Theo tạp chí TIME, thông thường, các tập đoàn khi làm kinh doanh với các quốc gia bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ sẽ phải vạch rõ ranh giới giữa vấn đề thương mại và vấn đề chính trị.
Ông Mark Weil, CEO của tập đoàn TMF cho biết: “Nếu tôi nói tôi không thích chính phủ hay hành động của một nhà nước nào đó, thì chúng tôi sẽ chẳng thể kinh doanh ở đâu”.
Bên cạnh đó, thương mại giữa các quốc gia mang đến hòa bình và thịnh vượng, vì vậy những tham gia vào lĩnh vực này tự cho mình là người tốt.
Ông Weil cho biết công ty của ông cung cấp các dịch vụ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Nga và Ukraine.
Nhưng những tính toán này đã thay đổi kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2. Các nước NATO và những người anh em phương Tây nhanh chóng giáng một loạt các hình phạt tài chính và kinh tế chưa từng có đối với Moscow.
Chỉ trong vài ngày, các công ty năng lượng, công ty thẻ tín dụng, công ty truyền thông, công ty quản lý, công ty công nghệ khổng lồ và cả ngân hàng đều tuyên bố rút khỏi thị trường Nga.
Ông Al Kelly, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Visa phát biểu sau khi ra quyết định ngừng kinh doanh ở Nga: “Chúng tôi buộc phải hành động sau cuộc tấn công vô cớ và những sự kiện không thể chấp nhận được tại Ukraine”
Trong một email gửi đến các đối tác nhượng quyền và nhân viên về việc tạm thời đóng cửa tất cả các nhà hàng, Giám đốc điều hành McDonalds Chris Kempczinski cho biết công ty “không thể bỏ qua sự đau khổ của con người đang diễn ra ở Ukraine”.
Tập đoàn trở thành người lính
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp quyết định rời khỏi Nga trước khi chính phủ yêu cầu.
Ông Juan Zarate, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Tôi ngạc nhiên về phạm vi và quy mô của những gì khu vực tư nhân đã làm. Ngay cả trước khi các biện pháp trừng phạt thực sự có hiệu lực, doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra quyết định thoái vốn, rút các khoản đầu tư”.
Trong khi các doanh nghiệp ngày càng quen với việc giảm thiểu rủi ro hoặc tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt quốc tế, cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra một mức độ khác về hành vi của doanh nghiệp.
Ông Daniel Tannebaum, Trưởng bộ phận cấm vận toàn cầu tại Oliver Wyman cho biết: “Tôi đã dành khá nhiều thời gian trong sự nghiệp của mình để giải quyết các lệnh trừng phạt, và chúng tôi chưa thấy điều gì tương tự như việc các doanh nghiệp đang làm”.
Có lẽ sự ra đi đáng chú ý nhất là của các công ty năng lượng đã đầu tư rất nhiều tiền vào quan hệ đối tác với Nga và cũng là một trong những người đầu tiên tuyên bố rút lui.
Ông Zarte nói: “Việc rút lui của IKEA không có gì đáng ngạc nhiên đối với tôi. Nhưng BP và Shell và Exxon? Nga là một đối tác lớn, một người chơi lớn trên thị trường năng lượng, đó là một vấn đề lớn”.
Ông Bryan Early, phó trưởng khoa nghiên cứu tại Đại học Chính sách và Các vấn đề Công Rockefeller cho biết bởi “các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ hiệu quả hơn khi chúng được áp dụng cùng nhau, gây tác hại lớn ngay lập tức, trái ngược với các biện pháp theo kiểu leo thang dần dần”.
Càng nhiều doanh nghiệp rút lui, thì ý nghĩa kinh tế càng giảm đối với công ty còn lại. Chi phí kinh doanh ở Nga tăng lên. Khó tìm thấy hàng hóa và dịch vụ cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh. Số khách hàng ngày càng ít đi.
Tương lai của chiến tranh
Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Zarate nói: “Tôi nghĩ chúng ta chưa biết rõ được những ảnh hưởng của việc doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chiến tranh”.
Trưởng bộ phận cố vấn toàn cầu tại Oliver Wyman ông Tannebaum cho biết, với tư cách là cố vấn cho các công ty dịch vụ tài chính lớn, chủ yếu vẫn đang kinh doanh ở Nga, ông đang thảo luận rất nhiều về động thái và kết quả nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Một kết quả chắc chắn là Nga sẽ bị cô lập từ Phương Tây hơn bao giờ hết. Ông Zarate nói: “Chúng ta đã đẩy nhanh sự cô lập của một nền kinh tế toàn cầu lớn theo cách chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Sự cô lập này có thể khiến cuộc chiến ở Ukraine của Nga trở nên khó khăn về mặt hậu cần, tài chính và chính trị”.
Nhưng ngược lại, sự cô lập này cũng có thể khiến các doanh nghiệp Nga tìm kiếm đối tác thương mại ở những nơi khác, đặc biệt là Trung Quốc. Hai ngân hàng chính của Nga, Sberbank và Tinkoff Bank đang xem xét sử dụng thẻ được cung cấp bởi hệ thống UnionPay của Trung Quốc sau khi bị Mastercard và Visa chấm dứt dịch vụ.
Một liên minh Trung - Nga nồng ấm hơn có thể đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực và thương mại toàn cầu.
Nhưng các nhà phân tích vẫn còn nghi ngờ. Ông Tannebaum nói: “Cho đến nay, Trung Quốc không lên án hay tán thành các hành động ở Ukraine".
Những nhà ngoại giao mới
Khi thế giới kinh doanh bắt đầu thể hiện khả năng ngoại giao của mình, các nhà ngoại giao và chính khách nhận thấy rằng họ có ít tác động và kiểm soát hơn so với trước đây.
Ông Zarate nói: “Khu vực tư nhân hiện có tiếng nói trong vấn đề này và là tác nhân chính dẫn đến sự cô lập của nền kinh tế Nga”.
Ngay cả khi các nước đạt được một thỏa thuận nào đó ở Ukraine, nhiều công ty có thể sẽ không lựa chọn tái đầu tư vào Nga.
Ông Zarate nói thêm: “Các nhà ngoại giao không kiểm soát việc ra quyết định của Hội đồng quản trị McDonalds hoặc Giám đốc điều hành của BP”.
Đối với các CEO và hội đồng quản trị, câu hỏi là liệu các nhà lãnh đạo đã tạo tiền lệ khiến những cân nhắc đạo đức trong tương lai về nơi kinh doanh trở nên phức tạp hơn hay không. Nếu các công ty sẵn sàng đứng ra đại diện cho người Ukraine, thì tại sao họ không chuẩn bị để thay mặt người Duy Ngô Nhĩ, người Rohingya, hoặc các dân tộc khác?
Xem thêm: mth.36291031251302202-iam-iam-iod-yaht-hnart-neihc-hnil-iougn-hnaht-ort-naod-pat-cac/nv.zibmanteiv