Có mặt tại khu khám và thu dung bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính của Bệnh viện Thanh Nhàn từ khá sớm, anh Đỗ Trường Giang (36 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu được vẻ lo lắng khi đứng chờ mẹ đang kiểm tra sức khoẻ ở bên trong.
F0 ra khỏi nhà đi khám vì lo lắng
“Cách đây 10 ngày mẹ tôi sốt cao, nghi ngờ mắc COVID-19 nên tôi test nhanh cho bà, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bà sốt cao 2-3 ngày đầu, tự theo dõi, điều trị tại nhà, cách ly trong phòng riêng, nhưng nay là ngày thứ 9 vẫn dương tính. Bà đã ngoài 60 tuổi, lo tình trạng sức khoẻ của bà chuyển biến nặng nên tôi đưa đi khám để nếu có vấn đề gì sẽ nhập viện điều trị luôn” – anh Giang chia sẻ.
Một bệnh nhân được tiến hành test nhanh tại khu vực khám dành cho F0 BV Thanh Nhàn. Ảnh: NL
Còn chị Nguyễn Hà Anh (Thanh Trì, Hà Nội) có con nhỏ 4 tuổi được xác định dương tính SARS-CoV-2 từ ngày 12-3 với các dấu hiệu như sốt, nghẹt mũi, tuy nhiên sau 2 ngày uống thuốc bé vẫn không hạ sốt. Quá lo lắng, chị Hà Anh đã đưa con vào bệnh viện khám.
"Mấy ngày đầu bé sốt cao, quấy khóc, 2 vợ chồng tôi tìm mọi cách hạ sốt nhưng không giảm. Hôm nay quyết định cho bé vào viện khám để có hướng xử trí kịp thời. Tại bệnh viện bé được test nhanh, kết quả vẫn dương tính, đang chờ làm thêm một số xét nghiệm. Có thể bé sẽ phải nhập viện để điều trị” - chị Hà Anh tỏ vẻ lo lắng.
Mỗi ngày có hàng trăm F0 đến bệnh viện
Theo ThS. BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên điều trị COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn hiện có gần 200 F0 đang điều trị. Trong đó, khoảng 150 bệnh nhân nặng cần phải can thiệp thở oxy. So với những đợt dịch trước, đợt này số ca mắc tăng nhưng số ca nhập viện ít đi và số ca tử vong giảm rất nhiều.
Cũng theo BS Hường, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước ta vẫn ở mức cao, biến thể Omicron đã được ghi nhận trong cộng đồng. Hệ thống y tế cơ sở nhiều nơi ở trong tình trạng quá tái không thể hỗ trợ được hết bệnh nhân.
Khu vực khám cho người mắc COVID-19 (F0) của Bệnh viện Thanh Nhàn đã đi vào hoạt động 2 tuần nay. Ảnh: NL
Để đáp ứng được nhu cầu tiếp cận y tế của người bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn đã mở phòng khám cho tất cả F0 - là những bệnh nhân có triệu chứng đang điều trị tại nhà nhưng chưa tiếp cận được với y tế cơ sở hoặc các bệnh nhân đang điều trị tại nhà, không chuyển nặng nhưng có bệnh lý nền, cấp tính vẫn có thể đến khám. Bệnh viện đã bố trí 4 phòng khám: nội, sản, ngoại, nhi để tiếp nhận tất cả các F0 tại Hà Nội và nơi khác tới khám.
“Phòng khám bắt đầu đi vào hoạt động được 2 tuần. Trung bình phòng khám tiếp nhận 70-80 bệnh nhân, có thời điểm tiếp nhận trên 100 bệnh nhân/ ngày. Có khoảng 30-40% các trường hợp F0 tới khám trong 2 tuần qua đã phải nhập viện điều trị. Số còn lại sau khi khám được tư vấn cho đơn thuốc về nhà điều trị và hẹn tái khám”.
Như vậy, chỉ tính riêng Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày đã tiếp nhận gần 100 F0 đến khám, chưa kể các bệnh viện khác. Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều các F0 mắc các bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính khác, bắt buộc phải được tái khám định kỳ.
Khó quản lý nghiêm F0
Ngày 14-3, Bộ Y tế ban hành quyết định 604/QĐ-BYT kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19. Trong đó bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm với nội dung: Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.
Tuy nhiên, nội dung này được nhiều người hiểu theo hướng người mắc COVID-19 được ra khỏi nhà. Để tránh hiểu nhầm, tối 14-3, Tổ biên tập hướng dẫn của Bộ Y tế đã điều chỉnh lại một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT và ngày 15-3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 616 đính chính thông tin: “Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác” thành “Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thực tế hiện nay nhiều F0 không biết mình mắc COVID-19 do không có triệu chứng nên vẫn đi làm, đi ăn uống, mua sắm bình thường.
Mặt khác, một số người dù đã test nhanh cho kết quả dương tính nhưng không khai báo y tế, tự ý ra khỏi nhà nên việc bảo đảm quản lý nghiêm 100% người mắc COVID-19 là rất khó khăn.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga đưa ra khuyến cáo: "Khi chúng ta đang ở giai đoạn thích nghi để tiến tới bình thường hóa thì phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, có ý thức cao để thực hiện nghiêm 5K bảo vệ mình và cộng đồng. Nghĩa là dù F0 hay F1 hoặc không biết mình ở tình huống nào thì ra khỏi nhà cần đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên”.