình trọng điểm được triển khai. |
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.2929541a-aig-oab-court-ueit-ihc-tahc-taht-gnud-ueit-iougn/nv.moc.enilnounuhp.www