Son thường theo dõi biểu đồ theo dõi tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) 4 lần/ngày. Đó là chìa khóa giúp ông "hồi sinh" sau khi mất 70 tỷ USD trong sự kiện bong bóng dotcom. Năm ngoái, mọi hoạt động của SoftBank vẫn còn rất thuận lợi, khi đi vay bằng cách thế chấp những khoản đầu tư công nghệ sinh lời lớn như Alibaba và đổ tiền vào những công ty mới nổi nhiều tiềm năng. Ngay cả khi đối diện với những khoản đầu tư thất bại - Wirecard hay Greensill Capital, lợi nhuận ở những nơi khác cũng giúp họ "chôn vùi" khoản lỗ.
Song, thời gian gần đây, những vấn đề đáng lo ngại ngày một chồng chất.
Khoản nợ đáng lo ngại
Từ việc Trung Quốc siết chặt quy định với các công ty công nghệ cho đến căng thẳng Nga - Ukraine, lạm phát cùng vô số vấn đề đã trở thành những "đám mây đen" đối với Son và công ty của ông. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SoftBank đã mất gần 60% giá trị và biểu đồ LTV mà ông theo dõi sát sao vẫn tiếp tục tăng cao hơn. Khoản nợ ròng của SoftBank ngày càng lớn so với giá trị vốn cổ phần của các công ty mà họ hậu thuẫn. Một số chuyên gia thị trường đang nhận thấy SoftBank đối diện nguy cơ cao bị margin call.
Tomoaki Kawasaki - nhà phân tích cấp cao của Iwai Cosmo Securities, nhận định: "Thời điểm hiện tại không có tin tức tốt lành nào cho SoftBank. Nếu họ được yêu cầu phải tăng tài sản thế chấp, thì nhà đầu tư cần thận trọng hơn trước những rủi ro tài chính mà công ty phải đối mặt."
Son hiểu rõ rằng đây là thời điểm đầy khó khăn. Hồi tháng 2, ông cho biết SoftBank đang ở "giữa cơn bão mùa đông". Giá trị ròng của các tài sản mà công ty sở hữu đã giảm 1,55 nghìn tỷ yen (13 tỷ USD) xuống còn 19,3 nghìn tỷ yen trong 3 tháng, tính đến hết tháng 12.
Kể từ thời điểm đó, một loạt tin dữ đã tìm đến SoftBank. Thị trường IPO - đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của SoftBank, nay đã "mất nhiệt". Cổ phiếu Didi Global giảm kỷ lục 44% vào thứ Sáu tuần trước sau khi công ty tạm ngừng việc chuẩn bị niêm yết ở Hong Kong. Một dấu hiệu mới nhất cho thấy SoftBank đang thiếu tiền mặt đó là Vision Fund đã bán 1 tỷ USD cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc - Coupang, vào tuần trước.
Amir Anvarzadeh - chiến lược gia về vốn cổ phần Nhật Bản tại Asymmetric Advisors, cho biết: "Triển vọng niêm yết và bức tranh vĩ mô của các khoản đầu tư của SoftBank có vẻ không mấy khả quan. Việc những khoản đầu tư chứng kiến giá trị sụt giảm, như Alibaba, có thể khiến SoftBank gặp rủi ro margin call."
Son đã giải thích cho các nhà đầu tư về cách ông kiểm tra LTV vài lần 1 ngày. Thước đo này đã tăng lên 22% vào cuối năm ngoái từ mức 8,8% vào tháng 6/2020. SoftBank đặt mục tiêu giữ tỷ lệ này dưới 25%. Tuy nhiên, với việc đi vay nợ ngày càng nhiều, cùng cổ phiếu Alibaba và SoftBank cùng sụt giảm, thì LVT đã bị đẩy lên cao hơn trong năm nay.
S&P Global Ratings ước tính LVT của SoftBank đã đạt 29%, theo nhà phân tích tín dụng cấp cao Sharon Chen của Bloomberg Intelligence. Nếu vượt mức 40%, thì nhiều khả năng SoftBank sẽ bị hạ cấp so với xếp hạng BB+ hiện tại.
