"Ngày mai 17-3, UBND tỉnh sẽ ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về việc F0 được đi làm"- ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin với phóng viên PLO vào chiều 16-3 như trên.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở y tế Cà Mau cho biết việc cách ly hộ vẫn duy trì, tất nhiên người trong nhà vẫn được ra ngoài đi làm. Còn về chi tiết, ông Dũng cũng cho biết chờ văn bản của UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể.
Hậu cần nghề cá ở Cà Mau có nhiều công việc lao động không gần nhau, nên F0 đi làm nguy cơ lây nhiễm không cao. Ảnh: TRẦN VŨ
Liên quan chủ trương trên, qua điện thoại, nhiều doanh nghiệp ở Cà Mau cho hay là rất đồng thuận với chủ trương cho F0 không triệu chứng, chịu chứng nhẹ đi làm.
"Điều đó tốt cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và cả người lao động. Bởi vì trên thực tế có nhiều vị trí công việc không tiếp hoặc rất ít tiếp xúc với người khác, hoặc môi trường làm việc thoáng, cách xa người khác. Nên F0 không chịu chứng hoặc chịu chứng nhẹ đi làm sẽ hạn chế rất tốt tình trạng ách tắt công việc của doanh nghiệp. Người lao động nhờ vậy cũng giữ được thu nhập tốt hơn. Tôi thấy chủ trương này là đúng lúc, hợp lý, giảm phần nào khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay trước nạn dịch bệnh kéo dài"- Ông Lê Huy Kiệt, Giám đốc Công ty Quốc Đạt ở huyện Trần Văn Thời nói.
Ông Nguyễn Thanh Tân, một doanh nhân thủy sản ở xã Hồ Thị Kỹ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng nhận định: Thực ra hiện nay, F0 ra đường rất đông. Nên chủ trương cho F0 đi làm là cũng phù hợp với thực tế. Chỉ cần có thêm các quy định để nâng cao ý thức của F0 khi ra đường và đến nơi làm việc là ổn.
"Mà như vậy thì giảm đi những khó khăn về lao động cho hệ thống doanh nghiệp thủy sản tỉnh Cà Mau. Theo tôi biết, hiện lao động ở các xí nghiệp đông lạnh tại Cà Mau đang rất thiếu vì F0 thì phải ở nhà cách ly"- ông Tân nói.
Ông Trần Văn Trung, một doanh nhân lĩnh vực thủy sản và du lịch ở Cà Mau thì nhận định: Doanh nghiệp sẽ được chủ động bố trí công việc linh hoạt, vừa phòng dịch. Điều này giảm đi sự ách tắt các khâu trong sản xuất kinh doanh như thời gian qua các doanh nghiệp hứng chịu.
"Ví như đơn vị chúng tôi, có rất nhiều vị trí như kế toán, thống kê, hay các công việc như chăm sóc hoa cỏ, ao cá... không có sự tiếp xúc gần. Nếu họ là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được đến làm các công việc đó thì khả năng lây nhiễm cho người khác gần như không có. Tôi ủng hộ chủ trương này. Tất nhiên, với chủ trương cho F0 đi làm, doanh nhân tụi tôi phải vất vã hơn, vì phải tự nâng cao các biện pháp phòng chống dịch đơn vị mình"- ông Trung nói.
Sắp tới, khi F0 đi làm, đường phố sẽ có nhiều F0 hơn, mọi người cần thực hiện 5K tốt khi ra đường. Ảnh: TRẦN VŨ
Doanh nhân Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú nhận định ngắn: "Cho F0 đi làm là tốt. Thực tế có rất nhiều F0 không có triệu chứng gì cả, hoặc không đáng kể. Nếu không cho họ đi làm sẽ khiến họ giảm thu nhập mà doanh nghiệp cũng bị mất nhân lực, có khi gián đoạn một số khâu. Tôi đồng tình với việc Cà Mau cho F0 đi làm".
Trước đó, ngày 14-3-2022, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Cà Mau họp với các Sở ngành của tỉnh đã kết luận cho F0 không chịu chứng, chịu chứng nhẹ và F1 được đi làm. Việc này hiện UBND tỉnh Cà Mau đang soạn thảo văn bản hướng dẫn tạm thời cho F0 đi làm. Dự kiến ban hành vào ngày mai, 17-3-2022.
Hồi đầu tháng 3-2022, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo toàn dân test nhanh COVID19 mỗi tuần 2 lần. Tuy nhiên, việc test nhanh này là tự nguyện, hộ gia đình nào không test cũng không bị chế tài.
Với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các đơn vị Nhà nước, đơn vị sự nghiệp được đề nghị gương mẫu trong test nhanh 2 lần/tuần. Học sinh cũng được đề nghị phải âm tính mới được vào lớp, cách là tự test ở nhà và gửi kết quả hình ảnh, video kết quả test cho giáo viên chủ nhiệm.