Tờ Bloomberg đưa tin, trong ngày Masayoshi Son - nhà sáng lập tỷ phú của SoftBank Group Corp luôn dành thời gian để kiểm tra một biểu đồ. Sau đó vào một lúc khác, ông lại xem một lần nữa.
Thời gian gần đây, biểu đồ chỉ có một hướng duy nhất là: Đi lên.
Tuy nhiên, đó không phải là biểu đồ về giá cổ phiếu Softbank - thứ đang bị giảm giá mạnh. Tài sản của Son cũng vậy - hiện chỉ vào khoảng 13,5 tỷ USD. Con số này đã giảm 25 tỷ USD trong năm qua, theo tính toán của Bloomberg.
Biểu đồ chỉ có một hướng đi lên kể trên là "tỷ lệ cho vay trên giá trị" của SoftBank. Được biết, Son phải kiểm tra biểu đồ này bốn lần một ngày. Đó là chìa khóa cho cách ông chuẩn bị cho sự trở lại của mình trong hai thập kỷ qua sau khi mất 70 tỷ USD trong giai đoạn dot-com.
Chỉ trong năm ngoái, vay nợ dựa trên những khoản đầu tư sinh lời cực kỳ hấp dẫn của mình tại các công ty công nghệ như Alibaba Group Holding vẫn tăng cao và tiền đổ vào các công ty mới nổi đầy hứa hẹn trong tương lai cũng vẫn nhiều. Ngay cả khi có những thất bại tồi tệ như việc đầu tư vào Wirecard AG hoặc Greensill Capital thì lợi nhuận ở những nơi khác vẫn đủ sức chôn vùi vấn đề.
Tuy nhiên, gần đây, các vấn đề vẫn trở nên tồi tệ.
Từ việc chính phủ Trung Quốc trấn áp lĩnh vực công nghệ trong nước đến xung đột Nga vào Ukraine cùng lạm phát tăng cao, tất cả những rắc rối này đang bủa vây Son và tập đoàn Softbank.
Cổ phiếu công ty này đã giảm gần 60% trong năm qua và biểu đồ cho vay theo giá trị mà Son ám ảnh hàng ngày vẫn tiếp tục tăng cao hơn, cho thấy nợ ròng của SoftBank đang trở nên chênh lệch so với giá trị vốn chủ sở hữu. Một số nhà quan sát thị trường đang đánh dấu rủi ro của các lệnh gọi ký quỹ.
Tomoaki Kawasaki, nhà phân tích cấp cao của Iwai Cosmo Securities Co cho biết: "Không có tin tốt nào có thể nhìn thấy được cả. Nếu họ được yêu cầu tăng tài sản thế chấp, điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư phải thận trọng hơn với những rủi ro tài chính mà công ty phải đối mặt".
Bản thân Son, 64 tuổi cũng thừa nhận đây là những thời điểm khó khăn.
Vào tháng 2, ông mô tả SoftBank đang ở "giữa một cơn bão mùa đông" và thông báo giá trị ròng tài sản của công ty giảm tới 1,55 nghìn tỷ yên (13 tỷ USD) xuống chỉ còn 19,3 nghìn tỷ yên trong 3 tháng đến hết tháng 12.
Kể từ đó, mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Thị trường IPO - vấn đề quan trọng đối với thành công của SoftBank cũng diễn biến xấu. Didi Global đã chứng kiến cổ phiếu giảm kỷ lục 44% vào thứ sáu sau khi công ty dịch vụ gọi xe này tạm ngừng chuẩn bị niêm yết tại Hồng Kông. Dấu hiệu mới nhất cho thấy SoftBank đang thiếu tiền mặt là Quỹ Vision của họ đã bán 1 tỷ USD cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang vào tuần trước.
Amir Anvarzadeh, chiến lược gia về vốn cổ phần tại Asymmetric Advisors cho biết: "Bức tranh vĩ mô về các khoản đầu tư và triển vọng niêm yết của SoftBank có vẻ không tốt". Ông nói thêm, giá trị sụt giảm của các khoản đầu tư, chẳng hạn như Alibaba, khiến công ty gặp rủi ro lớn.
Son đã giải thích cho các nhà đầu tư cách ông kiểm tra tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) của SoftBank nhiều lần một ngày. Phương pháp này, được tính bằng cách khoản tiền cần vay cho giá trị của tài sản, đã tăng lên 22% vào cuối năm ngoái từ mức 8,8% vào tháng 6/2020.
Tập đoàn đặt mục tiêu giữ tỷ lệ này dưới 25%. Nhưng sự gia tăng vay nợ, cùng với sự sụt giảm của cổ phiếu Alibaba và SoftBank, đã đẩy tỷ lệ này lên cao hơn trong năm nay.
