Phó thủ tướng Lê Văn Thành - Ảnh: Q.H.
Giải trình thêm vấn đề đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại phiên chất vấn sáng 16-3, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay với các nhà máy lọc hóa dầu hiện có là Dung Quất, Nghi Sơn đáp ứng được 70% nhu cầu thị trường, so với nhu cầu xăng dầu cả nước là 20 - 21 triệu m3.
Đáng chú ý, nguồn xăng dầu sản xuất tại nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất đều phải nhập khẩu, khai thác dầu thô trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Phải khẳng định dự trữ xăng dầu vừa qua đáp ứng yêu cầu. Dù sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn làm ảnh hưởng cung cầu trong tháng 2, nhưng nguyên nhân dẫn tới cửa hàng đóng cửa là do kênh phân phối, điều phối chưa làm tốt và dù tỉ lệ này nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân", ông Thành nói.
Về giải pháp, ông Thành khẳng định Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung chỉ đạo các khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối.
Chính phủ đã chỉ đạo Bình Sơn sản xuất tăng 105%, Nghi Sơn cam kết sản xuất trở lại, nhập khẩu cho quý 2-2022 tăng thêm là 2,4 triệu m3. Dự trữ cũng đảm bảo đúng quy định.
Việc đóng cửa các cửa hàng, theo Phó thủ tướng, phải làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm. Việc điều chỉnh giá ở kênh phân phối cần phải tiếp tục kiểm soát và Chính phủ đã giao các cơ quan liên quan rà soát.
Ông nhấn mạnh trước hết giảm phí, đảm bảo cơ chế thị trường, cố gắng không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng sản xuất và lạm phát. Vì vậy Chính phủ có giải pháp sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm phí, thuế, có cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng nếu giá tiếp tục tăng…
Về dài hơi, ông Thành khẳng định tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại Vũng Tàu.
Ông thông tin hiện PVN đã triển khai, cố gắng trong 10 tháng sẽ xong thủ tục đầu tư. Nếu có thêm 10 triệu, cộng 13 triệu hiện nay chúng ta có 23 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước.
Đồng thời sẽ tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô khi hiện mới đáp ứng 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với trả lời của bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề ùn ứ nông sản.
"Thực ra câu chuyện này mấy ngày gần đây, tôi thường nhận được tiếng kêu trong đêm của đại biểu Quốc hội, nông dân. Tôi cũng thấu cảm được vấn đề đó", ông Hoan nêu.
Ông nói đã chuẩn bị báo cáo, sẽ gửi cho các đại biểu về cái nhìn của bộ trong thời gian tới bởi đây là câu chuyện ngắn ngày mà cần có tầm nhìn xa hơn.
Với câu chuyện ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, ông Hoan cho biết đã đi Lạng Sơn, Quảng Ninh, vùng nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long và thấy nếu không ùn ứ ở cửa khẩu sẽ ùn ứ ở các vùng nguyên liệu.
Đồng thời, cần nhìn nhận câu chuyện ở góc độ cung cầu, tư duy sản xuất, tư duy thị trường và có trách nhiệm của bộ.
100 bị can vụ xăng giả Đồng Nai
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh xảy ra nhiều ở các địa phương.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp. Xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng, dầu, "găm hàng" chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu; pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ… Bộ Công an nỗ lực đấu tranh vụ sản xuất xăng giả ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai...
Về vụ buôn lậu, sản xuất xăng giả ở Đồng Nai, bộ trưởng nói đến nay đã kết thúc điều tra giai đoạn 1; bắt, xử lý 100 bị can, phối hợp quân đội xử lý các đối tượng liên quan, trong đó có 99 bị can về tội "buôn lậu", 1 bị can về tội "nhận hối lộ".
Ngoài ra, tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác, tạm giữ số tiền trên 212 tỉ đồng, gần 300.000 USD; phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỉ đồng, tạm giữ 51 "sổ đỏ" và nhiều tài sản giá trị khác. Hiện bộ đang tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án.
Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, bộ đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp...
TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng không nâng năng lực sản xuất, khả năng thích ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ 'thua ngay trên sân nhà'.