Mạng lưới đi vay chằng chịt của SoftBank
Công ty Nhật Bản này vốn phụ thuộc vào việc huy động "vốn tự thân" để duy trì tốc độ đầu tư và mua cổ phiếu quỹ. Nhà phân tích Atul Goyal của Jefferies dự đoán vào tháng trước rằng SoftBank sẽ cần tới 45 tỷ USD tiền mặt trong năm nay, đồng thời nói thêm rằng họ có thể phải bán cổ phiếu Alibaba để đạt được mục tiêu này.
Từ lâu, SoftBank đã thực hiện hình thức huy động vốn bằng tài sản - vốn có chi phí thấp hơn so với các kiểu tài trợ khác. Tại đó, họ phải cầm cố tài sản để có tiền mặt, đầu tư vào những startup ở giai đoạn đầu và sử dụng hợp đồng kỳ hạn thanh toán trước (prepaid forward contract) - SoftBank sẽ nhận được khoản tiền trả trước cho số cổ phần được bán trong tương lai.
Tính đến tháng 12, tập đoàn này đã cầm cố hơn 1 nửa cổ phần của mình trong Alibaba, T-Mobile, Deutsche Telekom và mảng viễn thông của SoftBank. Hoạt động huy động vốn bằng cách cầm cố tài sản chiếm tới 54 tỷ USD trong số tổng giá trị nợ của tập đoàn là 128 tỷ USD, theo phân tích của BI. Do đó, họ phải tiếp tục huy động vốn và sự phức tạp này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không mấy hài lòng.
Chỉ 3 trong số 23 các doanh nghiệp được chứng kiến cổ phiếu tăng giá trị.
Mạng lưới huy động vốn của Son nay đã vượt ra ngoài phạm vi công ty. Bản thân Son còn có một số khoản vay riêng bằng cách cầm cố cổ phần của ông trong SoftBank với trị giá 5,7 tỷ USD cho 18 nhà băng gồm Bank Julius Baer & Co., Mizuho Bank Ltd. và Daiwa Securities Group Inc. Để mua cổ phần trong T-Mobile, SoftBank đã cho Marcelo Claure - cựu CEO công ty này, vay 515 triệu USD.
SoftBank có thể thực hiện nhiều hình thức huy động vốn nhưng họ vẫn là một công ty đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và Son đã thực hiện một loạt các vụ đặt cược có lợi nhuận khủng. Năm ngoái, tập đoàn này báo lãi lớn chưa từng có và cổ phiếu cũng tăng lên mức cao kỷ lục. Việc Coupang và DoorDash niêm yết đã giúp bù đắp khoản lỗ từ WeWork, Greensill Capital và Wirecard.
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận lại u tối hơn trong năm nay. Alibaba - khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank, đã mất 35% giá trị trong năm nay, trong khi cổ phiếu SoftBank cũng sắp chạm mức giá thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ 3 trong số 23 cổ phiếu được SoftBank hậu thuẫn, niêm yết vào năm 2021 đã giảm xuống mức thấp hơn so với giá IPO. Hơn nữa, chi phí đảm bảo để không xảy ra tình trạng vỡ nợ của công ty đã tăng hơn gấp đôi.
"Mùa xuân sẽ đến"
Dẫu vậy, 18 trong số 20 nhà phân tích được Bloomberg theo dõi vẫn đưa ra khuyến nghị mua với cổ phiếu SoftBank, bởi đây công ty vẫn còn nhiều tiềm năng.
Hơn nữa, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, SoftBank cũng không có ý định thay đổi chiến lược. Sau khi trả khoản vay 10 tỷ USD được thế chấp bằng cổ phiếu Alibaba, công ty đã thu xếp trả khoản nợ 6 tỷ USD vào tháng 12. Tháng trước, công ty đã kêu gọi đợt cho vay 8 tỷ USD để đầu tư cho thương vụ niêm yết của hãng thiết kế chip Arm.
Son cũng lạc quan rằng, "mùa đông" sẽ sớm kết thúc. Ông nói: "Không sớm thì muộn, mùa xuân sẽ đến và chúng ta đang tiếp tục gieo hạt. Những hạt giống đang nảy nở một cách ổn định."
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/03/1273325.htm