S&P Global Ratings thì ước tính tỷ lệ này là 29% trong một cuộc họp ngày 7/3, theo nhà phân tích tín dụng cấp cao Sharon Chen của Bloomberg Intelligence (SoftBank bao gồm các khoản cho vay ký quỹ trong tính toán LTV còn S&P Global Ratings thì không). Nếu vượt quá 40%, điều đó có thể kích hoạt khả năng bị hạ cấp so với xếp hạng BB + hiện tại.
Softbank vốn phụ thuộc vào nguồn tài chính để duy trì tốc độ đầu tư và hỗ trợ chương trình mua lại cổ phiếu của mình. Nhà phân tích Atul Goyal của Jefferies dự đoán vào tháng trước rằng họ sẽ cần tới 45 tỷ USD tiền mặt trong năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng họ có thể sẽ bán cổ phiếu của Alibaba để đáp ứng nhu cầu.
SoftBank từ lâu đã dựa vào hình thức cấp vốn dựa trên tài sản, vốn rẻ hơn so với các hình thức cấp vốn khác. Điều này bao gồm việc cầm cố tài sản để đổi lấy tiền mặt để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu và sử dụng hợp đồng kỳ hạn trả trước - nơi SoftBank nhận tiền trả trước cho một lần bán cổ phần nắm giữ trong tương lai.
Tính đến tháng 12, họ đã thế chấp hơn một nửa cổ phần của mình tại Alibaba, T-Mobile US, Deutsche Telekom AG và đơn vị viễn thông SoftBank Corp. theo một phân tích của BI.
"Softbank phải tiếp tục huy động tài chính và sự phức tạp trong cách họ làm có lẽ là điều khiến mọi người băn khoăn", tờ BI nhận định.
Tình hình huy động vốn của cá nhân Son thậm chí còn phức tạp hơn rất nhiều.
Son có một số khoản vay cá nhân gắn liền với cổ phiếu công ty thuộc dạng lớn nhất trên hành tinh. Ông cầm cố cổ phiếu trị giá 5,7 tỷ USD cho 18 đơn vị cho vay bao gồm Ngân hàng Julius Baer & Co., Mizuho Bank Ltd. và Daiwa Securities Group Inc.
Một đại diện của SoftBank cho biết công ty không bình luận về tài chính cá nhân của Son.
Để giúp tài trợ cho cổ phần của T-Mobile, SoftBank đã cho Marcelo Claure, cựu giám đốc điều hành, người đã từ chức vào tháng Giêng vì tranh chấp bồi thường với Son, vay 515 triệu USD.
SoftBank có thể khai thác nhiều loại hình tài trợ vốn, nhưng chủ yếu vẫn là một công ty đầu tư công nghệ và Son đã thực hiện một chuỗi các vụ đặt cược sinh lời cực lớn.
Năm ngoái, Softbank đã báo cáo lợi nhuận hàng quý lớn nhất từ trước đến nay cho một công ty Nhật Bản và cổ phiếu của công ty này đã tăng lên mức kỷ lục. Việc Coupang và nền tảng giao hàng DoorDash IPO thành công đã giúp bù đắp khoản lỗ từ WeWork, Greensill Capital và Wirecard - hai công ty sau này đã sụp đổ vì bê bối gian lận.
Nhưng sẽ khó hơn cho Son để đạt được lợi nhuận. Alibaba, khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank, đã mất 35% giá trị trong năm nay. Chỉ ba trong số 23 cổ phiếu mà Softbank đầu tư niêm yết vào năm 2021 đã giảm xuống dưới mức giá IPO.
Bất chấp chuỗi tin xấu, 18 trong số 20 nhà phân tích được Bloomberg theo dõi khuyến nghị "mua" với cổ phiếu Softbank. Trong khi môi trường đầy thách thức khiến việc dự đoán thời gian của kế hoạch mua lại và các khoản đầu tư vào Quỹ Vision 2 trở nên khó khăn hơn, "chúng tôi không thấy có khủng hoảng", Kirk Boodry, một nhà phân tích tại Redex Research đánh giá.
SoftBank thì vẫn không thay đổi chiến lược. Sau khi hoàn trả khoản vay 10 tỷ USD được đảm bảo bằng cổ phiếu của Alibaba, công ty đã thu xếp khoản nợ mới 6 tỷ USD vào tháng 12.
Hơn nữa, Son vẫn lạc quan rằng mùa đông sẽ sớm kết thúc.
"Không sớm thì muộn chúng ta sẽ thấy mùa xuân và chúng ta sẽ tiếp tục gieo hạt", ông nói vào tháng hai. "Cứ bình tĩnh, hạt giống đang lớn dần".
Nguồn: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/03/1273340.htmVân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị