Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại bài viết trước, được UBND Thành phố Hà Nội giao quyết định chủ trương đầu tư dự án Tòa nhà cao tầng đa chức năng dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê kết hợp căn hộ du lịch (Dự án TNR The Nosta) tại khu đất số 90 đường Láng, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội từ tháng 9/2018. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai đúng tiến độ vì vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Tìm hiểu được biết, tại khu đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty TNHH điện tử Ánh Sao (Chủ đầu tư dự án) vẫn đang tồn tại 1 căn nhà 5 tầng không được cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất Dự án.
Chủ đầu tư "thực sự" của ngôi nhà số 84 đường Láng là ai?
Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng và đô thị phường Ngã Tư Sở cho biết: Ngày 5/12/2019, qua công tác kiểm tra địa bàn, tổ công tác phát hiện bên trong khu đất số 90 đường Láng và giáp phía sau nhà 84 đường Láng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) có hoạt động thi công xây dựng. Tổ công tác tiến hành kiểm tra, tuy nhiên không tiếp cận được vị trí xây dựng để kiểm tra cụ thể do ngôi nhà số 84 đóng cửa. Vì vậy, cơ quan chức năng phải tiếp cận từ xa để lập biên bản.
Sau đó, UBND phường đã nhiều lần ra thông báo, gửi giấy mời yêu cầu chủ đầu tư số nhà 84 đường Láng xuất trình các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng nhưng chủ đầu tư đều không đến làm việc và không xuất trình bất kỳ giấy tờ gì liên quan.
Ngày 29/01/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có tổ chức việc bàn giao mốc giới khu đất cho Công ty TNHH điện tử Ánh Sao (Công ty Ánh Sao) thì phát hiện tại các mốc số từ 18 đến 24 thuộc quyền quản lý, sử dụng của công ty TNHH điện tử Ánh Sao tồn tại 01 ngôi nhà bê tông cốt thép 05 tầng nằm sát lưng nhà số 84 đường Láng nên việc bàn giao mốc giới để thực hiện dự án không thực hiện được.
Vị cán bộ này cho biết thêm: UBND quận Đống Đa và UBND phường Ngã Tư Sở đã họp nhiều lần nhưng hiện nay vẫn còn một số vướng mắc, do không xác định được chủ đầu tư thực sự của ngôi nhà số 84 đường Láng là ai? Có sự việc, có hành vi vi phạm nhưng không xác định được chủ thể. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bà Ngô Thị Lâm nhưng sau nhiều lần mời lên làm việc bà Lâm vẫn không có mặt.
Ông Hoàng Mạnh Dũng – Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết: Đối với sự việc này, UBND phường đã có văn bản báo cáo UBND quận Đống Đa và đang đợi phương án chỉ đạo từ Quận.
Căn nhà xây không phép trên diện tích đất lấn chiếm của dự án được xử lý ra sao?
Liên quan đến các vấn đề pháp lý trong việc xử lý phần nhà xây không phép trên diện tích đất lấn chiếm của dự án, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Luật sư Nguyễn Hồng Bách – Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự cho rằng: Trước tiên, để có cơ sở xử lý hành vi vi phạm của chủ căn nhà có vi phạm trong xây dựng thì theo tôi các cơ quan chức năng cần làm rõ nội hàm của từ lấn đất và chiếm đất.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi: "Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép". Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP thì: Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật;
Từ nội hàm của 2 khái niệm lấn đất và chiếm đất nêu trên chúng ta có thể thấy, chủ công trình vi phạm trên đất của Công ty Ánh Sao đã có hành vi chiếm đất của Công ty Ánh Sao.
Đối với hành vi chiếm đất của Công ty Ánh Sao thì chủ công trình vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người chủ công trình xây dựng ngôi nhà 5 tầng còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất theo quy định tại diểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định này.
Điều 14. Lấn, chiếm đất
4. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
5. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức…
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
Mặt khác, theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 thì trước khi khởi công xây dựng nhà tại khu vực đô thị phải có giấp phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho phép chủ nhà được xây dựng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ căn nhà đã thực hiện xây dựng công trình nhà 5 tầng không có giấy phép, do đó, căn cứ theo quy định khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư công trình sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép với mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình xây dựng trái phép theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 của Nghị định này.
Trong trường hợp hộ dân đứng tên căn nhà có phần diện tích lấn chiếm cố tình chây ỳ, không hợp tác, cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế giải tỏa, tháo dỡ phần nhà lấn chiếm. Luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng cho biết: Theo quy định tại Điều 29, 30 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện
Chế tài quy định rất rõ ràng, nên nếu chủ sở hữu căn nhà cố tình chây ỳ không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm thì các cơ quan Nhà nước phải thực hiện quy trình pháp luật quy định để xử phạt, áp dụng biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả để bàn giao mặt bằng cho đơn vị có quyền đối với mặt bằng này.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng và thông tin tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo.
Theo Khánh An
Báo Xây dựng